Một bữa, con trai tôi ra vườn rồi cầm một nắm rau đắng đất hỏi ba:
- Ba ơi! đây là cây gì vậy ba, con thấy lạ?
Tôi trả lời:
- Rau đắng đất đó con!
Mặt nó chun lại, lại tưởng tượng như vừa nếm xong. Tôi cười khà:
- Để bửa nào mẹ nấu canh cho ăn nghe
Thằng nhỏ phụng phịu:
- Đắng nghét hà ba, con hông ăn!
Chắc thằng nhỏ nghe cái tên? Mà rau đắng thì đắng thật nhưng đã trót ăn canh rau đắng nhà quê thì lại nhớ da diết. Canh rau đắng. Ba tôi cũng mê món này vô cùng.
Rau đắng đất là loài thân thảo mọc bò sát đất, cành mảnh, lá thuôn có hình mũi mác đặc biệt chỉ mọc vào tháng hạn sau một mùa đất đai bị nung khô nứt nẻ, phân biệt với rau đắng biển thân lá cành tròn mọng nước giống với rau sam chịu đất thấp nhão nước xâm xấp tươi tốt quanh năm (xứ tôi kêu là rau đắng biển)
Ngay sau hè nhà tôi trước đây có một cái cái đìa cạn mùa hạn năm nào cũng khô queo khô quánh. Rau đắng đất mọc ở dưới đáy đìa mỗi khi con gió chướng tháng 11 xôn xao ngỏ.
Rau đắng đất lại trở mình non nhớt, mướt xanh. Cái cây này ngộ lắm, tự nhiên sinh sôi giữa cái khô nẻ của ruộng đồng.
Nhưng hễ ai muốn bứng trồng thì sẽ tự nhiên khô héo. Phải chăng cây đắng đất kia cũng mang trong mình cái khí khái tự do tự tại của người đồng bằng chân chất. Khi thân đã tàn, đắng đất sẽ chắt chiu hạt gửi lại mùa sau.
Rau đắng đất miền Tây-loại rau xưa nhà em hay ăn, nay trở thành thứ rau đặc sản. Ăn rau đắng tốt cho sức khỏe. Rau đăng có nhiều công dụng, trong đó có tác dụng lợi tiểu, giải độc gan; hỗ trợ chứng chán ăn, ăn uống kém...
Ba thích ăn canh rau đắng đất, mẹ tôi vì vậy mà cũng không ngại nhọc công đi nhổ rau rồi nhạt nhạnh kĩ lưỡng. Rau không tốn công chăm sóc nhưng công lựa kĩ từng cọng thì chứa chan tình thương yêu. Sau này có tuổi mẹ phải đeo kiếng nhưng vẫn muốn tự tay làm cho ba. Mẹ nói:
- Tụi mày lựa ẩu tả ba mầy ăn mất ngon.
Lựa xong mẹ rửa kỹ và để cho rau ráo nước. Rau đắng đem nấu canh đợi khi nào tắt lửa mẹ mới bỏ vô nồi nước có cá vừa chín ngọt đã nêm gia vị vừa ăn.
Vì khi chín rục rau dai mất ngon mà còn tăng thêm độ đắng. Mẹ làm lẹ lắm, rau vừa chín tới trong độ đắng còn vấn vương độ ngọt mát.
Ba vừa ý nhất là nồi canh của mẹ, bửa mẹ vắng nhà chị hai nấu ba cười ăn ít nhưng cũng không chê.
Ba mẹ thích ăn nhưng ngày còn nhỏ, chị em tôi thì không ai hảo.
Chị Hai nói rau đắng ngắt có gì ngon đâu mà ba ưa quá trời! Còn tôi thì vô phương, không đút đũa tới, chắc tôi còn ám ảnh từ chuyện uống thuốc bắc ngày trước nghe đến chữ "đắng" là tự dưng tôi rùng mình.
Sau này tôi và chị cũng tập ăn được rau đắng. Có bửa mẹ nấu cháo cá lóc mọi người bỏ từng nhúm rau đắng đất vào tô vào sau đó múc cháo đang nóng hổi.
Rau xèo là vừa ăn. Rau sẽ không bị dai hoặc đắng. Cách chế biến món cháo cá lóc rau đắng cũng không đến nỗi cầu kỳ. Nhìn sơ cứ tưởng đã thuộc làu làm được.
Tô canh rau đắng đất nấu tép đồng, món ngon dân dã mà tốt cho sức khỏe.
Có lần nhân lúc ba đi vắng, chị Hai năn nỉ mẹ cho trổ tài. Mẹ tỉ mẫn chỉ Hai: khi rửa cá thật sạch thì thái cá, hành tỏi phi thơm thì để cá vào xào sơ, nêm nếm. Nấu cháo, sau khi gạo nở đều thì bỏ phần cá đã xào vào cháo. Nêm nếm vừa ăn thì cho hành lá vào. Khi ăn sẽ bắt cháo lên cho sôi rồi cho cháo vào tô đã có sẵn rau đắng.
Cháo cá lóc ăn kèm rau đắng, món ngon ăn bổ dưỡng và dễ ghiền của không ít người miền Tây.
Khi ba về, mọi người bày biện cháo ra ăn, dù mọi người không nói gì nhưng ba tôi biết ngay không phải mẹ nấu. Phải chăng tình cảm vợ chồng nồng nàn luôn vương vít trên nồi cháo rau đắng nên ba chẳng thể nào không biết được?