Bí thư Hà Nội nói về điểm mấu chốt để "làm sống lại” sông Đáy, sông Nhuệ

Bách Thuận Thứ năm, ngày 29/06/2023 17:08 PM (GMT+7)
Phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề tại dòng sông Đáy và Sông Nhuệ, cử tri huyện Thanh Oai (TP.Hà Nội) đề nghị Thành phố, Trung ương quan tâm xử lý.
Bình luận 0

Cử tri phản ánh nhiều vấn đề tồn tại

Ngày 29/6, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đã cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì và quận Hà Đông báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XV.

Hội nghị này được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại trụ sở HĐND-UBND huyện Thanh Oai.

Tại hội nghị, kiến nghị tới cơ quan chức năng, cử tri Ngô Thị Nga (huyện Thanh Oai) cho biết, theo chỉ tiêu Đại hội đảng bộ các cấp, huyện Thanh Oai đến năm 2025, 100% hộ dân được cấp nước sạch, tuy nhiên đến nay, huyện còn 10/21 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch để sử dụng và sinh hoạt.

Cử tri đề nghị TP.Hà Nội quan tâm chỉ đạo các sở, ngành quan tâm triển khai thực hiện để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bí thư Hà Nội nói về điểm mấu chốt để "làm sống" lại sông Đáy, sông Nhuệ - Ảnh 1.

Hội nghị tiếp xúc với cử tri huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì và quận Hà Đông được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: TP.HN

Cử tri Bùi Tiến Dũng (huyện Thanh Oai) kiến nghị, TP.Hà Nội sớm đầu tư cầu vượt nút giao Phan Trọng Tuệ - Nguyễn Xiển để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Cử tri Bùi Tiến Dũng cũng đề nghị các cơ quan Trung ương, TP.Hà Nội quan tâm giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Cử tri Nguyễn Việt Hưng (huyện Thanh Trì) phản ánh, Dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được 107,5 héc ta và còn lại 63,4 héc ta.

Từ năm 2021 đến nay, không được bố trí vốn, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đơn vị chủ đầu tư không nhận bàn giao nên việc quản lý, chống lấn chiếm gặp khó khăn và không có kinh phí để thực hiện.

Cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Kiến nghị Ban Đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải tiếp nhận diện tích đất đã giải phóng mặt bằng để đưa vào đầu tư dự án.

Một cử tri khác ở huyện Thanh Oai là cử tri Hoàng Bá Long (huyện Thanh Oai) đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, không thể sử dụng để canh tác tại dòng sông Đáy và Sông Nhuệ trên địa bàn.

Bí thư Hà Nội nói về điểm mấu chốt để "làm sống" lại sông Đáy, sông Nhuệ - Ảnh 2.

Tại hội nghị, nhiều cử tri đã phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các nhu cầu bức thiết của người dân. Ảnh: TP.HN

Cử tri Hoàng Bá Long đề nghị Trung ương, Thành phố quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường và làm sống lại 2 dòng sông này. Đồng thời cũng phản ánh, đề nghị nâng cấp, cảo tạo tuyến đê tả Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai, bởi sau nhiều năm đưa vào sử dụng nhiều đoạn đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng liên quan đến sông Đáy, cử tri Nguyễn Bá Hậu (quận Hà Đông) đề nghị đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ sửa đổi về phòng chống lũ, đê điều tại sông Đáy.

Cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội và đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan Thành phố giải quyết theo thẩm quyền.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, TP.Hà Nội đã hoàn thành khối lượng lớn công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đạt hơn 84%. Vào ngày 25/6 vừa qua, đã khởi công dự án.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đề nghị các quận, huyện tiếp tục nỗ lực hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu tái định cư để người dân đến nơi ở mới ít nhất phải bằng và hơn nơi ở cũ.

Bí thư Hà Nội nói về điểm mấu chốt để "làm sống" lại sông Đáy, sông Nhuệ - Ảnh 3.

Với các vấn đề được cử tri nêu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, các đơn vị liên quan cần nhìn từ bài học kinh nghiệm khi xây dựng Dự án đường Vành đai 4, đó là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh: TP.HN

Chia sẻ về các ý kiến của cử tri phản ánh, kiến nghị tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, từ kết quả bước đầu của Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo tập trung cao độ từ Thành phố xuống cơ sở.

Vì vậy, các quận, huyện cần vận dụng để giải quyết dứt điểm các kiến nghị mà cử tri nêu, những vấn đề còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tới đây sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Hà Nội sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.

Thành ủy Hà Nội cũng đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công, ưu tiên đầu tư các dự án nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong đó có các dự án cấp nước sạch.

Đi vào vấn đề cụ thể, đối với Dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi, ông Đinh Tiến Dũng chia sẻ, TP.Hà Nội sẽ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bàn giao lại cho Hà Nội.

Với vấn đề ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, đây là vấn đề lớn, mấu chốt là phải tách được nước thải và nước mặt; đầu tư hệ thống gom nước thải để xử lý không cho chảy vào các sông; đồng thời tiếp nước vào thau rửa.

Nhưng theo Bí thư Hà Nội, vốn đầu tư để làm những việc nêu trên là rất lớn, TP.Hà Nội sẽ cân đối để thực hiện.

Về vấn đề nhà ở xã hội được cử tri nêu, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, hiện tại TP.Hà Nội đã báo cáo với Chính phủ để triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung.

"Như vừa qua, nhìn vào sẽ thấy nhà thương mại và nhà xã hội có vẻ chất lượng khác nhau. Cứ "xôi đỗ" như thế rồi sau vài chục năm sau thành nhà ổ chuột hay chung cư cũ thì không ổn" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng, vấn đề quan trọng khi xây dựng nhà ở xã hội là phải làm thế nào "ra tấm ra miếng". Chủ trương của TP.Hà Nội là với khu nhà ở xã hội tập trung, Hà Nội cơ bản xã hội hóa công trình hạ tầng, trường học, tạo điều kiện giảm tối đa chi phí để hạ giá nhà ở xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem