USDA trong báo cáo vừa công bố cho biết, dự báo tiêu thụ gạo thế giới niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 500.000 tấn so với báo cáo tháng 5, lên mức kỷ lục 520 triệu tấn. So với năm trước, tiêu thụ gạo thế giới năm 2023/24 sẽ tăng 1,5 triệu tấn và vượt 2,5 triệu tấn so với sản lượng.
Phần lớn gạo trên toàn cầu được dùng làm lương thực. Ngoài ra, xu hướng sử dụng gạo tấm làm thức ăn chăn nuôi đã gia tăng trong những năm gần đây do giá thức ăn chăn nuôi toàn cầu tăng cao.
Mặc dù vậy, tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc năm 2023/24 dự kiến sẽ giảm hơn 2,9 triệu tấn ở Trung Quốc xuống còn 152,0 triệu tấn, do việc sử dụng gạo tấm làm thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ gạo tấm lớn nhất thế giới nhờ nguồn cung ngô tăng lên. Ấn Độ - nhà cung cấp gạo tấm lớn nhất của Trung Quốc - tháng 9/2022 đã cấm xuất khẩu gạo tấm, khiến Trung Quốc đã phải bù đắp sự sụt giảm đó bằng cách chuyển sang các nhà cung cấp khác nhưng cũng chỉ với khối lượng nhỏ.
Dự kiến giá các loại ngũ cốc có thể thay thế gạo làm thức ăn chăn nuôi thay thế (ngô, lúa miến...) trong thời gian tới sẽ giảm và Trung Quốc có thể quay trở lại sử dụng các loại ngũ cốc đó làm thức ăn chăn nuôi như truyền thống.
Tiêu thụ gạo tại châu Phi cận Sahara, Nam Á và Trung Đông, dự báo sẽ tiếp tục tăng do dân số gia tăng.
Tiêu thụ gạo tại Ấn Độ - thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới - được dự báo sẽ tăng 0,5 triệu tấn lên mức cao kỷ lục, lên mức kỷ lục 113,0 triệu tấn, do dân số tăng, sản lượng cao kỷ lục và Chính phủ tiếp tục phân bổ gạo cho các chương trình phân phối cộng đồng.
Về những thị trường đáng chú ý khác, tiêu thụ gạo của Bangladesh niên vụ 2023/24 dự báo sẽ tăng 0,6 triệu tấn lên mức kỷ lục 38,2 triệu tấn do nguồn cung cao kỷ lục và dân số ngày càng tăng.
Ở cả hai quốc gia Nam Á này, giá cao đối với các sản phẩm làm từ lúa mì đã khiến người dân chuyển một phần tiêu dùng lúa mì sang gạo.
Tiêu thụ gạo niên vụ 2023/24 dự kiến sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn ở Myanmar, Campuchia, Ai Cập, Liên minh Châu Âu, Iraq, Nigeria, Pakistan và Việt Nam. Giá cao đối với các sản phẩm làm từ lúa mì dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ gạo ở cả Ai Cập và Iraq, cũng như các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông. Tại Mỹ, lượng gạo tiêu thụ trong nước dự kiến sẽ tăng 95.000 tấn lên mức kỷ lục 4,9 triệu tấn, chủ yếu do nguồn cung lớn hơn, bao gồm cả nhập khẩu gần kỷ lục.
Tiêu thụ gạo ở Brazil dự kiến sẽ giảm 0,1 triệu tấn xuống còn 6,8 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 1985/86, do mức tiêu thụ bình quân đầu người tiếp tục giảm. Với 35,2 triệu tấn, lượng tiêu thụ của Indonesia năm 2023/24 dự kiến sẽ thấp hơn 0,1 triệu tấn so với năm trước, điều này cũng phản ánh mức tiêu thụ bình quân đầu người tiếp tục giảm do đa dạng hóa chế độ ăn uống dựa trên thu nhập. Tiêu thụ trong năm 2023/24 được dự kiến không thay đổi so với một năm trước ở các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).