Theo con số của Cục Chăn nuôi, năm 2022, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 12,4%; tổng đàn bò tăng khoảng 3,5%; tổng đàn gia cầm tăng 5,4%, cùng với trên 13 tỉ quả trứng và hơn 1 triệu tấn sữa. Dự báo năm 2023 ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường ước đạt khoảng hơn 7,2 triệu tấn; bên cạnh đó còn có khoảng 19 tỉ quả trứng, 1,25 triệu tấn sữa...
Có được kết quả này là nhờ chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhiều nơi đã cơ bản hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh rất tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã gặt hái một số kết quả trong việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch hơn 400 triệu USD. Trong đó có nhiều thị trường lớn, như Nhật Bản, Liên bang Nga, một số nước thuộc Liên minh châu Âu…
Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, thời gian qua ngành chăn nuôi nước ta đã kiểm soát tương đối tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Tuyệt đại đa số (trên 99,9%) trong tổng đàn gia cầm hơn 550 triệu con là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh.
Cục Thú y cũng cho biết, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 400 triệu USD (năm 2022).
Điều đáng nói, dù nước ta có đàn gia cầm lớn nhất nhì thế giới, đàn lợn xếp thứ 6 thế giới, nhưng người chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh đe doạ, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả không ổn định. Một số loại dịch bệnh nguy hiểm, dai dẳng vẫn đang đe doạ ngành chăn nuôi trong nước, như dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục…
Trong bối cảnh thị trường trong nước dư thừa, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao mở cửa thị trường tiêu thụ bên ngoài, xuất khẩu ngày càng nhiều để vừa khai thác tốt năng lực sản xuất của ngành chăn nuôi, vừa thúc đẩy phát triển ngành hiệu quả và bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra.
Để góp phần tìm lời giải cho vấn đề trên, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Tập đoàn De Heus tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: XÂY DỰNG VÙNG CHĂN NUÔI AN TOÀN DỊCH BỆNH, THÚC ĐẨY CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU THỊT VÀ SẢN PHẨM CHĂN NUÔI.
Tham dự buổi Toạ đàm trực tuyến, có:
- Ông Phan Quang Minh – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT);
- Ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi và thú y - Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT);
- Ông Vũ Văn Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội
- Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam;
- Ông Nguyễn Quang Hiếu – Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH De Heus Việt Nam.
- Ông Nguyễn Minh Kha - chủ chuỗi trang trại Miền Đông, kết nối với tọa đàm qua Zoom.
- Tham dự Toạ đàm còn có một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt nhấn mạnh:
Đây là tọa đàm chuyên môn nhưng rất thời sự, thể hiện ở con số có hơn 2.000 người theo dõi chủ yếu là nông dân ở các vùng chăn nuôi trọng điểm.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua ngành chăn nuôi đã kiểm soát tương đối tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.
Thực tế cho thấy, năng lực sản xuất chăn nuôi của nước ta rất lớn, loài vật nào có giá trị cũng được bà con khai thác rất tốt, tuy nhiên, một trong những điểm yếu của người chăn nuôi nói riêng, cũng như ngành chăn nuôi nói chung là bấp bênh, giữa khâu sản xuất và thị trường còn thiếu sự kết nối dẫn đến giá cả biến động; năng lực cạnh tranh kém do giá thức ăn chăn nuôi cao, khả năng giết mổ, chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu...
Ngành chăn nuôi cũng thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa, điển hình là dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ năm 2019 và đến nay vẫn có vài ổ dịch nhỏ lẻ ở các địa phương; hay dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm..., khiến người chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Điều đáng nói, dù là nước có đàn gia cầm lớn thứ 2 thế giới, đàn lợn lớn thứ 5 thế giới…, nhưng đến nay cả nước vẫn chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), mà mới chỉ có các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Ước tính cả nước có khoảng 2.230 cơ sở an toàn dịch bệnh, ngay như "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai cũng mới có 7 vùng an toàn dịch bệnh được công nhận với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle.
Trong khi đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; là mấu chốt để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu ra thế giới.
Để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới thì rất khó, với những tiêu chuẩn cực kì khắt khe, người chăn nuôi, hay một mình doanh nghiệp không thể làm được, đòi hỏi chúng ta cần có hệ thống giải pháp từ chính sách, đất đai, nguồn lực, các giải pháp kỹ thuật… để cùng tổ chức chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả.
Để tìm lời giải cho vấn đề nói trên, góp phần tìm lời giải cho chăn nuôi bền vững và hiệu quả, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tập đoàn De Heus tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi".
Tại cuộc tọa đàm này, chúng tôi mong các doanh nghiệp, chuyên gia và bà con cùng chia sẻ kinh nghiệm đến các địa phương, người chăn nuôi trong cả nước để làm sao chúng ta có thể phát triển được một nền chăn nuôi an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn của thế giới.
Các loại dịch bệnh nguy hiểm đã giảm thiểu, từng bước khống chế thành công
Nói về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tạo nền tảng cho việc xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, ông Phan Quang Minh – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết:
Trong những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xuất hiện những bệnh mới như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm,.. kéo dài từ trước đó vài năm đến thời gian gần đây. Từ đó, chúng ta thấy được các bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm đã xảy ra ở Việt Nam đã và đang gây thiệt hại lớn về kinh tế đặc biệt là thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi. Thậm chí, có những bệnh lây sang người như cúm gia cầm.
Trước thực trạng như vậy, chúng ta đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chính vì vậy nên các loại dịch bệnh cơ bản được giảm thiểu và khống chế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các loại bệnh trên gia súc, gia cầm đều giảm. Hiện tại, cả nước không có ổ dịch lở mồm long móng nào, tất cả những ổ dịch cúm gia cầm đều được tiêu hủy và không có ổ dịch nào đang hiện hành. Thậm chí, đối với bệnh viêm da nổi cục, chúng ta cũng đã nghiên cứu thành công vaccine.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 xã trên cả nước có bệnh viêm da nổi cục. Đối với dịch tả lợn Châu Phi, có 40 xã có dịch chưa qua 21 ngày,… tất cả những con số đáng mừng đó nói lên việc chúng ta đã và đang xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh rất tốt.
6 tháng đầu năm 2023, ngành đã phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp xây dựng được 1 vùng và 235 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cụ thể: 1 vùng cấp huyện và 93 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 130 cơ sở an toàn dịch bệnh trên lợn; 12 cơ sở trên gia súc khác.
Như vậy đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc và 47 vùng bệnh Dại.
Đơn vị tiếp tục hỗ trợ các các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Mục tiêu của ngành là xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) tại vùng Đông Nam Bộ.
Thủ tướng phê duyệt 2 kế hoạch dài hạn về công tác Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 – 2030 và kế hoạch phòng chống bệnh dại năm 2022-2030.
Đặc biệt, đối với tất cả các bệnh nguy hiểm hiện tại Việt Nam chúng ta đã chủ động nghiên cứu vaccine trong nước thành công. Tiêm phòng tốt, vaccine phù hợp nên chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.
Các doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương lập kế hoạch, đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Nhiều giải pháp kỹ thuật triển khai mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Thời gian qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y - Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết:
Trong những năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng những mô hình thí điểm về xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh trên lợn và gia cầm ở vùng 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và 3 tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ công nhận 188 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Sau khi thực hiện thành công các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 3 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 1 tỉnh miền Trung là ở Thanh Hoá.
Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai các mô hình VietGAP, chăn nuôi tuần hoàn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tạo sinh kế cho nông dân. Các mô hình này đã giúp người chăn nuôi giảm thiểu, ngăn ngừa phòng chống tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Một giải pháp nữa là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tốt các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao KHKT trong chăn nuôi an toàn sinh học trên đàn vật nuôi. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng tích cực phối hợp với các Tổ chức phi Chính phủ xây dựng các mô hình, dự án về chăn nuôi an toàn sinh học tạo sinh kế bền vững cho nông dân.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tìm ra các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả, đồng thời thông qua diễn đàn để tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Điểm mới là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng góp phần triển khai các dịch vụ phối hợp với doanh nghiệp, trong đó có thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả.
Đề án xây dựng khuyến nông cộng đồng đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, theo đó đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng (2 tổ/tỉnh) với sự tham gia của 168 thành viên. Ngoài ra, các tỉnh đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ Đề án vùng nguyên liệu với tổng số 123 tổ, gồm 689 thành viên tham gia.
