Cận cảnh tàu đi qua kênh Nghĩa Hưng (Cụm công trình kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ). Nguồn: Thế Anh
Ngày 25/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ký quyết định công bố mở luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng (Cụm công trình kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ) thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Theo đó, Bộ GTVT chính thức mở luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng để đón các tàu hàng đi qua kênh.
Bộ GTVT giao Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ luồng đường thuỷ kênh Nghĩa Hưng, Âu tàu Nghĩa Hưng.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thuỷ nội địa khác. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo thẩm quyền đối với hoạt động giao thông thuỷ nội địa, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định.
Ngay trong sáng nay (25/7), kênh Nghĩa Hưng đã chính thức đón chuyến tàu đầu tiên đi từ sông Đáy qua kênh Nghĩa Hưng sang bên sông Ninh Cơ để đi vào nội địa chở hàng hoá.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Ban quản lý các dự án đường thuỷ cho biết: "Kênh Nghĩa Hưng khi đưa vào vận hành khai thác sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và các tỉnh lân cận. Kênh sẽ giúp cho các chủ tàu hàng giảm bớt đi được gánh nặng về chi phí vận chuyển, thời gian di chuyển chở hàng đi vào trong nội địa".
"Các tàu hàng đi vào kênh Nghĩa Hưng có thể đăng ký trước hoặc không cần đăng ký vẫn đi qua bình thường, vì kênh Nghĩa Hưng hoạt động 24/7", đại diện Ban quản lý các dự án đường thuỷ thông tin.
Cũng theo đại diện Ban quản lý các dự án đường thuỷ, để đi qua kênh Nghĩa Hưng, tàu phải chờ ở vị trí neo đậu tại Âu tàu khi cửa kênh mở và được đọc lệnh đi vào, thuỷ thủ mới được phép lái tàu đi vào. Sau đó, cánh cửa kênh sẽ đóng lại và chờ cửa phía đầu bên kia mở ra, tàu sẽ tiếp tục di chuyển theo hành trình của mình.
"Tất cả các bước như vậy sẽ mất khoảng thời gian của mỗi tàu hàng đi qua kênh Nghĩa Hưng mất khoảng 30 - 45 phút", đại diện Ban quản lý các dự án đường thuỷ nói.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, cụm công trình kênh Nghĩa Hưng, ban đầu có tên gọi là cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ - Dự án WB6.
Kênh Nghĩa Hưng được xây dựng kết nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km; chiều rộng đáy kênh 90m - 100m. Xây dựng âu tàu với kích thước trong buồng âu rộng 17m, dài 179m và cao độ đáy -7,0m.
Cầu vượt kênh Nghĩa Hưng là cầu tĩnh không 15m, kết cấu bê tông cốt thép bao gồm 18 nhịp dầm Super-T, với chiều dài cầu là 777,9m, chiều dài đường dẫn là 1497m. Điểm đầu tại km31+285 ĐT 490C và điểm cuối km33+260 ĐT 490C. Hạng mục phụ trợ có hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện và thông tin liên lạc…
Đây là dự án được Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký Hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (kênh Nghĩa Hưng).
Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng có tổng mức đầu tư 107.19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78.74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28.45 triệu USD.
Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng là một hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6, sau khi hoàn thành cụm công trình này sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu có trọng tải 2000 Tấn đầy tải và 3000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc.
Từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo Ban quản lý các dự án đường thuỷ, việc triển khai xây dựng cụm công trình kênh Nghĩa Hưng thuộc Dự án Phát WB6 thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của Bộ GTVT nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19".