Dân Việt

Loại lá non này nhiều nơi chả ai để ý, người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận lại biến thành món "mâm cao cỗ đầy"

Chế Diễm Trâm 26/07/2023 13:22 GMT+7
Người Chăm (ở Ninh Thuận, Bình Thuận...) cho rằng, cây cối là nơi linh hồn, ma quỷ trú ngụ, vì thế mà người ta ít trồng cây tán rộng, lá to. Riêng cây me được trồng hoặc giữ lại nhiều vì me tuy tán to nhưng lá me nhỏ nên ma quỷ không trú ngụ được.
Sau cơn mưa dông, những gốc me bắt đầu ra tược mới, báo hiệu mùa lá me non bắt đầu với biết bao món ngon, làm nên sự độc đáo của ẩm thực Chăm. 

Pandurangga (gồm Phan Rang và Phan Thiết bây giờ) là xứ nắng hạn, cây me chịu được hạn nên cây me được trồng hoặc mọc tự nhiên nhiều. Hầu như nhà nào cũng có cây me, nhất là trên tháp Chăm.

Loại lá non này nhiều nơi chả ai để ý, người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận lại biến thành món "mâm cao cỗ đầy" - Ảnh 2.

Cây me trên tháp Po Klong Garai (tỉnh Ninh Thuận) - Ảnh: CHẾ DIỄM TRÂM


Người Chăm cho rằng, cây cối là nơi linh hồn, ma quỷ trú ngụ, vì thế mà người ta ít trồng cây tán rộng, lá to. Riêng cây me được trồng hoặc giữ lại nhiều vì me tuy tán to nhưng lá me nhỏ nên ma quỷ không trú ngụ được.

Xứ nắng nóng, trong khi lá me non có vị chua nhẹ, có thể thanh nhiệt cơ thể nên người Chăm dùng lá me non vào rất nhiều món ăn.

Có thể kể đầu tiên là những món canh. Canh chua dùng lá me non để tạo vị chua có lẽ là điều độc đáo hàng đầu. Người Chăm cũng nấu canh chua lá giang, tuy nhiên lá me vẫn là lựa chọn hàng đầu. Canh chua nấu cá rô đồng, cá tràu, con dông,… bao giờ trước khi nhắc nồi ra khỏi bếp cũng bằm lá me non thả vào.

Món canh đặc trưng Chăm nhất có lẽ là canh rau rừng thập cẩm, có thể gọi là canh rau tập tàng hoặc canh bồi.

Loại lá non này nhiều nơi chả ai để ý, người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận lại biến thành món "mâm cao cỗ đầy" - Ảnh 4.

Lá me non làm nên sự độc đáo của ẩm thực Chăm - Ảnh: CHẾ DIỄM TRÂM

Ngoài rau, có thể thêm mướp, bầu, khổ qua,… nấu chung với cá. Canh bồi có bỏ thêm bột gạo cho sệt. Trước khi nhắc nồi ra khỏi bếp thì cho lá me và mắm nêm vào.

Canh bồi là loại canh dân dã, còn món canh thịt dê nấu thập cẩm chỉ có trong những dịp quan trọng như các lễ cúng hoặc lễ cưới của người Chăm Bà-ni, bởi vì những dịp như vậy, dân làng mới giết dê.

Canh thịt dê nấu với rau củ như đu đủ, cà dĩa, bí đỏ, bầu,… Trước khi nhắc nồi xuống, người Chăm cũng bỏ lá me và chế nước gạo rang giã nhuyễn vào để tạo độ sệt.

Bên cạnh lá me, người ta còn dùng trái me non vào trong những món kho. Các loại cá đồng như cá sặc, cá rô, cá lòng tong kho với nước mắm cùng với các gia vị như đường, ớt, tiêu, nghệ, hành tím,… phải có trái me sống kho cùng.

Loại lá non này nhiều nơi chả ai để ý, người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận lại biến thành món "mâm cao cỗ đầy" - Ảnh 6.

Thịt dê, nước lèo, rau trộn và mắm nêm tạo nên một trong những món ngon của người Chăm (vùng Ninh Thuận, Bình Thuận) - Ảnh: Internet

Trái me non cũng là gia vị không thể thiếu khi ăn món mắm. Người Chăm chế ra nhiều món mắm ngon như nước mắm, mắm nêm, mắm cá lòng tong, mắm lòng cá (còn gọi là mắm ruột), mắm kho quẹt, mắm chưng,..

Từ nước mắm, người Chăm giã thêm vài trái me non kèm với ớt, đường thành món mắm me, dùng để chấm hoặc chan cơm. Nếu mùa me non đã qua thì dùng trái me chín.

Ngoài món mắm me để chấm, người Chăm còn sáng tạo món trộn có lá me non. 

Món rau trộn dùng thân cây chuối non, bỏ những bẹ bên ngoài, chỉ lấy phần non bên trong, rửa sạch, xắt lát mỏng.

Thân chuối đã bào mỏng ngâm trong nước rồi rửa lại cho hết nhựa. 

Trộn thân chuối đã chế biến với ngọn lá dẹp, lá chùm ruột non, lá lốt, lá me non,… 

Món rau trộn chấm mắm nêm ăn ghém với nước lèo thịt dê là món ăn đặc trưng và chỉ có trong những dịp đặc biệt.

Loại lá non này nhiều nơi chả ai để ý, người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận lại biến thành món "mâm cao cỗ đầy" - Ảnh 8.

Món cơm trộn của người Chăm với nhiều thành phần, trong đó có lá me và trái me non. Ảnh: KIỀU MAILY

Nói về món trộn, người Chăm có món cơm trộn (Lithei jrau) rất ấn tượng. “Đó là hỗn hợp từ cơm trắng (cơm nguội càng ngon) với mắm nêm giã trái me non, ớt, hành cùng với lá rau rừng (như lá dẹp, ngọn xoài non, lá dông, lá chùm ruột, lá me, chồi cây vừng,…) 

Tất cả đem trộn đều cho thấm với mắm. Ăn kèm với cà giòn, cà dĩa, cá rô nướng… thì ngon hết chỗ chê.” (Theo Độc đáo ẩm thực Chăm, NXB Văn hoá – Văn nghệ TP HCM).

Vùng đất Khánh Hoà tuy không nắng nóng như Ninh Thuận nhưng ẩm thực cũng có nét tương đồng, nhất là món canh chua lá me non. Cuối xuân đầu hè là vô mùa cá nục tươi. Món ngon mẹ nấu gây thương gây nhớ có sự góp mặt của món canh chua lá me. Mùa lá me thì không cần đến me trái. Cứ vò lá me thả vô nồi canh trước khi tắt bếp là nồi canh vừa thơm vừa chua dịu nhẹ.

Món canh chua nấu lá me non giải nhiệt nhanh ngày hè

Cá nục hay cá liệt tươi đều có thể nấu với lá me non. Có lẽ, đó là món canh đơn giản nhất nhưng có tác dụng giải nhiệt rất nhanh. Món canh lá me thường đi đôi với nước mắm nhỉ dằm ớt xiêm xanh.

Cơm trắng, nóng hay nguội ăn với món canh chua này đều ngon, nhưng có lẽ cơm nóng ngon hơn bởi hơi nóng của cơm trắng quyện với hơi nóng nồi canh bốc khói nhập sâu vào khứu giác, tỉnh hẳn người. Người xa nhà, xa quê, mỗi khi nhớ về canh chua lá me non nấu với cá nục, cá liệt tươi có thể thèm đến không ngủ được.

Có anh bạn trẻ người Chăm kể rằng, khi ra nước ngoài để học tiến sĩ, có một gói lá me phơi khô trong hành trang của anh để dành ăn dần mỗi khi nhớ tới những món ăn thân thuộc nơi quê nhà.