Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Địa lý tại một trường THCS ở quận Đống Đa, Hà Nội, là 1 trong hơn 300 giáo viên tại Hà Nội mới đây đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT khi ban hành quy định mới khiến giáo viên mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.
Cô Hằng chia sẻ, năm 1995, cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và đi dạy luôn sau khi ra trường. Tháng 3/2019 cô tiếp tục nhận bằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Địa lý.
Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Hằng hiện nay là giáo viên cốt cán của quận Đống Đa với loạt thành tích như giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp thành phố môn Địa lý; đạt Chiến sĩ thi đua, được nâng lương trước thời hạn 1 năm. Hơn 10 năm trước cô Hằng đã được Phòng GDĐT chỉ định đi chấm giáo viên giỏi, thanh tra giáo viên cấp quận. Hàng năm cô vẫn được Phòng GDĐT lựa chọn chấm thi học sinh giỏi cấp quận…
Tuy nhiên, dù có nhiều cống hiến nhưng từ khi ra trường đến nay cô vẫn giữ bậc lương giáo viên THCS hạng III với khoảng 8,5 triệu đồng/tháng và chưa được thăng hạng lần nào. Trước đó, Bộ GDĐT có 1 đợt thăng hạng cho giáo viên với yêu cầu 1 năm có bằng đại học. Cô Hằng có bằng nhưng thiếu 3 ngày nên không được. Mới đây Bộ GDĐT tiếp tục có đợt thăng hạng thì lại tăng quy định từ 1 năm lên 9 năm. Điều này có nghĩa cô Hằng lại không đạt yêu cầu và phải chờ nhiều năm nữa trong khi ít năm nữa cô về hưu.
Nói về lý do vì sao chưa đi học đại học ngay, cô Hằng cho biết: "Sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng năm 1995, tôi đi làm với mức lương 120.000 đồng/tháng, không đủ kinh tế để đi học. Phải đến năm 2016, khi con lớn và được nhà trường tạo điều kiện về thời gian, tôi mới đăng ký học tiếp lên đại học, dù lúc đó Luật Giáo dục chưa có yêu cầu giáo viên THCS phải có bằng đại học.
Ngoài ra, những năm trước, lớp Địa lý của tôi không thể tập hợp được vì ai cũng khó khăn, không muốn học. Chúng tôi ngoài khoản lương chật vật sinh sống, không có thu nhập thêm nào khác. Và dù có bằng đại học, thạc sĩ nhưng vì tiêu chuẩn chỉ cần giáo viên cao đẳng nên chúng tôi có học cao hơn cũng chỉ nhận lương cao đẳng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều giáo viên môn khác như Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân..".
Được biết, hiện nay trong nhóm đã có gần 1.000 giáo viên Hà Nội và một số địa phương trong cả nước làm đơn kiến nghị về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp này.
Đại diện nhóm cho biết: "Ngày 14/4, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, là một trong những văn bản tạo pháp lý để các địa phương trong cả nước tổ chức, thực hiện xét hoặc thi thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức đang làm công tác giảng dạy ở các cấp học mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này đã điều chỉnh những bất cập của thông tư cũ, tuy nhiên, muốn được đăng ký để xét thăng hạng II, giáo viên Tiểu học và THCS ngoài các yêu cầu khác thì cần đạt 2 điều kiện: Chức danh nghề nghiệp hạng III 9 năm và cần tốt nghiệp đại học 9 năm.
Điều kiện thứ 2 đã đẩy nhiều giáo viên đang đủ điều kiện được tham gia xét thăng hạng II (theo Thông tư cũ là 1 năm) trở nên không được và cần chờ nhiều năm nữa.
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định giáo viên THCS cần có trình độ đại học. Trước Luật này, giáo viên cấp THCS chỉ cần trình độ cao đẳng; giáo viên cấp Tiểu học chỉ cần trình độ đào tạo trung cấp. Nếu 1 giáo viên để nghiêm túc thực hiện đạt chuẩn đi học đại học vào năm 2019 thì ít nhất 3 năm sau mới có bằng, nghĩa là đến năm 2021 mới có bằng đại học. Nghị Định 71/2020/NĐ-CP cũng có quy định tạo lộ trình đến năm 2030 toàn bộ giáo viên dạy THCS cần đạt trình độ đại học (đạt chuẩn). Điều này cũng xảy ra đối với giáo viên dạy cấp Tiểu học. Nhiều giáo viên có cảm giác như bị gạt ra ngoài, buồn và không biết trách ai.
Trước Luật Giáo dục 2019 ra đời, nhiều môn học có rất ít các lớp đào tạo đại học do không đủ người đăng ký; nhiều giáo viên ở xa, điều kiện đi lại khó khăn; lương, kinh tế không cho phép nên chưa thể nâng cao trình độ đào tạo đại học. Bù lại họ phải tự học, tự trau dồi kiến thức chuyên môn.
Đến thời điểm Luật giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều giáo viên cũng đã nỗ lực hoàn thành xong chương trình đào tạo cử nhân theo chuẩn quy định của Luật. Nhiều địa phương không đủ kinh phí hỗ trợ để giáo viên đi học đạt chuẩn, giáo viên vẫn vì lòng tự trọng tự bỏ tiền, sắp xếp thời gian, vượt qua khó khăn để đi học.
Do vậy, chúng tôi rất tha thiết mong cầu và kính đề nghị các cơ quan xem xét, điều chỉnh bỏ quy định về "thời gian giữ trình độ đào tạo đại học 9 năm".
Trước vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho biết, đã trình Vụ Pháp chế của Bộ GDĐT nghiên cứu, cho ý kiến cuối cùng về việc này để trình lãnh đạo Bộ GDĐT ký ban hành. Văn bản được trao đổi thêm để hoàn thiện trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất của giáo viên.
TS Vũ Minh Đức cho biết: "Khi ban hành văn bản bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật khác nên nhiều điều Bộ GDĐT mong muốn nhưng chưa thực hiện được, không lường trước các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có tình huống phát sinh, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh".