Trong khuôn viên xanh mát nhuốm màu thời gian, Tháp Bằng An toát lên dáng vẻ trầm mặc, huyền bí và trang trọng.
Ngọn tháp được xem là công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Champa độc nhất vô nhị tại Quảng Nam, là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn viên tháp còn lưu giữ một bia đá có khắc những ký tự cổ Chăm Pa vô cùng tỉ mỉ và tinh tế.
CLIP: Tháp Bằng An-tháp Champa là di tích kiến trúc nghệ thuật đã được Nhà nước công nhận tọa lạc tại phường Điện An, thị xã Điện Bàn, (tỉnh Quảng Nam). Clip: Trần Hậu
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, ký tự trên bia cho biết Tháp Bằng An được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11 dưới triều đại của vua Bhadravarman II (vị vua Chăm Pa).
Ý nghĩa của tháp Chăm khi ấy được dùng làm nơi thờ cúng, tế lễ của người Chăm với bàn thờ thần Shiva – vị thần được xem là người sáng tạo và bảo vệ cho các triều đại của vương quốc Chăm.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tháp Bằng An bị tàn phá không ít nhưng giá trị vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay và là hiện thân cho những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm xưa.
Tháp Champa Bằng An được xây theo hình bát giác, mỗi cạnh dài 4m, cao 21,5m và được xây bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương.
Tuy không thấy mạch vữa nhưng những viên gạch nung Champa liên kết với nhau rất bền vững qua nhiều thế kỷ.
Cấu trúc tháp Champa-tháp Bằng An gồm 2 phần tiền sảnh và điện thờ. Phần tiền sảnh khá dài, với cửa ra vào chính ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa ra vào phụ nhưng đến năm 1940 được Pháp trùng tu lại thành 2 cửa sổ.
Mái vòm tiền sảnh là một khối chóp bốn mặt cong thu dần về phía đỉnh. Do trải qua nhiều biến động, phần đỉnh đã sạt lở và mất các chi tiết trang trí ở các cạnh.
Phần điện thờ của Tháp Bằng An có mặt bằng bát giác, được chia làm ba phần: đế, thân bát giác và mái hình chóp tạo bởi tám mặt cong dần về phía đỉnh. Hình dáng của điện thờ được cho là giống như một khối Linga (dương vật) khổng lồ, còn mặt bằng của toàn bộ tháp lại gợi lên hình ảnh Yoni (âm vật).
Tục thờ Linga – Yoni là tín ngưỡng thờ cúng nguyên thủy của người dân Chăm Pa, thể hiện sự sinh tồn của loài người và là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo.
Bên trong tháp có tượng Linga bằng đá thạch, đây chính là biểu tượng đặc trưng của thần Shiva nhưng hiện nay chỉ còn lại bệ thờ.
Còn bên ngoài tháp là 2 pho tượng sư tử và voi bằng đá sa thạch, cổ đeo lục lạc. Người Chăm tin rằng đây là những vị thần bảo vệ cho Tháp Bằng An.
Tuy ngọn tháp không có những hoạ tiết trang trí cầu kỳ, nhưng được tô điểm bằng các đường kỷ hà ở phần tiếp giáp giữa đế và thân tháp, cũng như giữa thân và phần đỉnh.
Vì thế đây được xem là tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn nhất trong lịch sử kiến trúc Chăm Pa và có giá trị cao về mặt lịch sử, tôn giáo, văn hoá, tín ngưỡng.
Tháp Bằng An đã trải qua vài lần trùng tu nhưng đến nay vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn, chính là hiện vật minh chứng cho nền kiến trúc độc đáo của người Chăm còn tồn tại đến ngày nay. Tháp Bằng An được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989.
Theo dòng chảy của thời gian, chịu tác động của thiên tai, bão lũ và chiến tranh tàn phá, nhưng Tháp Bằng An vẫn đứng sừng sững trên mảnh đất Chăm Pa xưa.
Nằm ở vị trí thuận lợi và đẹp, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 30km, cách phố cổ Hội An khoảng 14km, Tháp Bằng An-tháp Champa là địa chỉ không thể bỏ qua đối với những du khách muốn khám phá nền văn hóa Chăm và chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc sắc của một thời kỳ lịch sử rực rỡ trên dải đất miền Trung.