Báo Dân Việt mới đây đã đăng tải bài viết về cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Địa lý tại một trường THCS ở quận Đống Đa, Hà Nội có gần 30 năm đi dạy nhưng lương chỉ 8-9 triệu đồng nhận được quan tâm từ dư luận. Cô Hằng là 1 trong hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT khi ban hành quy định mới khiến giáo viên mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến. Hiện nay số lượng giáo viên tham gia kiến nghị đã hơn 1.000 người.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thu Thủy, sinh năm 1978, một giáo viên có 23 năm cống hiến cho ngành Giáo dục Hà Nội, cho biết cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cô Thủy kể: "Học xong Cao đẳng Sư phạm, tôi ở nhà mất 1 năm vì không xin được việc. Năm 2001, tôi xin dạy hợp đồng ở xã cách huyện nhà 9 cây số với mức lương 210.000 đồng/tháng, nghỉ hè không lương, không được đóng bảo hiểm xã hội.
Năm 2003, tôi lập gia đình, chồng làm công nhân nên lương cũng thấp. Năm 2007, sau khi thi đỗ công chức, tôi xin chuyển về dạy cách nhà 3km. Vì đỗ công chức muộn nên khi sinh thêm con thứ 2 cuộc sống khó khăn. Tôi đã phải làm thêm nhiều nghề để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống như bán hàng, làm bảo hiểm... Nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề nhưng chắc có duyên với nghề nên vẫn tiếp tục.
Tôi từng nộp hồ sơ để học liên thông lên đại học nhưng vì lớp ít người không mở được. Đến năm 2019, tôi mới có cơ hội đi học và đã hoàn thành năm 2022.
Mặc dù bằng Cao đẳng nhưng tôi luôn tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; thi giáo viên dạy giỏi cấp Huyện và cấp Thành phố; thi tích hợp liên môn và đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia; 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và tham gia ôn đội tuyển học sinh giỏi đạt giải cao".
Cố gắng nhiều năm trong giảng dạy và đạt nhiều thành tích, năm 2022 vừa qua, cô Thủy được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục. "Cầm kỷ niệm chương mà tôi vừa vui mừng nhưng cũng vừa chạnh lòng. 23 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mà lương không đủ cho con học đại học", cô Thủy chia sẻ. Hiện con lớn của cô D. đang học Đại học Bách khoa Hà Nội và con nhỏ năm nay vào lớp 12.
Tuy nhiên, điều cô Thủy cảm thấy buồn lòng, thiệt thòi vì không được thăng hạng giáo viên. Sở Nội vụ có gửi công văn về xét, thi thăng hạng cho giáo viên, cô Thủy cứ nghĩ sẽ được nộp hồ sơ trong đợt này nhưng mọi hy vọng đã bị dập tắt vì quy định phải có bằng đại học 9 năm... Ra trường nhiều năm nhưng cô vẫn "ăn" lương bậc III THCS.
Một trường hợp khác cũng tương tự là cô Trần Bích Liên, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân vở huyện Đan Phượng, Hà Nội. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, cô Liên nhận dạy hợp đồng cách nhà 10km. Ngày nào cũng lọc cọc đạp xe đạp đi dạy với mức lương giáo viên hợp đồng môn phụ là 210.000 đồng/tháng. Sau đó cô Liên lấy chồng, sinh 2 con, cuộc sống càng chật vật hơn khi chồng cũng là giáo viên hợp đồng giống cô.
"Bao nhiêu lần 2 vợ chồng định bỏ nghề vì không lo được cuộc sống với đồng lương eo hẹp, nhất là hè không có lương nên 2 vợ chồng xoay làm đủ nghề như may, đi đưa thư, cấy thêm ruộng… Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, 2 vợ chồng tiếp tục theo đuổi sự nghiệp", cô Liên kể.
Mới đây, cô Liên đã cùng hơn 300 giáo viên ở Hà Nội gửi đơn kiến nghị về Thông tư 08 của Bộ GDĐT. Trong công việc, cô Liên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt danh hiệu Lao động tiến tiến; 3 lần tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi đạt giải Ba và đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô cũng tham gia dạy đội tuyển học sinh giỏi nhiều năm, có học sinh đạt giải cấp huyện và thành phố.
Thế nhưng dù cống hiến bao nhiêu năm, cô Liên vẫn không nằm trong danh sách giáo viên được thăng hạng lần này vì không có bằng đại học đủ 9 năm.
"Khi ra trường thì lương quá thấp, tôi không thể sắp xếp đi học đại học ngay được. Năm 2009, tôi đã nộp hồ sơ cùng bạn bè đi học nhưng do môn phụ ít người nên không đủ lớp. Đến năm 2018, chúng tôi mới gom đủ và nhận bằng vào năm 2022. Bây giờ tôi đã 45 tuổi. Theo quy định tôi phải chờ thêm 8 năm nữa mới được thăng hạng II thì cũng sắp về hưu. Ai cũng tiếc cho tôi vì thông tư mới sửa đổi từ 1 năm lên 9 năm. Đây thực sự như "gáo nước lạnh" vào tôi", cô Liên bày tỏ.
Theo cô Liên, lương của 2 vợ chồng cô đang ở Bậc III THCS nên nuôi 1 con sắp vào đại học, 1 con học lớp 11 quá khó khăn. Thậm chí, con cô dù yêu thích và tự hào về bố mẹ nhưng không dám theo nghề vì lương quá thấp.
"Tôi nhiều lúc buồn và tủi thân lắm vì bao nhiêu năm kinh nghiệm đi dạy nhưng lương chỉ bằng học trò của mình vừa ra trường. Tôi mong Bộ có những thay đổi trong Thông tư 08 để những giáo viên có nhiều năm công tác như tôi có cơ hội được thăng hạng, có thêm thu nhập để lo cho con và mẹ yên tâm tiếp tục đam mê với nghề", cô Liên nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Ngày 14/4, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, là một trong những văn bản tạo pháp lý để các địa phương trong cả nước tổ chức, thực hiện xét hoặc thi thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức đang làm công tác giảng dạy ở các cấp học mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này đã điều chỉnh những bất cập của thông tư cũ, tuy nhiên, muốn được đăng ký để xét thăng hạng II, giáo viên Tiểu học và THCS ngoài các yêu cầu khác thì cần đạt 2 điều kiện: Chức danh nghề nghiệp hạng III 9 năm và cần tốt nghiệp đại học 9 năm.
Điều kiện thứ 2 đã đẩy nhiều giáo viên đang đủ điều kiện được tham gia xét thăng hạng II (theo Thông tư cũ là 1 năm) trở nên không được và cần chờ nhiều năm nữa.
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định giáo viên THCS cần có trình độ đại học 1 năm. Trước Luật này, giáo viên cấp THCS chỉ cần trình độ cao đẳng; giáo viên cấp Tiểu học chỉ cần trình độ đào tạo Trung cấp.