Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho biết: "Các cơ sở chế biến điều của tỉnh chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Nguồn cung hạt điều thô của tỉnh đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh. Khoảng 70% còn lại phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu".
Đây cũng là lý do mà tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tuấn Thịnh ở TX.Phước Long (Bình Phước), để điều tra về hành vi buôn lậu hạt điều.
Cụ thể, từ năm 2017-2021, Tuấn nhập khẩu hơn 3.610 tấn hạt điều thô theo loại hình tạm nhập, tái xuất. Song sau khi nhập về, Tuấn chỉ tái xuất khoảng 246 tấn hạt điều thô (tương đương 46 tấn hạt điều nhân).
Số còn lại hơn 3.300 tấn hạt điều thô trị giá hơn 154 tỷ đồng, Tuấn sản xuất ra điều nhân, nhưng không xuất khẩu theo quy định, mà tự ý bán trong nội địa để thu lợi bất chính.
Hành vi của đối tượng phải trả giá trước pháp luật, nhưng cũng đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo việc lợi dụng chính sách của nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều từ các quốc gia khác với chất lượng thua kém, giá rẻ đưa về chế biến, đóng gói thành thương hiệu "điều Bình Phước" để tiêu thụ. Hậu quả là thương hiệu ngành điều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nông dân trồng điều không thể cạnh tranh với giá điều thô nhập khẩu.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp điều Bình Phước, có thực tế là một số doanh nghiệp rất ít mua điều Bình Phước. Lý do là hạt điều thu hoạch không vặt sạch cùi, cuống, và lẫn tạp chất. Vì thế khi phơi, tỷ lệ hao hụt rất cao từ (20-25%).
Máy chẻ hạt điều nhận diện nhầm lẫn giữa hạt điều to và hạt điều có dính cùi cuống vì kích thước giống nhau. Máy cắt bị sai dao, dẫn đến tỷ lệ vỡ nhiều, khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Từ thực tế đó, các doanh nghiệp có xu hướng chọn mua điều Campuchia và điều châu Phi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hạt điều Bình Phước có giá bán thấp hoặc khó bán.
Ông Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, cho biết một số nông dân thu hoạch hạt điều rất sạch, không có tạp chất. Thế nhưng khi hạt điều về đến nhà máy thì tạp chất rất nhiều.
Nguyên nhân do các doanh nghiệp chế biến hầu hết đều thu mua hạt điều qua các đại lý. Các đại lý chủ yếu thu mua điều nhỏ lẽ, chưa có sự quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng.
"Và khi mua phải nguồn nguyên liệu hạt điều có nhiều tạp chất trong hạt điều sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, chế biến của các nhà máy", ông Đạt kể.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), niên vụ điều vừa qua nhìn chung thuận lợi, không có nhiều diễn biến xấu do thời tiết, sâu bệnh. Tuy vậy, khi bước vào giai đoạn cuối vụ, đã có một số cảnh báo về chất lượng nguyên liệu như độ ẩm tăng, phụ phẩm cao, tỷ lệ nhân thu hồi giảm nhanh. Việc này có thể do trờ mưa, kỹ thuật phơi, bảo quản sau thu hoạch tại vùng nguyên liệu chưa phù hợp.
Ngoài ra, do nhu cầu mua giảm, các nhà kinh doanh điều thô đã phải lưu trữ hàng trong kho với thời gian dài hơn bình thường. Việc này dẫn đến chất lượng nguyên liệu khi tới tay người mua ở giai đoạn cuối năm 2023 sẽ là dấu hỏi.
Với hạt điều nhân, mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Hạt & Quả khô Vương quốc Anh, đã gửi thư cho Vinacas. Bức thư thông báo và "bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng đáng báo động về tỷ lệ nhiễm côn trùng sống trong hạt điều Việt Nam đến châu Âu".
Vinacas đã đề nghị các cơ quan giám định kiểm tra, xác định nguyên nhân để khuyến các các doanh nghiệp.
Kết quả phân tích cho thấy, ngoài nguyên nhân do mùa mưa, độ ẩm cao tạo điều kiện cho sâu mọt sinh sôi, phát triển nhanh, thì quy trình khử trùng chưa phù hợp là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.
Nhiều cơ sở tự thực hiện khử trùng tại nhà máy, không qua các công ty khử trùng chuyên nghiệp, khiến côn trùng sống theo các lô hàng nhập cảng đến.
Ngoài ra, có khi do doanh nghiệp cần giao hàng gấp, thực hiện đóng gói vào ban đêm. Đây là thời điểm thích hợp để côn trùng bay vào gây nên hiện tượng nhiễm chéo.