Các nước tranh nhau mua điều nhân, vì sao giá điều thô trong nước vẫn giảm sâu?
Trần Khánh
Thứ tư, ngày 19/05/2021 16:14 PM (GMT+7)
Dù đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thị trường điều nhân vẫn được dự báo tăng trưởng. Trong khi, giá điều thô trong nước ngày càng giảm sâu, vì sao?
Từ cuối tháng 4, mùa thu hoạch điều ở các vùng trọng điểm bước vào giai đoạn kết thúc. Càng về cuối vụ, lượng hạt điều thu hoạch lẫn giá điều thô đều ở mức thấp.
Không chỉ vậy, mưa nhiều đúng vào vụ thu hoạch, khiến người dân không thể phơi điều, làm chất lượng hạt điều bị ảnh hưởng. Một số nhà máy lớn đã giảm lượng mua vào do không phơi được hàng và chất lượng thấp.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá điều thô trong nước sụt giảm.
Ghi nhận tại "thủ phủ" điều Bình Phước, giá điều thô, giá hạt điều tươi lẫn hạt điều khô, đều đi xuống.
Cuối tháng 4, giá hạt điều tươi tại Bình Phước được thu mua với giá bình quân 20.000 đồng/kg. Giá điều khô là 23.000 đồng/kg. Những ngày đầu tháng 5, giá điều tươi giảm chỉ còn 18.000-19.000 đồng/kg. Giá điều khô còn 20.000 đồng/kg.
Đến giữa tháng 5, giá điều tươi chỉ còn 17.000 đồng/kg; giá điều khô là 19.000 đồng/kg.
Như vậy, so với cuối tháng 4, điều tươi giảm 3 giá; điều khô giảm 4 giá.
Ở chiều ngược lại, giá điều thô nhập khẩu lại tăng cao. Như giá điều thô Tây Phi tăng do lượng chào hàng ít.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), số lượng lớn điều thô Tây Phi được nắm giữ bởi một vài công ty lớn. Nhiều lô hàng giao tháng 3, tháng 4 chưa có thông báo giao hàng, do thiếu tàu vận chuyển.
Việc vận chuyển khó khăn khiến nhiều nhà máy chế biến điều trong nước lo lắng cho các hợp đồng mua điều thô trước đó.
"Một số nhà máy đã phải chấp nhận tăng giá cho những người bán nhỏ để lấy được hàng" - đại diện Vinacas cho biết.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, khó khăn trong hoạt động logistic như: thiếu container, giá vận chuyển tăng đã tác động đến giá hạt điều.
Đầu tháng 5/2021, nguồn dự trữ hạt điều thô từ các nhà sản xuất tại Bờ Biển Ngà giảm. Sản lượng và chất lượng hạt điều vụ thu hoạch thứ hai tại Bờ Biển Ngà cũng ở mức thấp.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Ấn Độ và Nhật Bản, nên xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang 2 thị trường trên gặp nhiều khó khăn. Hạt điều của Campuchia chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam bằng đường bộ, nên không bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container rỗng.
Tuy nhiên, hạt điều của Campuchia cũng gặp vấn đề tương tự như điều Việt Nam khi cuối vụ, sản lượng giảm dần, chất lượng cũng giảm do mưa nhiều và sâu bệnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,2 triệu tấn điều thô, với trị giá 1,9 tỷ USD.
Lượng hạt điều nhập khẩu này đã tăng 300% về lượng và tăng hơn 323% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường điều nhân khả quan giữa Covid-19
Theo Vinacas, cuối tháng 4, thị trường điều nhân có xu hướng tăng giá và có nhiều khách hàng hỏi mua.
Điều này bắt nguồn từ phía khách hàng quốc tế đã nhìn nhận việc các nhà máy chế biến điều trong nước không thể mua điều thô giá rẻ. Khách hàng quốc tế phải tăng giá nhân để mua được hàng.
Cuối tháng 4, khách hàng chấp nhận mua điều nhân mã WW320 ở mức 3,00 – 3,10 USD/lb cho các nhà máy vừa, nhỏ đến nhà máy lớn.
Ghi nhận thị trường điều nhân những ngày đầu tháng 5, Cục xuất nhập khẩu cũng cho biết, giá điều nhân tăng do nhu cầu cao trong khi nguồn cung thấp.
Xuất khẩu hạt điều thời gian tới được dự báo sẽ tương đối khả quan do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng. Dự báo này căn cứ trên nhu cầu thực tế tại các thị trường lớn trên thế giới.
Năm 2020, Mỹ nhập khẩu hạt điều năm 2020 tăng 8%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tương tự, nhu cầu tiêu thụ hạt điều ở thị trường châu Âu năm 2020 tăng 17% (từ 140.000 tấn năm 2019 lên 160.000 tấn năm 2020).
Cả thị trường Mỹ và châu Âu đều được dự đoán vẫn tăng mạnh trong năm 2021 này.
Thêm một thông tin vui khác là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam.
Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến Thổ Nhĩ Kỳ liên tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Người dân buộc phải ở nhà, khiến nhu cầu đối với các sản phẩm hạt như hạt điều tăng mạnh.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 1.720 tấn hạt điều từ Việt Nam. Con số này tăng 157% về lượng và tăng 122% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế, năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu của Việt Nam 762 tấn thì đến năm 2020 đã tăng lên 8.500 tấn.
Xét về thị phần, năm 2016, hạt điều của Việt Nam chiếm 87% trong tổng lượng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng trong 2 tháng đầu năm; thị phần của hạt điều Việt Nam tăng lên 93%.
Qua số liệu phân tích cho thấy, ngành hạt điều Việt Nam đã chiếm ưu thế tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Cục xuất nhập khẩu đánh giá, việc doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt thị trường Thổ Nhĩ Kỳ là hướng đi đúng trong bối cảnh cạnh tranh tại các thị trường lớn ở châu Âu đang ngày càng gay gắt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.