Ngày 29/7 và 30/7 vừa qua, nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink đã có hai đêm concert tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), thu hút khoảng 60.000 khán giả tham dự. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Hà Nội đón chào nghệ sĩ quốc tế tổ chức concert tại địa điểm có sức chứa khán giả lớn nhất tại Thủ đô, cũng như đặt ra nhiều hy vọng về việc quảng bá văn hoá cũng như phát triển du lịch.
Việc Blackpink tổ chức show diễn tại Việt Nam được nhóm nhạc này thông báo vào ngày 26/6 ngay lập tức "gây bão" trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Theo thống kê của Google Trends, từ khoá "Blackpink" đạt đỉnh chỉ vỏn vẹn một tiếng sau khi bài viết được đăng tải trên Fanpage của nhóm nhạc. Những ngày sau, cùng với hàng loạt dấu hỏi về công tác tổ chức, Blackpink vẫn liên tục trở thành tâm điểm.
Có thể nói, dù trước đó không biết tới Blackpink và chẳng quan tâm tới K-pop, hầu như người Việt dùng mạng xã hội nào cũng sẽ tiếp cận những thông tin liên quan tới nhóm nhạc này trong một tháng qua. Concert Blackpink đã không chỉ là đêm diễn đơn thuần mà trở thành xu hướng, tạo ra hàng loạt hành vi của người dùng trong việc viết bài, đăng ảnh, quảng cáo hoặc "dấn thân" vào các cuộc tranh cãi về quan điểm.
Điều gì đã khiến Blackpink gây cơn sốt mạnh mẽ tới vậy tại Việt Nam cũng như lôi khéo hơn 60.000 khán giả tại sân vận động Mỹ Đình với mức giá không hề thấp?
Sau 7 năm thành lập, Blackpink đã trở thành nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đình đám bậc nhất, có sức ảnh hưởng vươn tầm thế giới. 4 cô gái Jisoo, Jennie, Lisa và Rosé chinh phục được cả những thị trường khó tính như Mỹ và Châu Âu, với các đêm diễn 50.000 - 70.000 người tham dự. Nhiều chàng trai tóc vàng, da trắng không ngại nhảy múa theo nhạc của Blackpink - điều mà ít thần tượng K-pop làm được trước đó.
Thành công của Blackpink là "trái ngọt" từ một chiến lược phát triển bài bản và khắt khe của người Hàn, với sự mở đường của các nhóm nhạc thuộc thế hệ gen 1 (H.O.T, Shinhwa, S.E.S...) và gen 2 (Big Bang, SNSD, 2NE1...). Sau gần 30 năm làn sóng Hallyu xuất hiện, người Hàn đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng một công nghệ hoàn hảo để tạo ra nhóm nhạc quốc tế.
Có thể thấy, BTS và Blackpink điển hình cho thành quả đó, khi hội đủ các yếu tố: Đồng đều về ngoại hình, vũ đạo, khả năng nói tiếng Anh tốt, dòng nhạc dễ tiếp cận với thị hiếu quốc tế, phương thức truyền thông chuyên nghiệp, hiệu quả...
Việc Blackpink chọn Việt Nam làm điểm dừng chân cuối cùng tại Châu Á trong world tour khiến không ít khán giả bất ngờ. Trước đó, nhiều cuộc khảo sát của các công ty giải trí Hàn Quốc cho thấy đây là một thị trường không mấy tiềm năng cho việc bán vé, dù người hâm mộ nhiệt tình và đông đảo. Cũng bởi vậy, ngay khi thông báo về việc Blackpink tổ chức concert tại Việt Nam được đưa ra, mạng xã hội đã "bùng nổ".
Sự gắn kết của cộng đồng người hâm mộ các nhóm nhạc Hàn tạo nên một đặc trưng khó trộn lẫn, cũng là thứ khiến các concert của Blackpink luôn đầy ắp khán giả. Có thể nói, người Hàn đã tạo nên "văn hoá thần tượng", họ tạo ra các hoạt động chuyên nghiệp nhằm phục vụ sở thích của con người. Đó là những nhóm người hâm mộ được đặt tên riêng, sinh hoạt đều đặn, được cung cấp những đặc quyền về hình ảnh trên khắp thế giới. Tại đó, các công ty giải trí bán ra lightstick, quần áo và hàng loạt phụ phẩm đi kèm.
Nghiên cứu cho thấy, một người trẻ yêu thích nhóm nhạc sẽ dễ dàng trở nên gắn bó gấp bội khi tham gia vào một cộng đồng fan, được chia sẻ và tiếp lửa bởi những người chung sở thích. Tình yêu ấy khiến họ sẵn sàng bảo vệ thần tượng, sẵn sàng "rút ví" và đi cùng thần tượng từ quốc gia này tới quốc gia khác.
Trong concert của Blackpink, không ít khán giả tại Trung Quốc, Thái Lan và Singapore cũng tới tham dự. Cá biệt, cộng đồng mạng còn chia sẻ hình ảnh một người hâm mộ tới từ châu Âu. Cũng không ít khán giả chia sẻ họ đã xem concert này nhiều lần với nội dung tương tự nhau, nhưng chưa bao giờ biết chán.
Bước chân vào đêm nhạc của Blackpink, những người hâm mộ theo trào lưu (hay còn gọi là fan phong trào), hoặc khán giả đơn thuần cũng dễ dàng bị cuốn vào làn sóng của họ. Đó là sự kết hợp của thời trang, âm nhạc và hình ảnh.
Như Quỳnh (36 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Ban đầu tôi đi concert chỉ vì chiều con gái, nhưng khi nhìn thấy biển lightstick màu hồng giơ lên khắp sân vận động Mỹ Đình, tôi cũng thấy xúc động và cảm giác như mình đang trẻ lại 10 tuổi".
Thực tế cho thấy chưa nhiều nghệ sĩ quốc tế tìm tới Việt Nam trong thời gian qua, vì vậy sự xuất hiện của Blackpink càng thêm giá trị.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đặng Thiếu Ngân - Giám đốc đối ngoại của Naver Việt Nam, người từng mang hàng loạt thần tượng K-pop tới Việt Nam khẳng định: "Trong suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn là thị trường có số lượng người hâm mộ khủng của K-pop ở khu vực Châu Á. Gần như mọi nhóm nhạc khi mới xuất hiện, các công ty quản lý sẽ nhắm đến khán giả Việt Nam để đo độ nóng của "gà nhà".
Tuy vậy, đã có rất nhiều đoàn khảo sát, các công ty giải trí lớn sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, với mong muốn tổ chức show, concert thương mại tại Việt Nam nhưng đều thấy chưa đủ điều kiện đảm bảo. Lý do lớn nhất là khả năng chi tiêu, chịu nổi giá vé để cân bằng chi phí cho nhà tổ chức là không thể.
Vài năm trở lại đây, đã có những chuyển biến tích cực đã diễn ra khi giới trẻ, bắt đầu từ thế hệ Gen Z. Các bạn trẻ nhiệt tình đi xem show, dù tổ chức ở quốc gia nào cũng có người hâm mộ Việt Nam tham dự trực tiếp. Album, sách ảnh, các sản phẩm khác liên quan đến Idol được fans Việt Nam mua nhiều. Ở góc độ những người làm kinh doanh, người Hàn sẽ lập tức nhìn ra tiềm năng tại thị trường này và quyết định tấn công vào đó".
Đêm concert của Blackpink lôi cuốn gần 60.000 khán giả có thể chưa đạt kỳ vọng của đơn vị tổ chức trước đó, tuy vậy điều này có thể chỉ là sự mở đường thăm dò của các công ty Hàn Quốc đối với một thị trường mới. Sau concert này, nhiều khả năng người Hàn sẽ có những điều chỉnh khác nhau nhằm chinh phục thêm một vùng đất. Trong khi đó, Việt Nam cũng mở ra nhiều kỳ vọng trong việc giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế và du lịch.
Sự thành công của Blackpink một lần nữa đặt ra những suy ngẫm đối với những nhà quản lý cũng như doanh nghiệp giải trí tại Việt Nam trong việc xây dựng nền công nghiệp văn hoá một cách bài bản, kỹ lưỡng và không sách vở.