Thông tin mới nhất về áp dụng mức thu học phí các cấp năm học 2023 - 2024 ở các tỉnh thành

Tào Nga Thứ ba, ngày 01/08/2023 19:08 PM (GMT+7)
Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo về việc sửa đổi Nghị định 81, việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Bình luận 0

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết vừa ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. 

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024; trình Chính phủ trước ngày 8/8.

Đồng thời, Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81 theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

Thông tin mới nhất về áp dụng mức thu học phí các cấp năm học 2023 - 2024 ở các tỉnh thành - Ảnh 1.

Phụ huynh Hà Nội trong ngày tuyển sinh đầu cấp năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Hiện tại, đã có một số tỉnh thành thông báo mức học phí mới sẽ áp dụng cho năm học 2023-2024 cho bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên. 

Hà Nội áp dụng mức học phí vùng thành thị (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn) mức thu 4 cấp là 300.000 đồng/học sinh/tháng; nông thôn (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã, trừ các xã miền núi) mức thu 3 cấp là 100.000 đồng/học sinh/tháng, cấp trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng; vùng dân tộc thiểu số và miền núi (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn xã miền núi) mức thu 3 cấp là 50.000 đồng/học sinh/tháng, cấp trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Vĩnh Phúc áp dụng mức học phí 300.000 đồng/tháng chung cho học sinh ba cấp mầm non, tiểu học, THCS tại TP Vĩnh Yên và Phúc Yên. Học sinh vùng nông thôn đóng 100.000 đồng/tháng. Học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đóng 50.000 đồng/tháng.

Đối với học sinh cấp THPT và giáo dục thường xuyên cấp THPT, học phí là 300.000 đồng/tháng áp dụng cho vùng thành thị; 200.000 đồng/tháng áp dụng cho vùng nông thôn; 100.000 đồng/tháng áp dụng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Riêng học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc phải đóng mức học phí cao hơn là 360.000 đồng/tháng.

Tại Bắc Ninh, vùng thành thị áp dụng chung một mức 300.000 đồng/tháng với học sinh từ mầm non tới THPT và giáo dục thường xuyên bậc THPT. Tại nông thôn, học sinh mầm non, tiểu học và THCS đóng 100.000 đồng/tháng; học sinh THPT và giáo dục thường xuyên bậc THPT đóng 200.000 đồng/tháng. Mức học phí này được áp dụng cho ba năm học từ 2023-2024 đến 2025-2026.

Bắc Giang áp dụng mức phí dao động 55.000-320.000 đồng/tháng.

Mức này căn cứ theo khung học phí năm học 2022-2023 của Chính phủ tại Nghị định 81, dao động 50.000-650.000 đồng/học sinh/tháng, mỗi năm được điều chỉnh nhưng không được tăng quá 7,5%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem