Dân Việt

Các tác nhân chuỗi rau, thịt ở Hà Nội ký kết hợp tác cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm

Khương Lực 26/07/2023 11:28 GMT+7
Sáng 26/7, các tác nhân chuỗi giá trị rau, thịt ở Hà Nội đã ký kết hợp tác để cam kết và duy trì các kết quả hỗ trợ của Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển".

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển", Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức buổi lễ ký kết triển khai hỗ trợ của Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển" đối với các tác nhân chuỗi rau, thịt ở Hà Nội.

Các tác nhân chuỗi rau, thịt ở Hà Nội ký kết hợp tác về an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Các tác nhân trong chuỗi rau, thịt ở Hà Nội tham gia ký kết hợp tác để cam kết và duy trì các kết quả hỗ trợ của Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển". Ảnh: Khương Lực

Các tác nhân chuỗi rau, thịt ở Hà Nội được lựa chọn triển khai trong giai đoạn đầu, đó là Hợp tác xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; chuỗi thịt từ hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai; Chợ Văn Đức, huyện Gia Lâm; Chợ Kim Quan, Thượng Thanh, quận Long Biên. 

Ngoài hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm soát và cải thiện an toàn thực phẩm, các hợp tác xã điều hành sản xuất sẽ được Dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống số hoá quản lý kế hoạch sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng bộ quy chế và thành lập nhóm giám sát cộng đồng với thành phần là các nông dân giỏi, nhằm giám sát, quản lý, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất, sơ chế an toàn, đúng với các quy định của các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế.

Điểm khác biệt trong hoạt động triển khai của Dự án đó là có sự tham gia của toàn bộ hệ sinh thái cộng đồng bao gồm các trường mầm non, Trường Tiểu học, Trường Trung học; Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Tổ dân phố, Ban quản lý chợ … nơi dự án được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Đức, huyện Gia Lâm  - đơn vị tham gia Dự án chia sẻ, tham gia dự án rất có ý nghĩa với hợp tác xã và các xã viên. 

"Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ vừa cải tạo được đất vừa đảm bảo môi trường và sức khỏe của người sản xuất cũng được cải thiện. Các sản phẩm làm ra cũng đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm mang tính ổn định, bền vững hướng đến xuất khẩu" - ông Minh nói.

Hà Nội là 2 thành phố lớn được Chính phủ Canada tài trợ thông qua Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển". Các tác nhân chuỗi giá trị được lựa chọn tại Hà Nội gồm: cơ sở sản xuất ban đầu; sơ chế, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; các cơ quan, tổ chức trong hệ sinh thái cộng đồng liên quan đến chuỗi giá trị được lựa chọn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT thành phố Hà Nội thông tin, đến nay đã xây dựng và phát triển 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy sản. Trong đó, có 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thành phố cũng đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 900 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại lễ kỹ kết, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án cho rằng, việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào thực hiện nhiệm vụ an toàn thực phẩm là một cách tiếp cận vấn đề an toàn thực phẩm rất tốt, tránh được hiện tượng trên "nóng", dưới không "nóng".

Các tác nhân chuỗi rau, thịt ở Hà Nội ký kết hợp tác về an toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phát biểu tại lễ ký kết triển khai hỗ trợ của Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển" đối với các tác nhân chuỗi giá trị rau, thịt ở Hà Nội.Ảnh: Khương Lực

Theo ông Tiệp, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là để hướng tới thực hiện mục tiêu kép, đó là đảm bảo sức khỏe người dân và phát triển bền vừng. "Ngày càng có nhiều quy định của quốc tế và Việt Nam, chúng ta phải đảm bảo từ gốc như: giống canh tác... đến ngọn- các cháu ở trường mẫu giáo. Nhiều người quan tâm sử dụng giống biến đổi gen có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không..." - ông Tiệp chia sẻ.

Ông Tiệp mong muốn với sự hỗ trợ từ Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển", các bà nội trợ không chỉ tiếp cận được các mặt hàng rau, thịt an toàn mà còn biết các bảo quản, chế biến đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình. Cùng với đó, các tác nhân sẽ xây dựng hệ thống để tự kiểm và vận hàng chuỗi giá trị rau, thịt có hiệu quả, qua đó giáo dục, truyền thông để xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

"Việc ký kết hợp tác hôm nay chỉ là khởi đầu, phải làm nhanh. Chúng ta hỗ trợ xong phải tổng kết, lan tỏa, là mô hình điểm để các chuỗi khác đến học tập, làm theo" - ông Tiệp nhấn mạnh và mong muốn từ 2 chuỗi giá trị rau, thịt ở Hà Nội, mô hình này sẽ lan tỏa rộng, không chỉ ở Hà Nội mà các địa phương khác trên cả nước.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG