Cách đây 2 thập kỉ, mỗi khi nói đến bản Thái ở thung lũng Nà Phòn là nhắc tới sự nhọc nhằn, gian khó. Người Thái chịu thương, chịu khó, nhẫn nại bới đất lật cỏ, lần hồi kiếm cái ăn. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng cái đói cái nghèo còn hiện hữu trên từng nếp nhà. Sống ở nơi đẹp như miền cổ tích mà vẫn nghèo khiến ông Sêm rất trăn trở. Ông đã mạnh dạn đi đầu trong việc biến bản sắc và cảnh sắc nơi này thành khu nghỉ dưỡng. Cũng chỉ trong 1 thập kỉ trở lại đây, người Thái đã làm theo ông Sêm và có thể làm giàu trên chính quê hương mình.
Trái với cái tên rất mĩ miều của khu nghỉ dưỡng Maichau sky (bầu trời Mai Châu), ông chủ của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng là người đàn ông dân tộc Thái hiền lành và chân chất như chính đồng đất bản Thái vậy. Ông Sêm có dáng người dong dỏng cao, nét mặt hiền hòa, tác phong nhanh nhẹn. Ông đón tiếp chúng tôi như đón người con xa quê trở về. Cung cách tiếp khách của ông rất chuyên nghiệp, nhưng lại đậm chất hiếu khách của người Thái bản địa.
Giữa trưa, trời xứ Mường trong xanh và sâu thăm thẳm. Trái với cái nắng hầm hập ngoài thị trấn, quanh khu nghỉ dưỡng khí hậu mát lành, rợp bóng cây và rộn tiếng chim hót. Tiếng suối chảy róc rách, gió thổi từ thung lũng mang theo hương rừng tràn qua bản Thái. Bản nhạc rừng êm ái nơi sơn cước khiến ai đến nơi này như trút được một phần gánh nặng của cõi đời. Bên chiếc bàn tre được đóng mộc mạc, ông Sêm nhẹ nhàng mở lời: "Ai đến đây cũng bị bỏ bùa mê bởi khí hậu của thung lũng Mai Châu. Bốn bề núi cao trùng trùng, suối nguồn quanh năm tuôn chảy, những chân ruộng xanh mướt như níu chân du khách. Đây là lợi thế mà chúng tôi đang khai thác để kiếm tiền".
Quả như lời ông Sêm, không khí nơi đây vô cùng mát mẻ, hương rừng thoang thoảng đưa. Cạnh chân ruộng bậc thang đẹp mê hồn là những căn nhà nhỏ xinh xắn bình yên đến lạ. Từ lối đi đến bậc thang lên nhà được trồng xen cây cỏ xanh mướt. Dãy phòng cao cấp soi bóng xuống bể bơi xanh mướt. Mặc dù vào ngày giữa tuần, nhưng du khách vẫn đặt phòng rất đông. Các thành viên trong gia đình ông cùng nhau vận hành khu nghỉ dưỡng. Người nào việc nấy, ông Sêm chỉ chắp tay sau lưng đi kiểm tra xem việc phục vụ du khách còn gì sai sót.
Chưa kịp tan ấm trà, ông Sêm dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà nghỉ. Mỗi bungalow nằm trọn dưới tán cây cổ thụ. Ông sống ở xứ miệt rừng, nhưng từ xưa đã rất có ý thích trồng các loại cây quanh vườn. Giờ chúng tỏa bóng mát khiến ai đến nơi này cũng như bị bỏ bùa mê vậy. Ở khu nghỉ dưỡng còn có 1 bể bơi vô cực rộng 200m2 nhìn ra đồng lúa xanh mướt. Từ nơi ăn chốn nghỉ của khu nghỉ dưỡng được làm công phu và hoàn hảo tới từng chi tiết.
Những ngày cuối tuần, tổng thu các phòng lên đến vài chục triệu đồng. Ông Sêm bước đi khoan thai quanh khu nghỉ dưỡng tựa như một ông giáo làng về hưu, nhàn tản vui thú điền viên. Nói về con số thu nhập của khu nghỉ dưỡng vài tỷ mỗi năm, ông Sêm không lấy làm ngạc nhiên: "Ngày trước thời cha ông chúng tôi có nằm mơ cũng chưa bao giờ nghĩ có ngày mình cầm tiền tỷ. Chỉ khi làm du lịch, chúng tôi đã thu được số tiền đó. Nó là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả gia đình trong suốt nhiều năm liền".
Khu nghỉ dưỡng này là tâm huyết cả đời mà ông Sêm cùng gia đình gây dựng. Phong cách thiết kế của khu nghỉ dưỡng của ông Sêm được lấy cảm hứng từ những ngôi nhà sàn giản dị, mộc mạc mang đậm chất vùng quê yên bình tại vùng núi Tây Bắc. Với các nguyên liệu chủ yếu được khai thác từ thiên nhiên như gỗ, mái lá, …đã giúp khu nghỉ dưỡng này trở nên gần gũi, ấm áp nhưng vẫn toát lên được chất riêng sang trọng, tinh tế thông qua cách bày trí nội thất cũng như các dịch vụ tiện nghi.
Cả khu nghỉ dưỡng hoạt động trơn tru và rất chuyên nghiệp. Ngoài mấy căn nhà sàn truyền thống, ông xây những phòng riêng kết hợp được kiến trúc hiện đại và truyền thống. Đến nay cơ sở có tới 24 phòng và 1 nhà sàn nghỉ cộng đồng. Nhân viên phục vụ đều là con cái trong nhà và thuê thêm 5 lao động địa phương. Nói về làm du lịch cộng đồng, ông Sêm tỏ ra rất tâm huyết. Làm nghề phục vụ nên mình luôn phải xác định được phương châm làm vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi. Từ cách bài trí nhà cửa đến việc lo cơm ăn, nước uống đến việc chăm sóc khách hàng đều vô cùng tỉ mỉ và luôn giữ được thái độ chân thành, hiền hòa.
Những ngày đầu mở cơ sở lưu trú, ông Sêm cũng trải qua muôn vàn khó khăn. Ai cũng nghĩ việc mở cửa đón khách là dễ dàng, nhưng đi vào vận hành nó mới phát sinh nhiều chuyện. Khách đến từ nhiều vùng miền và quốc gia khác nhau. Mỗi người có nhu cầu khác nhau. Người phục vụ phải theo nhu cầu đó mà đón tiếp cho phù hợp. Các thành viên trong gia đình ông vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Từ lời ăn, tiếng nói với khách cũng phải lịch sự và chân thành.
"Khâu vệ sinh nhà cửa, phòng ốc phải tiến tới mức đạt như các khách sạn 3 đến 4 sao. Họ đến để tìm hiểu văn hóa địa phương, nhưng nhân viên cũng phải chuyên nghiệp như những người làm phục vụ ở khách sạn. Thời gian đầu, các thành viên trong gia đình còn xuề xòa trong việc tiếp khách, tôi đã phải chấn chỉnh rất nhiều. Mình làm trong lĩnh vực phục vụ, nếu không tiến lên chuyên nghiệp sẽ khó lòng tồn tại. Ngoài cái nếp văn hóa truyền thống mình giữ, nhưng việc đón khách phải chỉn chu", ông Sêm cho biết.
Bản Thái ngày nay đã sang trang, nhà nhà no ấm. Họ lại biết khai thác lợi thế về cảnh quan và văn hóa để làm du lịch. Nói chuyện nay để nhắc lại chuyện xưa khiến ông Sêm trào nước mắt. Cuộc sống của người Thái trước những năm 1990 khổ cực trăm đường. Thiếu ăn, thiếu mặc gần như quanh năm. Đất đai nơi đây rộng ngút ngàn, nhưng toàn đất dốc. Cây sắn, cây ngô trồng xuống cho thu chẳng được bao. "Sắn ở nơi khác trồng 1 năm một vụ, sắn trồng trên đất rừng Nà Phòn phải mất 2 đến 3 năm. Hầu hết các gia đình nơi đây đều rơi vào cảnh đói giáp hạt", ông Sêm nhớ lại.
