Lối về xóm nhỏ đưa tôi về ngôi nhà mà ngoại để lại cho tía má dưỡng già trong những năm tháng tuổi xế chiều. Xóm nhỏ thân thương từng lấp đầy những ký ức đẹp đẽ, đầy yêu thương của tuổi thơ tôi.
Bâng khuâng những ngày "trở về" cùng tía má. Những ngôi nhà mới mọc lên như cỏ như cây rừng quê tôi sau mùa mưa lớn. Hồn đất, hồn quê vẫn còn đâu đây nhưng người xưa người còn người chẳng thấy nữa. Chợt len vào lòng tôi một nỗi niềm bùi ngùi khó tả…
Xóm nhỏ miệt đồng còn lưu lại bao nhiêu ký ức thời còn nghèo khó đến từng ngày trôi qua càng thay da đổi thịt đó là cả quá trình mưu sinh vất vả của bà con dân quê tôi.
Tôi nhớ những năm 90, cả xóm nhỏ trong đồng bưng chỉ có một cái tivi. Cái tivi đen trắng nhỏ nhỏ vuông vuông chứa đầy những chương trình thiếu nhi và những bộ phim hấp dẫn ngày hè. Lũ trẻ miệt đồng như chúng tôi mong tới ngày được nghỉ hè, được tha hồ xem ké bộ phim hấp dẫn. Tới giờ chiếu phim, mấy đứa chúng tôi kê cục gạch ống hoặc cây củi trăm gối kiếm chỗ ngồi cho êm rồi trông ngóng tới lúc phim chiếu. Có bộ phim còn đọng lại và lưu vào tâm trí cho đến tận hôm nay.
Xóm nhỏ dễ thương quá đỗi. Nhớ những buổi trưa nắng chang chang, chúng tôi canh me tía má đi đồng chưa về hoặc loay hoay nấu cơm sau bếp là lén ra gốc trăm gối, gốc gáo vàng, bụi cà na nhà cậu bày chơi nhà chòi, nấu ăn, chơi trò cô dâu chú rể… Chúng tôi phân công mỗi người một việc khác nhau, đứa nào biết lội thì ra kênh nhỏ hái ngó lục bình, đứa thì lấy mũng vùa, lon sữa bò để làm nồi nấu cơm, có đứa hăng máu đi vô mấy hàng tràm gió cắt dây bồng bông, dây tơ hồng về làm đồ trang trí cho nhà chòi hoặc làm vòng hoa trên đầu trang điểm cho cô dâu… Có hôm ham chơi bỏ luôn cơm trưa, tía má chạy đi kiếm rồi mỗi đứa bị ăn cây vậy mà vẫn lì đòn, hôm sau ra chơi tiếp. Để sau này gặp lại, nhóm bạn hàng xóm chúng tôi vẫn rộn vui khi nhắc về những ngày tháng vô ưu.
Xóm nhỏ nghèo khó nhưng đầy ắp ân tình. Khi nhà có giỗ quải thì cả xóm góp công phụ tiếp ba ngày, gói bánh, phụ tiên thường, chánh giỗ rồi có khi mấy chị ở lại dọn dẹp cho hậu thường xong đám, nhà nào nấu được nồi chè thì bưng cho cả xóm, mấy đứa con nít chúng tôi sẽ được giao nhiệm vụ đi cho hàng xóm. Hiếm khi thấy chúng tôi đi qua cổng chính nhà, mà thường chọn lối tắt mà đi rồi gọi mấy nhỏ bạn ra lấy. Có bữa, mấy chú trong xóm giăng lưới, thảy chài, giở chà được mớ cá mớ tôm, cua, tép đồng… hễ tiện đường chóng xuồng ngang qua nhà là thảy lên cho tía tôi ăn cho vui. Cứ chiều ăn xong mâm cơm miệt quê đạm bạc tía châm bình trà ướp hương sen quê thơm phức rồi hí hò mấy chú, mấy anh trong xóm uống nước trà, hút điếu thuốc lào vấn giấy quyến, bàn chuyện thời sự cùng những trăn trở về nghề nông một nắng hai sương của mình.
Bên căn nhà nhỏ mái lá đơn sơ, vách đóng cây tạp có sẵn trong xóm, qua bao năm tháng vẫn còn giữ lại hình hài xưa cũ. Khoái nhất là nhìn hàng lu kiệu trước hiên nhà đựng đầy nước mưa, mỗi khi đi học, chạy chơi về là uống một ly mát ruột mát gan, ngọt lịm tâm hồn, rồi cả nhà tôi thường quây quần bên nhau trong bữa cơm chiều. Đến giờ, tôi vẫn nhớ hương vị các món ăn bình dị của má nấu năm nào như: Canh rau tập tàng nấu tép đồng, nồi canh chua cá rô mề nhúng bông súng ma, bông điên điển, rau muống đồng vượt nước, cá trê đồng chiên giòn chấm mắm gừng, cá mè vinh kho hầm… Vậy mà tôi cứ thế lớn lên với những món ăn thấm đượm tình quê sự vén khéo, tảo tần của má tôi.
Lối về xóm nhỏ bình yên lắm. Sáng thức dậy đã nghe chim hót rộn ràng quanh nhà, buổi chiều nhìn ra ruộng lúa thẳng cánh cò bay, rung rinh trong gió, trời mưa tối nghe ễnh ương tấu khúc nhạc đêm ru ta vào giấc ngủ êm đềm và ấm áp đến lạ thường.
Tản bộ trên con đường trải đá xanh dẫn lối về xóm nhỏ thân thương, thoáng nghe mùi hương của lúa đang kỳ ngậm sữa, mùi sen hồng thơm phức, bao mệt mỏi của cuộc sống nhanh chóng tan biến trong tôi. Ký ức tuổi thơ chợt ùa về. Tôi thả hồn mình trôi nhẹ giữa yên bình của quê hương để lắng nghe thanh âm hương đồng gió nội gọi về…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.