Nhìn mớ cá nục tươi roi rói, lòng tôi không dưng nhớ quê nhà, nhớ sản vật mà biển cả đã hào phóng ban tặng cho dải đất hẹp miền Trung. Những món ăn rất đỗi bình dị ở quê nhà phút chốc lại trở đi trở lại trong tâm trí của đứa con xa. Chỉ nghĩ đến thế thôi là lòng tôi lại khao khát muốn quay về…
Quê tôi vốn ở một làng biển nghèo nơi miền Trung đầy nắng và gió. Nhiều bậc cao niên trong làng khi hình dung về nỗi cơ cực của quê nhà thường ví von mảnh đất này như chiếc đòn gánh, gánh trĩu oằn hai đầu đất nước. Cũng từ dải đất hẹp này, biết bao nhọc nhằn, đối đầu với bão dông, nắng lửa, gió Lào, mảnh đất cằn cỗi này đã rèn luyện cho con người trở nên kiên trì, nhẫn nại, biết cách đương đầu với khó khăn, như chính mảnh đất quê hương phải chịu nhiều thiệt thòi của mình.
Ký ức sâu sắc nhất của tôi về quê nhà là cứ vào mỗi độ tháng Bảy, khi những cơn gió Nam từ Lào vượt qua dãy Trường Sơn, mang theo hơi nóng khô khốc vào miền Trung nước ta cũng là thời điểm vào vụ cá nục. Các bác, các chú ngư dân miệt biển quê tôi lại bận rộn ngày đêm chuẩn bị ra khơi, để đánh bắt những mẻ cá tươi ngon.
Thông thường, vào mùa này, tại những vùng biển cạn, cá nục sẽ di chuyển thành từng đàn di chuyển đến nơi có mực nước cao hơn để kiếm mồi và sinh nở. Tập tính của loài cá giúp cá nục dễ dàng thích ứng với môi trường xung quanh nên mỗi khi thấy biển động, chúng lại chủ động lặn xuống tầng sâu hơn để né tránh. Tôi đặc biệt yêu thích cá nục từ sắc xanh óng ánh rất đặc biệt của nó. Đó là một màu xanh lam lóng lánh pha chút xanh lá, vốn là màu chỉ tìm thấy ở con vật còn tươi roi rói, vừa được đánh bắt từ biển khơi vào.
Những ban mai trên biển, khi trời vừa tờ mờ sáng, chỉ cần đi dọc các bến thuyền, bãi cá ở làng tôi, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp không khí tấp nập khi những chiếc tàu, chiếc ghe chở đầy cá nục cập vào bờ. Tôi thường tranh thủ cắp theo một cái rổ con, chầm chậm đi cùng mẹ ra khu vực bến cảng, chờ mua những mẻ cá nục tươi xanh. Mẹ thường giục tôi đi nhanh, cũng bởi chỉ cần chậm chân, những mẻ cá nục tươi trong, mắt long lanh dưới ánh đèn sẽ được thương lái chờ mua và đem đi ngay. Tiếng ngư dân mặc cả, tiếng máy tàu, hòa cùng tiếng sóng biển ầm ầm vỗ vào bờ khiến bến cảng vốn yên ả thường ngày trở nên ồn ã lạ thường. Với ngư dân làng tôi thì những mẻ cá nục tươi ngon là thành quả của biết bao nỗ lực, là thành quả của biển quê hương dành tặng cho bà con nghèo khó, giúp họ thêm yêu và gắn kết với nghề đi biển truyền thống.
Theo mẹ tôi kể lại thì cá nục chủ yếu có 4 loài đó là nục hoa, nục gai (nục sò), nục bông, nục đuôi đỏ. Sau này, khi đã trưởng thành, có điều kiện tìm hiểu qua sách báo, tôi mới ngạc nhiên nhận ra cá nục có rất nhiều loại khác nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã tổng hợp và xác định chúng có tới 12 loài thường bắt gặp nhất. Dù đa dạng là thế nhưng cá nục là loại cá bình dân, phù hợp túi tiền với người dân nghèo nên thường thường được các mẹ, các chị ở quê tôi lựa chọn để chế biến trong bữa cơm cho gia đình mình. Chắc cũng vì thế mà cá nục ở quê tôi thường được gọi bằng cái tên "cá nhà nghèo".
Trong những buổi chợ sớm mai bên dốc cầu quê tôi, xen lẫn những hàng cá thu, tôm, mực… thì những mớ cá nục tươi rói vẫn luôn được mọi người ưu ái chọn mua. Cũng bởi, dù được xem là món ăn bình dân nhưng cá nục lại hấp dẫn mọi người bằng độ thơm, ngon, bùi và nhiều dinh dưỡng. Mẹ tôi thường tận dụng những con cá nục chuối, lớn khoảng hơn ngón tay, đem hấp ăn với bánh tráng, rau muống chẻ và chấm mắm nêm hay nước kho sóng sánh, thơm nồng mùi ớt tươi.
Những ngày miền Trung mưa gió rả rích, không ra rẫy được nhiều, cha mẹ và chị em tôi ngồi quây quần bên mâm cá nục hấp ăn cùng bánh tráng. Chỉ cần gắp ít cá vào miếng bánh tráng đã nhúng nước, kết hợp thêm cọng rau, chấm vô chén mắm, cho vào miệng sẽ cảm nhận được đủ đầy hương vị bùi bùi của bánh tráng, chất béo của cá, vị tươi giòn của rau, chất mằn mặn mà cay cay của chén nước chấm, khiến bất kỳ thực khách khó tính nào cũng phải xuýt xoa.
Thi thoảng, muốn đổi vị cho cả nhà, mẹ tôi sẽ chọn những con cá nục nho nhỏ, xanh tươi, rửa sạch, ướp với chút nước mắm nhĩ, thêm vào vài trái ớt đỏ, chút tiêu, chút đường, ướp cho con cá se se cứng, cho vào nồi kho sền sệt. Chờ đến khi nước kho cá chuyển màu hơi nâu đen, nồng nặc mùi ớt và mùi cá dậy mùi thơm phức thì nhấc xuống bếp, ăn cùng với chén cơm trắng, chan miếng nước cá, lùa một miếng với miếng cá ngọt bùi.
Những năm tháng trưởng thành, mải mê bươn chải với cuộc sống, thi thoảng nhớ quê nhà, tôi thường ghé các quán cơm bình dân chọn món cá nục kho, cá nục chiên làm thức ăn chính cho bữa cơm của mình. Món ăn vừa dân dã lại hợp túi tiền và hơn như thế, nó gợi cho tôi nhớ về những kỷ niệm của miệt biển quê nhà, nơi đã nuôi lớn tôi bằng một tình yêu âm thầm mà giản dị.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.