Đến nay, ngoài các tỉnh tham gia Đề án thí điểm, đã có thêm nhiều tỉnh thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ…
Trong đó một số tỉnh, hệ thống khuyến nông cộng đồng phát triển mạnh mẽ như ở Hải Phòng. Hầu hết các xã ở Hải Phòng đều có tổ khuyến nông cộng đồng. Theo đánh giá, bước đầu, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở, góp phần cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông, đa dạng các hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Khuyến nông cộng đồng đã giúp cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông. Đề án tập trung hình thành tổ khuyến nông cộng đồng trên cơ sở thành phần là cán bộ khuyến nông đang làm việc tại hệ thống khuyến nông tỉnh, huyện, xã, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ HTX và thông tin thị trường, liên kết sản xuất.
Khuyến nông cộng đồng cũng đã đa dạng chức năng, nhiệm vụ của khuyến nông cơ sở. Cụ thể, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã cung cấp nhiều công năng để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo các nhóm hoạt động: Tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tư vấn hỗ trợ hình thành HTX nông nghiệp, phát triển thị trường, liên kết sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các HTX...
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đánh giá việc thành thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng để xây dựng quy chế mẫu nhằm nhân rộng trong giai đoạn tới. Đồng thời, xây dựng và ban hành hướng dẫn thành lập và hỗ trợ khuyến nông cộng đồng dựa trên kinh nghiệm và bài học của một năm hoạt động để nhân rộng trên toàn quốc.
Ngành chăn nuôi đã có bước phát triển vượt bậc
Tham luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi trong những năm qua đã có tốc độ phát triển rất là cao đặc biệt giai đoạn từ năm 2016 – 2020 là những giai đoạn rất là khó khăn về thị trường. Năm 2017 giá lợn xuống rẻ như cho.
Năm 2019 đầu năm đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối diện với dịch bệnh lớn như vậy. Cuối năm 2019 – đầu năm 2020 dịch trên người- dịch Covid-19 làm đứt toàn bộ cung ứng toàn cầu, trong đó ngành chăn nuôi chịu tác động trực tiếp. Bởi, 90% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chúng ta nhập khẩu. Các sản phẩm khác chưa tiêu thụ được có thể cất được, nhưng riêng chăn nuôi không bán nổi, bán rẻ như cho nhưng cũng không bán được.
Giá gia cầm có lúc xuống thấp nhưng không tiêu thụ được. Dù không tiêu thụ được nhưng con vật vẫn phải ăn, chúng ta chưa nhìn thấy hết khó khăn của ngành chăn nuôi lúc bấy giờ.
Những vật tư khác có thể tạm cất kho, thậm chí các sản phẩm nông sản khác có thể không chăm sóc được, nhưng vật nuôi thì không thể. Thế nhưng ngành chăn nuôi vẫn vượt qua, vẫn đạt được những mục tiêu cơ bản là trụ đỡ cho ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu. Đó là giai đoạn lần đầu tiên xuất khẩu thịt gà chính ngạch qua Nhật Bản, và cũng là lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sữa sang Trung Quốc thời kỳ đó. Qua đó chúng ta mới thấy được những thành tựu của ngành.
Đạt được những điều trên là do chúng ta thực hiện tốt các chủ trương chăn nuôi, các Nghị định, thông tư… Tất cả đều mở cửa, tất cả tạo điều kiện tốt nhất cho chăn nuôi, kinh doanh, đặc biệt nhất là vai trò của Bộ Nông nghiệp PTNT.
Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Chưa bao giờ có sự vào cuộc lớn như thời kỳ này, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực khó khăn nhất của chăn nuôi như đầu tư vào giết mổ và chế biến. Các doanh nghiệp Masan, CP, Deheus và các tập đoàn khác từ Thaco, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… từ trước chưa đầu tư vào chăn nuôi thì sau này đầu tư vào chăn nuôi, đặc biệt là đầu tư vào giết mổ và chế biến.
Hà Nội hướng đến chăn nuôi theo vùng trọng điểm
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội có bước phát triển rất lớn.
Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn tốp đầu cả nước lại đông dân cư, áp lực lớn của đô thị hóa.
Trong năm qua vừa, Hà Nội vừa có thời cơ nhưng lại vừa có nhiều thách thức trong phát triển chăn nuôi, Hà Nội đã và đang đã định hướng ngành chăn nuôi theo Nghị quyết 02 ban hành khu vực không được phép chăn nuôi và di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.
Đến nay chúng tôi đã triển khai tại các huyện, thị xã đều tốt. Hiện, các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đã giảm đáng kể, chăn nuôi gia cầm giảm 63%, lợn giảm 38%, dê, bò 21% so với năm 2020.
Hà Nội ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi gia đoạn 2020 đến 2030, tầm nhìn đến 2045 hướng phát triển chăn nuôi quy mô lớn hàng hóa, đồng đều cao. Trong đó, Hà Nội sẽ xây dựng chăn nuôi đàn bò thịt chất lượng cao, đàn lợn, đàn gia cầm... Hướng vào sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Chúng tôi hướng đến chăn nuôi xa khu dân cư, hình thành chăn nuôi khu dân cư trang trại quy mô lớn, gắn với khu giết mổ hiện đại tập trung, xử lý chất thải triệt để nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Phát triển chăn nuôi theo xã vùng trọng điểm, chăn nuôi tập trung đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm... áp dụng các công nghệ cao vào chế biến sâu để xuất khẩu.
Hiện nhu cầu thực phẩm của Hà Nội khoảng 19.300 tấn/tháng nhưng mới đáp ứng khoảng hơn 70%, thịt bò mới đáp ứng được 18%, thịt gia cầm nhu cầu hơn 6.000 tấn, Hà Nội đã sản xuất 13.000 tấn... Về khả năng tự sản xuất, Hà Nội cơ bản đáp ứng được gia cầm, trứng gia cầm... các sản phẩm khác được các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố cung cấp.
Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh được thành phố quản lý, thực hiện rất chặt chẽ. Từ 2020 đến nay, các dịch bệnh lớn không xảy ra, công tác tiêm phòng, tiêu độc phòng chống dịch bệnh cũng được thành phố thực hiện tốt nên chăn phát triển nhanh và hiệu quả.
Hà Nội cũng đã quy hoạch vùng chuyên canh tập trung với các trang trại quy mô lớn, có 162 chăn nuôi trong điểm, 60 xã nuôi gia cầm...
Đến nay, đã có trên 6.300 trang trại quy mô lớn, chăn nuôi của thành phố đang hướng đến chăn nuôi lớn an toàn sinh học, công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người ân Thủ đô.
Hà Nội cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất công nghệ cao hướng hữu cơ thân thiện với môi trường.
Vừa qua Sở NNPTNT Hà Nội đã lấy ý kiến các huyện, quận và tham mưu cho thành phố ban hành chính sách di dời chăn nuôi ra xa khu dân cư và Ban hành “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư trên địa bàn giúp ngành chăn nuôi của thành phố bền vững và an toàn, hiệu quả hơn. Hà Nội đã có 53 chuỗi chăn nuôi và xây dựng được một số nhãn hiễu như gà đồi ba vì, vịt cỏ Vân Đình...
Bên cạnh đó, về công tác phòng chống dịch bệnh, Hà Nội ban hành và thực hiện các kế hoạch thực hiện phòng chống dịch bệnh trung hạn như viêm da nổi cục, cúm gia cầm... Theo đó, từ 2022 dến nay không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm lớn trên địa bàn giúp chăn nuôi phát triển hơn.
4 giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín của De Heus
Chia sẻ về các giải pháp quan trọng để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh; kinh nghiệm xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín, hướng tới xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Hiếu-Giám đốc đối ngoại Công ty De Heus Việt Nam cho biết:
Là doanh nghiệp đến từ châu Âu, cụ thể là đất nước Hà Lan, chúng tôi đầu tư vào thị trường Việt Nam từ cuối năm 2008 đầu năm 2009. Chúng tôi nhận thấy cơ hội đầu tư trong chăn nuôi của Việt Nam là rất lớn nhưng còn nhiều thách thức. Thách thức là chăn nuôi của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có hai rủi ro lớn là giá cả và dịch bệnh.
Giá cả chăn nuôi biến động theo thị trường liên tục chúng ta không can thiệp được. Còn rủi ro dịch bệnh chủ yếu đến từ khâu chăm sóc quản lý là chính, chúng ta kiểm soát được nhưng nếu xảy ra dịch bệnh thì việc khôi phục sản xuất chăn nuôi là rất khó khăn, thiệt hại rủi ro do mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi lại rất lớn.
Với các khó khăn và thách thức như vậy, chúng tôi đã xác định từ đầu là phải chú trọng kiểm soát dịch bệnh, coi đây là yếu tố trọng yếu trong đầu tư chăn nuôi của mình. Chúng tôi đầu tư làm thức ăn chăn nuôi cho nên để thành công được chúng tôi đã đang và tiến hành rất nhiều công việc quan trọng.
Đầu tiên là kiểm soát dịch bệnh cho đàn giống. Ngay từ đầu chúng tôi đã có mục tiêu, lực chọn vị trí đầu tư đảm bảo các yêu tố an toàn sinh học cho các trại giống.
Hai là quy hoạch các tổ hợp chăn nuôi cho khoa học, nhằm giảm thiểu lây nhiễm bệnh tật từ nhóm vật nuôi này sang nhóm vật nuôi khác.
Ba là chúng tôi áp dụng công nghệ hiện đại để giảm rủi ro, như áp dụng tự động hóa, dùng silo trong bảo quản thức ăn, giảm bao bì ni lông, vận chuyển giảm rủi ro lây bệnh, giảm rủi ro từ loài sinh vật gặm nhấm… tất cả nhằm giảm thiểu lây nhiễm bệnh.
Thứ tư là xây dựng quy trình an toàn sinh học trong trại giống. Để làm được việc này, Cục Thú y và các địa phương, các cơ quan chuyên môn đều hợp tác tư vấn cho doanh nghiệp để xây dựng được quy trình an toàn này, do đó chúng tôi đã giảm thiểu tốt thiểu các nguy cơ bệnh tật ở các trại giống của mình.
Với các quy trình đó, chúng tôi đã đảm bảo có các con giống sạch bệnh cung ứng cho thị trường, cho bà con chăn nuôi trong suốt thời gian qua.
Bên cạnh việc đảm bảo sản xuất an toàn cho mình, chúng tôi còn thực hiện hỗ trợ kiểm soát dịch cho các khách hàng, cho bà con nông dân. Trên thị trường chúng tôi hiện đang có hàng triệu trang trại khác nhau, từ gà trắng, gà thả vườn, bò sữa, bò thịt, vịt đẻ, heo nái, heo thịt đều có đội ngũ kỹ thuật giúp hỗ trợ đảm bảo dịch bệnh an toàn.
Bà con nào có chuồng trại mới là có đội ngũ tư vấn quy hoạch chuồng trại khoa học và có đội ngũ kỹ thuật chuyên môn của chúng tôi đến từng trang trại để huấn luyện đào tạo bà con, giúp bà con các quy trình làm sao tối ưu nhất chăn nuôi của mình, đây là những việc mà chúng tôi đang triển khai tốt khi đầu tư chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay.
Hà Lan là đất nước có nền nông nghiệp phát triển khá ấn tượng. Là quốc gia nhỏ với diện tích khoảng hơn 40.000km2 với dân số có 17,5 triệu dân (tương đương với khu vực ĐBSCL ở Việt Nam). Hà Lan chỉ có khoảng 1% dân số làm nông nghiệp, nhưng diện tích đất dành cho nông nghiệp chiếm 70%.
Từ nhiều năm nay, Hà Lan là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đúng sau Mỹ - quốc gia có diện tích gấp 270 lần Hà Lan. Năm 2022, doanh thu xuất khẩu nông sản của Hà Lan là hơn 120 tỷ đô/năm.
Để có được những con số ấn tượng này, đất nước Hà Lan đã trải qua nhiều thăng trầm và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Hiện nay, bức tranh nông nghiệp Hà Lan rất rộng mở, Chính phủ Hà Lan có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển. Đặc biệt, người nông dân Hà Lan, các hiệp hội ở Hà Lan họ liên kết tập hợp với nhau rất mạnh mẽ và họ có tiếng nói.
Tại Hà Lan, ngành công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển rất mạnh mẽ, từ ngành công nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi; ngành công nghiệp chế biến, giết mổ; logistic. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Lan xây dựng thương hiệu quốc gia rất tốt. Đó là những yếu tố dẫn đến thành công của Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với Việt Nam, chúng ta có ngành chăn nuôi hơn với nền tảng hơn 30 năm qua, và thực sự mạnh trong khoảng 10 năm gần đây. Tôi nhìn thấy những cơ hội rất lớn trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam. Trước đây, trong lĩnh vực chăn nuôi của chúng ta có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đã dần hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, đơn cử như vùng chăn nuôi gà trắng tập trung ở vùng Đông Nam bộ có quy mô lớn, giảm giá thành sản xuất. Chúng ta có thế mạnh về nhân công, nhân lực rẻ hơn các quốc gia khác trên thế giới.
Tôi nhìn thấy thế mạnh của Việt Nam về xuất khẩu các sản phẩm chế biến, xuất khẩu ức gà trắng chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội cũng là thách thức lớn. Điều chúng ta cần làm hiện nay là xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để làm nền tảng cho xuất khẩu. Cùng với sự đầu tư cơ sở chế biến giết mổ bài bản, hiện đại, sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, chúng ta có thể tự tin rằng trong tương lai gần sẽ có nhiều điểm sáng về xuất khẩu.
Liên kết xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản: An toàn sinh học đặt lên hàng đầu
Tại điểm cầu Đồng Nai, ông Nguyễn Minh Kha, chủ chuỗi Trang trại Miền Đông, khởi nghiệp với nghề nuôi gà tại Đồng Nai từ năm 2009, đến năm 2014 đã mạnh dạn hợp tác với doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết khép kín định hướng xuất khẩu gà sang Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi với doanh nghiệp. Ông Kha cho biết:
Tôi có được may mắn được công ty chọn là một trong những trang trịa đầu tiên tham gia chuỗi liên kết 4 bên để xuất khẩu gà đi Nhật Bản. Trong chuỗi liên kết 4 bên đó thì cơ sở của tôi được coi là một mắt xích trong 4 bên.
Không chỉ tự lĩnh hội cách quản lý chăn nuôi hiện đại, tôi còn trở thành mắt xích trong chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm gà sạch, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu… Chuỗi này, bao gồm người chăn nuôi bỏ vốn đầu tư trang trại và đối tác còn lại cung cấp con giống, thức ăn và lo đầu ra.
Tham gia chuỗi từ năm 2015, trải qua gần 3 năm đến ngày 29/9/2017, lô hàng đầu tiên, gà của tôi được công ty Koyu & Unitek (đối tác trong chuỗi liên kết lo con giống, cám, đầu ra) xuất vào thị trường Nhật Bản. Từ đó tới nay công việc xuất khẩu gà của tôi tiến hành rất thuận lợi và liên tục phát triển.
Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng và khó tính, tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Trước khi muốn vào thị trường Nhật, chúng ta cần đạt những tiêu chuẩn:
Thứ nhất là tiêu chuẩn của Việt Nam được quy định trong bộ tiêu chuẩn quy định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đó là về: Hồ sơ pháp lý trang trại phải đầy đủ như giấy phép xây dựng, giấy đầu tư, an toàn dịch bệnh,.. Sau đó, để xuất qua thị trường Nhật cần phải trải qua quá trình hỗ trợ của các cấp ngành để xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Thời điểm đó, các trang trại nuôi gà của tôi còn chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh nên đã phải xây dựng vùng đệm. Lúc đó, Cục Thú y và cán bộ thú y địa phương liên tục ra vào các trang trại của tôi để kiểm tra bảo vệ công tác giám sát an toàn dịch bệnh cho sơ cở đủ điều kiện để xuất khẩu. Công tác kiểm tra đó vẫn được làm thường xuyên từ năm 2017 đến nay.
Sản phẩm thịt gà muốn xuất qua Nhật Bản thì cần phải làm các xét nghiệm loại trừ kháng sinh và các chất cấm. Trước 10 ngày không được dùng kháng sinh nên an toàn dịch bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo đàn gà tốt nhất để tránh thiệt hại, giảm thiểu rủi ro.
Thứ hai là vấn đề an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu. Thứ ba là kế hoạch an toàn dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Thứ tư là kế hoạch phản ứng, kế hoạch đối phó nếu chẳng may xảy ra dịch bệnh.
Một vấn đề nữa là luôn luôn phải cập nhật quy trình, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất giảm giá thành, tránh rủi ro. Đó là những yêu cầu mà chúng tôi luôn luôn đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, tôi cũng muốn nói thêm về công tác đảm bảo truy xuất nguồn gốc 100%, tất các hoạt động phải ghi chép đúng quy trình. Đến thị trường Nhật, sản phẩm sẽ đặt ở khoa ngoại quan và 10 ngày sau đủ điều kiện mới được thông quan vào thị trường Nhật Bản.
Tiếp tục kiện toàn hệ thống thú y, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Nói về thực trạng của hệ thống thú y hiện nay, ông Phan Quang Minh-Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Đúng là thực trạng hiện nay thú y cơ sở cấp huyện xã của chúng ta chưa thống nhất trên cả nước. Chúng ta có 33/63 tỉnh có trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập trạm chăn nuôi thú y với các ngành dịch vụ khác.
Chúng ta chuyển chức năng phòng chống dịch sang phòng kinh tế của địa phương và chỉ có 1-2 người làm trong lĩnh vực này, nhiều nơi còn không có người chuyên trách, nên việc phòng chống dịch bệnh ở cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn.
Ở cấp xã hiện nay thì cơ bản nhân viên thú y đang phải kiêm nghiệm công việc phòng chống dịch bệnh. Chế độ phụ cấp cho đội ngũ này thấp nhiều nơi còn không có người tham gia, hoặc nhân viên thú y còn bỏ việc trong khi đây là những đội ngũ quan trọng nhất, do lực lượng này thiếu hụt nên việc triển khai phòng chống dịch là khó khăn.
Khắc phục các tồn tại này chúng ta đã có đề án 414 về tăng cường năng lực ngành thú ý, nâng cao năng lực thú y các cấp, đã nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng này tinh gọn nhưng vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch.
Và từ năm 2021 khi thực hiện đề án này đến nay, một số tỉnh, thành phố đã lập lại một số trạm thú y, 1 số tỉnh đã có lộ trình để thực hiện tinh thần chỉ đạo của đề án trên, giúp công tác chỉ đạo điều hành thông suốt và chúng tôi đang hy vọng việc phòng chống dịch bệnh của lực lượng thú y sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ về yêu cầu bức thiết của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, đúng là chúng ta có nhiều thành tựu, đặc biệt trong công tác kiểm dịch bệnh, chúng ta xây dựng vùng an toàn, chúng ta kết nối chuỗi. Thế nhưng, những cái hạn chế của chăn nuôi Việt Nam còn rất nhiều.
Một số điểm trong quá trình làm công tác quản lý cũng như bây giờ tôi thấy ngành chăn nuôi còn điểm hạn chế, chúng ta cần giải quyết quyết trong thời gian tới. Có 4 điểm:
Điểm thứ nhất chúng ta phải khẳng định kiểm soát dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập. Bởi chúng ta có đường biên giới rất dài, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ phần trăm cao, loại vật nuôi nào chúng ta cũng có, và dịch bệnh nào chúng ta cũng có. Chúng ta chưa hoàn toàn thanh toán được dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào. Tôi cho đấy là vấn đề chúng ta cần thấy.
Nhất là vấn đề chúng ta nói rồi đó là xây dựng các cơ sở vùng an toàn, còn vùng quốc gia an toàn chúng ta không có đâu. Cơ sở an toàn, vùng an toàn thì đấy là nhiệm vụ hàng đầu, đấy là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành chăn nuôi.
Vấn đề 2: Tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết vẫn yếu, nếu không có chuỗi chăn nuôi chúng ta không làm được nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chăn nuôi. Nếu không có chuỗi chăn nuôi chúng ta không thể tồn tại được trong bối cảnh cả về dịch bệnh cả về thị trường như bây giờ.
Tôi khẳng định chúng ta còn hạn chế trong chuỗi liên kết, thể hiện ở mức độ quy mô còn đang thấp. Chúng tôi ước tính thôi chứ chưa có điều tra cụ thể, khoảng 25- 30% các sản phẩm chăn nuôi được vào các chuỗi liên kết.
Hai nữa là tính chất liên kết của chúng ta chưa chặt, còn đang lỏng lẻo, chưa đến sản phẩm cuối cùng. Phải liên kết từ chăn nuôi tới sản phẩm cuối cùng thành chuỗi liên kết chặt.
Điểm thứ 3 là kiểm soát vấn đề xuất nhập khẩu, về các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta. Nó phải là liên ngành là Bộ đội Biên Phòng, chính quyền địa phương chứ không chỉ cơ quan thú y, Bộ NN&PT NT. Chúng ta phải bảo vệ được làm sao thị trường sản xuất trong nước chúng ta phải kiểm soát tốt vấn đề xuất nhập khẩu.
Thứ 4, không gian chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hẹp. Nếu mật độ dân số chúng ta là bây giờ là 315 người, 100 triệu dân/33000km thì mật độ dân số chúng ta cao nhất thế giới và đơn vị vật nuôi chúng ta cũng cao nhất thế giới. Thủy cầm chúng ta chỉ đứng sau Trung Quốc, lợn đứng thứ 6 thế giới, gia cầm chúng ta cũng lớn, trong không gian chật hẹp như vậy, chúng ta nhập khẩu nguyên liệu là chính.
Chúng ta vẫn phải chăn nuôi vì ngoài vấn đề an ninh dinh dưỡng thì nó còn là sinh kế của người nông dân, không phải một sớm một chiều chúng ta chuyển sang làm công nghiệp, du lịch được ngay đâu, vẫn phải làm nông nghiệp, vẫn phải làm chăn nuôi. Nên tôi cho rằng chúng ta phải nhìn thấy vấn đề không gian chăn nuôi, để chúng ta có chính sách hỗ trợ thêm cho ngành chăn nuôi, cùng với ngành chăn nuôi đồng hành với doanh nghiệp thì chúng ta mới xử lý được các khó khăn trên.
De Heus cam kết cùng ngành chức năng, địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Từ năm 2017, Tập đoàn De Heus đã cùng phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực chăn nuôi. Chúng tôi đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên. Năm 2018 – 2019, De Heus tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các đối tác doanh nghiệp, các chủ trang trại xây dựng những chuỗi chăn nuôi.
Đặc biệt, ngày 11/5/2023, Tập đoàn De Heus chính thức phối hợp Cục Thú y Bộ NNPTNT ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu giai đoạn 2023 – 2028 ở 7 tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong ngành công nghiệp chăn nuôi gà tại khu vực các tỉnh phía Nam. Thỏa thuận này hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho ngành chăn nuôi gà tại Việt Nam nói chung và tại khu vực phía Nam nói riêng, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm gà Việt trên thị trường quốc tế.
Theo đại diện De Heus cho biết, việc xây dựng vùng đệm xung quanh đạt ATDB là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm các loại mầm bệnh từ bên ngoài vào bên trong chuỗi sản xuất của Công ty TNHH De Heus.
Công ty cam kết cùng phối hợp với người dân, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức tốt việc phòng, chống các loại dịch bệnh tại vùng đệm xung quanh chuỗi sản xuất thịt gà của Công ty TNHH De Heus như: Đào tạo, tập huấn về chuyên môn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ tiêm phòng, lấy mẫu giám sát chứng minh cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đối với vùng đệm 10km xung quanh cơ sở nuôi gà thương phẩm trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH De Heus tại 7 tỉnh, từ nay đến năm 2024, doanh nghiệp sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cho ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gà trong vùng đệm; thực hiện giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành các loại mầm bệnh theo quy định tại Thông tư số 24; tổ chức kiểm soát tốt, không để xảy ra các loại dịch bệnh này; Xây dựng các huyện được Cục Thú y công nhận ATDB.
Đối với xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà an toàn thực phẩm của Công ty TNHH De Heus, lộ trình đến tháng 6/2026 sẽ hoàn thiện hồ sơ chương trình giám sát tồn dư chất độc hại và hồ sơ đề nghị xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến, trứng gà sang một số thị trường (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Trung Đông, EU,...).
Tại hội nghị hôm nay, chúng tôi mong muốn Cục Thú ý, 7 tỉnh vùng Đông Nam Bộ có những buổi thảo luận để có những kế hoạch mạnh mẽ hơn để thực hiện thoả thuận. Chúng tôi cam kết sẽ cùng các cơ quan Nhà nước hình thành các vùng an toàn dịch bệnh, phối hợp cùng các doanh nghiệp, các chủ trang trại xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà an toàn thực phẩm.
Chúng ta cần phải đẩy nhanh việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đàm phán với các quốc gia nhập khẩu để xây dựng chuỗi xuất khẩu.