Nền văn minh Champa cổ hé lộ qua một bia đá 600 năm tuổi phát hiện trong rừng Gia Lai, nhiều người lên xem

Thứ tư, ngày 19/07/2023 05:25 AM (GMT+7)
Bia đá cổ tồn tại gần 600 năm tuổi ở tỉnh Gia Lai được phát hiện và giải mã những ký tự cổ, hé mở nền văn minh của người Champa cổ trên đất Tây Nguyên.
Bình luận 0

Bia Chăm Pa cổ ở thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đắk Pơ), hay còn gọi là bia Tư Lương được xác định có niên đại năm 1438 (thuộc thế kỷ 15, niên đại Saka, dưới thời vua Yura Bhadravarman De va).

Giải mã bí ẩn cổ xưa sau 600 năm

Năm 2019, chính quyền huyện Đắk Pơ (Gia Lai) phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam, Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) tổ chức công bố bản dịch trên bia Tư Lương sau khoảng 600 năm “chìm lắng” trong dòng thời gian.

Để có được bản dịch, GS-TS Arlo Griffiths (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) mất nhiều thời gian và dày công nghiên cứu ngôn ngữ Chăm Pa mới hoàn thành công trình. Do nhiều ký tự đã phai mờ nên bản dịch không toàn vẹn, khoảng 90% nội dung của ký tự được dịch ra.

Nội dung bia có đoạn: “Ngợi ca! Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya… Vào (năm) ba mươi hai, ông được tôn phong là Indravarman, cai quản nhiều lãnh địa khác nhau”.

Theo ThS Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai, từ khi được phát hiện vào khoảng năm 2010, ông đã đưa rất nhiều nhà khoa học trong nước, kể cả những người nghiên cứu văn hóa Chăm đến đây nhưng không có ai đọc và dịch được.

Mãi đến khi gặp GS Andrew Hardy, Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội), ông đã mời vị này đến tham quan bia cổ và nhận được lời hứa sẽ “cho người giỏi nhất về ngôn ngữ Chăm cổ đến Việt Nam nghiên cứu, dịch”.

Đến năm 2018, GS-TS Arlo Griffiths cùng với chuyên gia rập chữ, cô Khom-Sreymom (quốc tịch Campuchia) bay đến Việt Nam và dành khá nhiều thời gian ở Gia Lai nghiên cứu bia Tư Lương.

Nền văn minh Champa cổ hé lộ qua một bia đá 600 năm tuổi phát hiện trong rừng Gia Lai, nhiều người lên xem - Ảnh 1.

Bia đá cổ Tư Lương được xây dựng mái tôn, xi măng bịt kín. Ảnh: LÊ KIẾN

“GS-TS Arlo Griffiths gửi bản dịch tiếng Anh cho tôi và tôi mất một tháng để dịch sang tiếng Việt. Để dịch ra bản hoàn chỉnh, tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, đến nay bản dịch này vẫn được giữ nguyên và được giới khoa học dùng để nghiên cứu” - ông Tuệ nói.

GS-TS Arlo Griffiths cũng đã gửi tặng hai bản rập chữ bia đá Chăm cho địa phương để lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Nhà truyền thống huyện Đắk Pơ. Ngoài ra, một bản rập cũng được gửi đến Paris để lưu trữ trong thư viện của Viện Viễn Đông Bác cổ.

Theo ông Tuệ, đại ý của bia nói đến công lao của một vị vua đắp đập, làm đường và dạy người dân trồng lúa. Thực ra, trước đây từ những năm 1960, người dân đã phát hiện ra bia đá này nhưng không biết nó là gì. Đến khi cơ quan chức năng biết, nó vẫn nằm trong lùm cây rậm rạp. Để vào tận bia, người ta phải dùng dao mở đường, luồn qua nhiều cây cối mới vào được.

Bia cổ đã mòn, chữ mờ hơn sau nhiều năm phát hiện

Để bảo vệ bia cổ, năm 2017, UBND huyện Đắk Pơ đã vận động người dân hiến, xây tường, giăng lưới B40 bao quanh diện tích 255 m2 và làm mái che bằng tôn, thảm nền bê tông quanh bia đá. Đến cuối năm 2022, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định xếp hạng hiện vật này là di tích cấp tỉnh.

Nhắc về bia cổ này, ông Nguyễn Quang Tuệ vẫn còn nhiều tiếc nuối: “Ở Tây Nguyên, bia Tư Lương là bia đá duy nhất có các ký tự Chăm cổ được dịch thành công ra tiếng Anh và tiếng Việt. Nó rất quý, cổ và có tính độc bản. Đây là minh chứng về sự xuất hiện của đế chế Champa trên cao nguyên và mối quan hệ với quốc gia Đại Việt, ít nhất đến cuối thế kỷ 15.

Nền văn minh Champa cổ hé lộ qua một bia đá 600 năm tuổi phát hiện trong rừng Gia Lai, nhiều người lên xem - Ảnh 3.

Bia cổ Champa thời điểm mới được phát hiện. Ảnh: LÊ KIẾN

Mừng là bia được phát hiện và bảo tồn đúng lúc nhưng nhiều năm nay di tích này vẫn chưa được bảo vệ, quảng bá đúng với giá trị thật của nó. Nhiều dấu hiệu cho thấy bia bắt đầu bị phong hóa, bào mòn”.

Theo ông Tuệ, vấn đề này, TS Bertrand Porte, chuyên gia bảo tồn đá cổ của EFEO, cho rằng: Bê tông bít kín nền nhà có thể là nguyên nhân gây hại bia Tư Lương. Cụ thể, “các muối hòa tan được tạo ra bởi xi măng khi gặp độ ẩm có thể đã ngấm vào đá”.

Nền văn minh Champa cổ hé lộ qua một bia đá 600 năm tuổi phát hiện trong rừng Gia Lai, nhiều người lên xem - Ảnh 5.

Cận cảnh chữ cổ Champa trên bia đá cổ Tư Lương. Ảnh: LÊ KIẾN

Cảnh báo này đã được đưa ra từ nhiều năm trước, đáng tiếc là đến nay tình hình bảo tồn bia Tư Lương vẫn chưa có gì thay đổi. Hiện tại bia đã mòn, chữ mờ rất nhiều so với hơn 10 năm trước, lúc còn ở trong bụi cây rậm rạp.

Cần phải xây dựng lại khu di tích quy mô hơn

Để bảo tồn và quảng bá tốt hơn, cần phải xây dựng lại khu di tích ở mức quy mô hơn, theo hướng cổ kính thay vì nhà mái tôn đơn sơ. Bia đá cũng cần có chỗ thở, có khoảng cách xây bê tông cách xa ra, giữ khoảng cách với người tham quan. Ở nước ngoài, có những điểm du lịch rất nhỏ nhưng người ta xây dựng những tour du lịch rất hấp dẫn, độc đáo. Bia đá này còn có ý nghĩa hơn vì đây là độc bản, có nhiều giá trị nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên trước đây.

ThS NGUYỄN QUANG TUỆ, Trưởng phòng
Quản lý văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai

Lê Kiến (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem