Thêm UAE, Nga cấm xuất khẩu gạo: Việt Nam cần điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, đảm bảo có lợi cho nông dân

K.Nguyên Thứ hai, ngày 31/07/2023 12:10 PM (GMT+7)
Sau Ấn Độ, đã có thêm 2 nước tạm dừng xuất khẩu gạo là Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Nhiều ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa phải lo vấn đề an ninh lương thực, cần điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, phân chia lợi ích đồng đều theo hướng có lợi cho nông dân.
Bình luận 0

Giá gạo tăng nhưng không phải sốt

Giá gạo Việt Nam đã tăng từng ngày kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (phi Basmati).

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 28/7 đã đạt 563 USD/tấn, trong khi trước đó 1 ngày, giá gạo 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 558 USD/tấn và giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 26/7 là 548 USD/tấn.

Đối với gạo 25% tấm, nếu như ngày 26/7, giá gạo của Việt Nam đạt 528 USD/tấn thì bước sang ngày 27/7, giá gạo 25% tấm của Việt Nam đã đạt 538 USD/tấn và ngày 28/7 là 543 USD/tấn. 

Như vậy, sau những diễn biến mới trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chính thức lập kỷ lục "mỗi ngày tăng một giá".

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, giá nhiều loại lúa, gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng thêm từ 100-200 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tuần. 

Hiện lúa tươi IR 50404 và OM 5451 vụ hè thu 2023 được nông dân tại nhiều nơi bán với giá 6.700-6.900 đồng/kg, trong khi trước đây ở mức 6.500-6.800 đồng/kg. 

Giá lúa tươi OM 4900, OM 18, Nàng Hoa 9 và Ðài Thơm 8 cũng tăng từ 6.800-7.100 đồng/kg, lên 6.900-7.200 đồng/kg. Mức giá này đang cao hơn từ 1.000-1.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. 

Giá gạo tăng mạnh sau khi có thêm 2 nước cấm xuất khẩu gạo, doanh nghiệp than khó mua hàng   - Ảnh 1.

Giá gạo Việt Nam đang tăng từng ngày sau khi nhiều nước có lệnh cấm xuất khẩu gạo. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Thậm chí đã có thương lái đặt cọc mua lúa tươi vụ thu đông 2023 dù lúa mới gieo sạ được khoảng 50-60 ngày tuổi và còn hơn 1 tháng nữa mới thu hoạch.

Trao đổi với Dân Việt, bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Gạo Ông Thọ (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, giá gạo trên thị trường nội địa cũng tăng "nóng". 

"Chưa bao giờ tôi thấy giá gạo tăng quá cao như hiện nay mà đợt này là tăng trong thời gian dài chứ không phải như đợt sốt năm 2008 hay đợt thực hiện Chỉ thị 16 do tác động của dịch Covid-19. Đơn cử như mặt hàng gạo OM18, giá gạo OM18 thành phẩm tại kho Sa Đéc (Đồng Tháp) thời điểm ngày 20/7 là 12.200 - 12.300 đồng/kg thì hôm nay (31/7) giá đã lên đến 13.900 -14.000 đồng/kg", bà Thảo cho biết.

Cần điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt để phân chia lợi nhuận hài hòa, có lợi cho nông dân

Khi được hỏi thông tin giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng từng ngày tác động như thế nào đến thị trường lúa gạo Việt Nam, bà Dương Thanh Thảo thừa nhận, hiện đang rất khó thu mua lúa. "Không phải do lúa trong dân không còn, thực tế, lúa trên đồng vẫn đang rất nhiều. Nhưng hiện lúa đứng trên đồng đã được "cò" đặt mua hết, trong khi doanh nghiệp phải gom hàng để trả đơn đã ký với giá thấp trước đó. Một số khác không có đơn nhưng có lẽ cũng không muốn bán ra do giá mỗi ngày lên 2 -3 đợt", bà Thảo nêu một thực tế.

Theo bà Thảo, hiện tại do tập quán kinh doanh của ngành lúa gạo Việt Nam là nhà máy chủ yếu mua lúa qua "cò", thương lái, còn nông dân cũng bán lúa qua "cò", thương lái trong khi chưa có công cụ quản lý "cò" hay thương lái nên cũng khó có công cụ nào điều hành ổn định thị trường mà chủ yếu do thị trường tự điều tiết. 

Trước băn khoăn nhu cầu lúa gạo trên thị trường thế giới tăng cao, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thì có ảnh hưởng đến thị trường trong nước, bà Thảo cho rằng: "Không cần phải lo vấn đề thiếu lương thực, nhất là mùa này vì ở ĐBSCL chỗ nào cũng đang canh tác lúa".

Đề xuất các giải pháp để điều hành thị trường lúa gạo, theo Giám đốc điều hành Công ty CP Gạo Ông Thọ, Việt Nam đang được hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu thu mua gạo đang "sốt" toàn cầu nên cần phải tận dụng tốt cơ hội để nâng cao thu nhập cho nông dân.

"Tuy nhiên, cần có giải pháp điều tiết, phân chia lợi nhuận sao cho tốt hơn trong toàn chuỗi chứ hiện nay lợi nhuận không về tay nông dân nhiều mà đọng lại ở khâu trung gian nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp chống đầu cơ, đẩy giá, có thể công bố đơn hàng xuất khẩu ký được giá mới để thể hiện nhu cầu thực của nhà mua thế giới", bà Thảo kiến nghị.

Sau khi Ấn Độ có lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường, ngày 29/7, Nga cũng thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa. Lệnh cấm này không áp dụng với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng như Abkhazia và Nam Ossetia. Bên cạnh đó, gạo vẫn có thể được gửi ra nước ngoài vì mục đích nhân đạo.

Trước thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo của Nga một ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cũng quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo.

Hiện cả Nga và UAE không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Song, việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu của hai quốc gia này khiến thị trường gạo trên toàn cầu thêm chao đảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem