Mặc dù mức bình quân tiền lương của khu vực doanh nghiệp cao hơn khu vực công nhưng nhưng thu nhập không cao trên thực tế. Bởi vậy, định kỳ hàng năm Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ xem xét tăng lương tối thiểu vùng.
Theo tính toán, thống kê của Tổng cục thống kê, tiền lương của công nhân, lao động khu vực tư nhân (khối doanh nghiệp, hợp tác xã...) rơi vào khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Mức này đúng là có cao hơn so với thu nhập bình quân của nhóm công chức, viên chức nhưng ngoài phần thu nhập này công nhân lao động không còn khoản nào thu thêm.
Chị Đinh Thị Thu (Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) từng là nhân viên hành chính của Công ty Sơn cho biết, thời điểm gần đây công ty ít đơn hàng, nên gặp khá nhiều khó khăn. Công ty bắt đầu giảm việc, sa thải công nhân... vì thế thu nhập của công nhân lao động đều bị giảm sút. Thu nhập của chị giảm tới gần 1/3 từ 9 triệu nay xuống còn hơn 6 triệu đồng/tháng.
"Để ứng phó với khó khăn, tôi đã phải tìm cách kiếm thêm thu nhập. Tôi xin vào các hội nhóm, bán hàng online, bán thực phẩm giảm cân... thế nhưng cũng không ăn thua, hàng hóa bán ế ẩm, khó lắm", chị Thu kể.
Mong muốn của chị Thu và những công nhân lao động khác là cơ quan quản lý có thể sớm tăng lương tối thiểu vùng cho công nhân để thu nhập của người lao động có thể được cải thiện.
Theo Nghị định 38/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022 đến nay, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định 38 cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Thông tin của người lao động chính là tấm gương phản chiếu bức tranh về thị trường lao động nửa đầu năm 2023 vừa qua. Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt giảm sản xuất, ngừng việc... tăng khiến cho tỷ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp, giảm việc gia tăng khiến cho thị trường lao động đối mặt với nhiều vấn đề.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm việc làm khiến cho số lao động bị mất việc làm, giãn việc tiếp tục tăng, quý 1/2023 là 443 nghìn lao động (trong đó 149 nghìn lao động mất việc, tăng 31 nghìn người so với quý trước), quý 2/2023 là 459,3 nghìn lao động (riêng số lao động mất việc là 217,8 nghìn người, tăng 68,8 nghìn người so với quý trước).
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 562.600 người, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 518.500 người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng giải quyết cho hơn 668.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Tất cả những khó khăn trên của nền kinh tế đã tác động trực tiếp tới việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động. Đời sống của người lao động khó khăn, khiến việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2024 được cho là rất cấp thiết.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết đơn vị này đang chuẩn bị các nội dung cho phiên họp tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 của Hội đồng tiền lương Quốc gia vào ngày 8/8 tới đây tại Quảng Ninh. Mặc dù chưa đưa ra mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cụ thể cho năm 2024 song phía Công đoàn cho biết đề xuất mức phù hợp trong bối cảnh hiện nay, để vừa chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp.
Ông Quảng cũng cho biết thời gian qua, công đoàn đã tiến hành khảo sát về tiền lương, đời sống và nhu cầu, nguyện vọng của người lao động thì hiện đại đa số đều mong muốn được tăng lương tối thiểu.
"Khảo sát của tổ chức Công đoàn cho thấy hầu hết công nhân, lao động đều mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vì cuộc sống của họ rất khó khăn, thu nhập giảm sâu", ông Quảng nói.
Để có căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng, hằng năm, Bộ LĐTBXH cũng đều tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại các địa phương để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng cho năm tới.
Trước đó, kết quả khảo sát tháng 11/2022 của Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy, có trên 58% công nhân lao động không có tích luỹ. Chỉ trên 11% có tích lũy đủ chi tiêu dưới 1 tháng, 16% có tích lũy đủ chi tiêu 1 – 3 tháng và chỉ hơn 12% có tích lũy đủ chi tiêu trên 3 tháng. Thực tế này khiến mong muốn được Nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu và đi làm phải đủ sống, có tích luỹ phòng khi bị giảm hoặc mất việc làm là một trong những kỳ vọng lớn của người lao động khi khảo sát.
Chia sẻ thêm với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng mặc dù phía công đoàn mong muốn tăng lương, song công đoàn cũng rất thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Công đoàn cũng tin rằng bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ về những khó khăn của người lao động đang gặp phải. Vì vậy, ông Hiểu tin rằng các bên sẽ tìm được tiếng nói chung để đề xuất một mức tăng lương phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
"Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cụ thể sẽ phải thông qua việc thương lượng, cùng trao đổi giữa các bên trên tinh thần thiện chí, thấu hiểu. Chúng tôi sẽ đề xuất một mức tăng phù hợp", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.