Hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: "Không phải vào đại học mới là thành công"

Tào Nga Thứ ba, ngày 01/08/2023 11:39 AM (GMT+7)
Nhiều thí sinh cho biết quyết định không đăng ký xét tuyển đại học mà chọn cho mình con đường đi khác. "Với em không phải vào đại học mới là thành công", một thí sinh cho hay.
Bình luận 0

Hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm 2023

Theo thống kê của Bộ GDĐT, kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học đợt 1, có khoảng hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Với hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, con số này chiếm gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi.

Là 1 trong 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học, em Nguyễn Phương Trà, học sinh lớp 12 ở huyện Ba Vì, Hà Nội cho hay: "Gia đình em khó khăn, bố mẹ sẽ rất vất vả nuôi em học đại học trong khi học phí các trường có xu hướng tăng lên. Ngay từ năm lớp 12, em đã xác định sẽ học cao đẳng nghề để rút ngắn thời gian học và em có thể đi làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí. Nhiều bạn bè, người thân hỏi em đăng ký trường gì, em cũng chạnh lòng lắm nhưng biết sao được. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau và với em không phải vào đại học mới là thành công".

Hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: Tìm lối đi riêng để thành công - Ảnh 1.

Nhiều học sinh không xét tuyển đại học mà đăng ký đi du học nghề. Ảnh: NVCC

Tương tự, em Lê Vinh Tài Dương, ở Hà Tĩnh, có học lực tốt, điểm thi tốt nghiệp cao và từng có ý định xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, Dương quyết định đi du học nghề ở Đức. Hiện tại, Dương đang cân nhắc 2 lựa chọn là ngành Điều dưỡng và Nhà hàng Khách sạn.

Theo chia sẻ, Dương bắt đầu ra Hà Nội học tiếng Đức từ cuối tháng 7 để chuẩn bị cho năm sau đi du học nghề. Dương tiết lộ về lựa chọn của mình: "Em mất chi phí khoảng 200 triệu đồng bao gồm học tiếng, hồ sơ, vé máy bay... để đi du học vừa làm. Với mức lương nhận được, sau khi trừ chi phí sinh hoạt em vẫn có thể bỏ túi 10-20 triệu đồng/tháng".

Trong khi đó, nhiều bạn học sinh khác lại quyết định nghỉ học để đi làm công nhân trong các khu công nghiệp gần nhà. "Em thấy nhiều anh chị ở gần nhà đi học đại học về không xin được việc lại phải xin làm công nhân công ty. Em cũng thấy năng lực mình không đủ để học tiếp nên quyết định xin đi làm luôn. Với mức lương tầm 7-8 triệu đồng mỗi tháng, em nghĩ cũng khá phù hợp với mức sống ở quê", Hoàng Lan Hương, quê Thanh Hóa cho hay.

Nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội hiện đã tuyển sinh được 700 học viên, chủ yếu ở ngành Công nghệ ô tô, các ngành khối kỹ thuật điện tử công nghiệp.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Lê Danh Quang, Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội lý giải về con số 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: "Nhiều thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học vì các em đã tìm cho mình hướng đi riêng như đi du học. Ngoài những em đi du học đại học thì xu hướng hiện nay các em đi du học nghề ở các nước như Đức, Australia, Hàn Quốc... giải quyết vấn đề vừa đi học vừa đi làm có lương. Một số em lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động. Đây cũng là xu hướng lựa chọn của nhiều thí sinh hiện nay. Số khác các em chọn làm lao động tự do".

Trong số 300.000 thí sinh này cũng có nhiều em lựa chọn học cao đẳng nghề. Một số trường đào tạo tốt thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký. 

Hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: Tìm lối đi riêng để thành công - Ảnh 2.

Cao đẳng nghề là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Ảnh: NVCC

"Nếu có năng lực các em có thể vào các trường đại học. Nhưng nếu chỉ vì học cho bằng bạn bằng bè, cho oai thì các em nên chọn những trường lao động trực tiếp. Học phí thấp so với đại học, tuyển dụng cao, việc làm đảm bảo. Đặc biệt, vào học cao đẳng không có nghĩa là dừng học. Các em muốn liên thông hoàn toàn yên tâm vì trường đã liên kết với các trường đại học uy tín", TS Quang chia sẻ.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện tử Hà Nội nhấn mạnh: "Dự án cuộc đời rất quan trọng. Đại học là tốt, cao đẳng cũng không phải không tốt. Cao đẳng đào tạo thực hành trung bình từ 70% thời lượng trở lên. Học đại học là học kiến thức hàn lâm dành cho sinh viên có tố chất, năng lực học tập. Thực tế, có nhiều em học cao đẳng có điểm tốt nghiệp phổ thông cao nhưng chỉ vì muốn rút ngắn thời gian học.

Chúng ta muốn con có dự án tốt phải biết được năng lực sở trường, sở đoản của mình. Ai cũng có hạn chế nhất định nên phải lựa chọn điểm mạnh để chọn ngành nghề rồi mới chọn trường. Không phải trường nào cũng đào tạo ngành nghề tốt. Lựa chọn đúng giấc mơ, năng lực để phát huy cho con là tốt nhất. Cha mẹ đừng đặt sức ép nhiều vào con".

Nói về tình hình du học nghề ở Đức, anh Vũ Xuân Sơn, đại diện một tổ chức giáo dục cho biết: "Sau khi học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 xong, lượng hồ sơ đăng ký đi học nghề ở Đức tăng lên đáng kể. Năm nay, số lượng hồ sơ chúng tôi nhận được cũng tăng gấp nhiều lần so với những năm trước".

Theo anh Sơn, từ 3/2020 nước Đức bắt đầu thực hiện chính sách cho phép nhập cư lao động nằm ngoài khối EU. Việc này giúp cho điều kiện đi Đức trở nên dễ dàng hơn so với trước đây rất nhiều. Chỉ cần chứng chỉ A2, B1, bạn đã có thể xuất cảnh, nhập học nghề, thời gian rút ngắn hơn rất nhiều. Số lượng ngành nghề và công việc đa dạng hơn: Điều dưỡng, đầu bếp, nhà hàng, khách sạn, bán hàng, cơ khí, cơ điện tử, ô tô....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem