Dân Việt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng vào những thế mạnh của Long An khi công bố kế hoạch xúc tiến đầu tư

Chinh Hoàng - Trần Đáng 28/07/2023 15:29 GMT+7
Long An là tỉnh đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt kế hoạch xúc tiến và đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là trung tâm kết nối giữa miền Đông và Tây Nam bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông Tây và hành lang kinh tế ven biển...”.

Sáu nhiệm vụ Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra cho tỉnh Long an để thực hiện quy hoạch

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Long An khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thời gian sắp tới.

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng những thế mạnh của tỉnh Long An khi công bố kế hoạch xúc tiền đầu tư - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch xúc tiến và đầu tư tỉnh Long An hôm 25/7. Ảnh: Chinh Hoàng

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hai nội dung quan trọng gồm: Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình "một trung tâm - hai hành lang - ba vùng KT-XH - sáu trục động lực"; chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng những thế mạnh của tỉnh Long An khi công bố kế hoạch xúc tiền đầu tư - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm các nguyên lãnh đạo Chính phủ và các lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Long An tại Hội nghị công bố quy hoạch xúc tiến và đầu tư tỉnh Long An hôm 25/7. Ảnh: Chinh Hoàng

Thứ hai là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng những thế mạnh của tỉnh Long An khi công bố kế hoạch xúc tiền đầu tư - Ảnh 3.

Bí thư tỉnh ủy Long An bắt tay với đại diện lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Long An. Ảnh: Chinh Hoàng

Thứ ba là đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong đó, tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia. Tập trung phát triển logistics, đóng vai trò trung chuyển cho vùng ĐBSCL.

Thứ tư là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, cắt bỏ các thủ tục rườm rà, không ban hành các văn bản, thủ tục làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.

Thứ năm là tỉnh cần chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và tập trung đầu tư cho giáo dục. Cùng đó là chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

Cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Trong đó chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, khai thác hiệu quả vai trò đầu mối giao thương, hợp tác với các địa phương của nước này.

"Nếu thực hiện tốt sáu nhiệm vụ này thì tôi tin chắc tỉnh Long An sẽ thực hiện được quy hoạch vừa được công bố", Thủ tướng khẳng định tại hội nghị công bố kế hoạch xúc tiến đầu tư diễn ra tại Long An.

Thu hút đầu tư FDI của Long An vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh trong 6 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê năm 2022, thu hút đầu tư FDI của tỉnh Long An đứng trong top 10 các tỉnh, thành và đứng đầu khu vực ĐBSCL. Sáu tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư FDI của Long An vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước và tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL. Hiện nay, có gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng những thế mạnh của tỉnh Long An khi công bố kế hoạch xúc tiền đầu tư - Ảnh 5.

Đại diện các doanh nghiệp tỉnh Long An nhận hoa cùng lời chúc mừng của Bí thư tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo quy hoạch, tỉnh Long An tổ chức không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm - hai hành lang - ba vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) - sáu trục động lực". Trong đó, một trung tâm là TP.Tân An, hai hành lang gồm đường Vành đai 3, 4 và hành lang phát triển phía Nam. Ba vùng KT-XH gồm vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, vùng đệm sinh thái.

Trong khi đó, sáu trục động lực gồm: Đường Vành đai 3, 4, quốc lộ 50B, đường song hành quốc lộ 61B, trục Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, quốc lộ N1 và trục động lực Đức Hòa.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam. Theo đó, Long An sẽ trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. Long An cũng là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Trong quy hoạch, tỉnh Long An sẽ hình thành các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Thủ tướng đề cập tới nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Long An. Trong đó nhấn mạnh đây là trung tâm kết nối giữa miền Đông và Tây Nam bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, Đông - Tây và hành lang kinh tế ven biển.

"Long An hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Đồng thời cũng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Long An, mà còn lan tỏa cho vùng ĐBSCL và cả nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo tỉnh Long An cần phát huy truyền thống, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển theo tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". Tỉnh cần hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém mà quy hoạch tỉnh đã nêu lên. Cạnh đó, phát huy lợi thế trung tâm kết nối, phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.