Đời sống khó khăn, gia đình ông Sêm lại đông anh em, nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều dè xẻn. Ông tham gia làm kế toán của xã, nhưng lương ba cọc, ba đồng, mỗi tháng chỉ đủ đong vài cân gạo cho vợ. Năm tháng khó khăn cứ lần hồi trôi qua, cái đói, cái nghèo, ai cũng khổ, nhưng lại chưa có hướng nào mở ra cơ hội cho bà con thoát nghèo. Đúng dịp đó ở Nà Phòn rộ lên phong trào khai thác vàng. Thanh niên, trai tráng bỏ học, bỏ làm đổ xô vào rừng tìm vận may. Bản thân ông Sêm cũng tham gia vào công cuộc vào rừng xanh núi đỏ kiếm cơ hội đổi đời. Suốt mấy năm bãi vàng hoạt động, tệ nạn cũng theo đó kéo về. Cờ bạc, mại dâm, hút xách đủ cả khiến bản làng trở lên tiêu điều.
Giấc mơ đổi đời của ông Sêm cũng như bao người dân khác bỗng tan thành mây khói. Vàng đâu không thấy, bà con toàn gặp tai ương. Tệ nạn tràn lan khi các bưởng vàng rút đi. Cuộc sống vốn khốn khó nay một khó hơn. "Thanh niên quen việc kiếm thu nhập ở bãi vàng, trở về bản chẳng chịu làm gì. Nhà trên nhà dưới ngao ngán. Ôi chao, bản Thái khi đó sao mà khổ cực đến vậy", ông Sêm vẫn còn chưa hết chua xót khi nhắc lại những ngày sóng gió.
Bao năm bà con sống khổ cực, đời nọ nối đời kia bới đất lật cỏ thế mà đói nghèo cứ bám riết lấy gia đình. Ông Sêm cũng nghĩ đủ mọi cách từ chăn nuôi, thay đổi giống cây với hy vọng cuộc sống bớt nghèo, bớt khổ mà khó quá. Mãi đến đầu năm 2013, có một ông chủ ở dưới xuôi lên xã đề đạt thuê lại quả đồi của gia đình ông Sêm để làm du lịch. Khái niệm đó hoàn toàn xa lạ với bà con Nà Phòn. Cái đất trồng tre mà chẳng mọc, không biết họ thuê làm gì. Vốn là người am hiểu văn hóa bản địa, nên ông Sêm được chủ đầu tư mời tham gia vào ban quản lý dự án xây dựng khu Mai Châu Ecolodge. Ông lo các việc hậu cần, liên hệ chính quyền. Ngoài ra con cái ông cũng tham gia làm bếp, quản lý thợ làm.
"Tôi không ngờ đây là cơ hội để gia đình tôi đổi đời. Làm việc tôi được nhận lương, lại học được rất nhiều thứ từ khu nghỉ dưỡng này. Từ cách xây dựng khu nghỉ, đến việc tiếp đón các đoàn khách ta, khách tây", ông Sêm vẫn thầm cảm ơn ông trời đã mang đến cơ hội đổi đời đến với Nà Phòn.
Sau vài năm làm việc cho khu nghỉ dưỡng, ông Sêm mới thầm nghĩ, nhà mình cũng có đất. Tại sao mình không tự xây dựng khu nghỉ dưỡng tại gia đình đón khách. Sẵn có lưng vốn, ông đã mạnh dạn sửa sang lại ngôi nhà sàn và xây thêm các bungalow cho khách nghỉ. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, dần dần ông cũng hoàn thiện được khu nghỉ dưỡng nhỏ nhắn, xinh xắn trên chính thửa đất mà cha ông đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt để kiếm ăn. Từ các đoàn khách lẻ tẻ ban đầu, dần dần Maichau sky trở thành địa điểm nghỉ quen thuộc của du khách. "Cuối tuần thường kín phòng, ngày thường lác đác. Nhưng được cái bù lại, cả gia đình hơn chục con người có thể sống được nhờ nghề làm du lịch", ông Sêm chia sẻ.
Đêm bản Thái trăng thanh gió mát, gia đình ông Sêm tổ chức văn nghệ phục vụ du khách. Tiếng trống thúc giục rộn rã, tiếng đàn tính ngân vang, các cô gái Thái trong đội văn nghệ mặc áo cóm, váy nhung… chuẩn bị sạp nhảy. Cả bản Thái vui hội, khách và chủ cùng nhau nắm tay, nhún nhảy trong điệu xòe, điệu sạp khiến ai cũng vui quên lối về. Ông Sêm người "thuyền trưởng" đã dám đi tắt đón đầu, biết khai thác nền văn hóa bản địa để làm giàu và giờ ông giúp nhiều gia đình khác thoát nghèo làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).