Ngày 30/7 vừa qua, vụ việc hy hữu xảy ra với một tài xế ô tô khi lưu thông trên đường Gia Thượng, hướng cầu Đông Trù (Long Biên) bị dây diều chém qua, cứa đứt phần cản trước của xe.
Anh Nguyễn Hồng Quân (làm nghề lái xe tại Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đang di chuyển thì con diều liệng xuống đường, đúng lúc xe tôi đi qua. Kết quả là dây diều cứa ngang mũi xe. Đây không phải dây diều bình thường, nếu nó cứa vào người đi đường thì nằm như ngả rạ".
May mắn, sự việc trên không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhìn vết cứa trên xe ô tô của anh Quân, hẳn ai cũng tưởng tượng ra rằng, nếu đó là một người đi xe máy thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Đặc biệt, dưới bài đăng chia sẻ của nam tài xế, nhiều người bày tỏ sự bức xúc, khẳng định "việc này không chỉ diễn ra một lần".
Trên thực tế, tại nội thành Hà Nội, không ít địa điểm được người dân sử dụng như khu vui chơi, thả diều tự do, miễn nơi nào có đất trống, có gió đều được nhiều người tận dụng.
Tại đường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), khu vực bãi đất trống cạnh tòa Hateco Xuân Phương thường xuyên được sử dụng làm khu thả diều tự do. Vào dịp cuối tuần, địa điểm này thu hút rất đông người dân đến vui chơi, giải trí. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn tận dụng cơ hội này để bày diều ra bán.
Chị Nguyễn Hoài Thương (34 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng là "nạn nhân" của những chiếc diều tưởng chừng như vô hại. Chị chia sẻ: "Có lần tôi đi qua đây, đúng lúc gió ngừng, một con diều liệng xuống ngay sát đầu xe. Tôi loạng choạng và gần như ngã, may sao đánh lái kịp để tránh con diều. Từ đó về sau, cứ đi qua đoạn đường này là tôi đều thấy sợ".
Khu vực thả diều ngay sát mặt đường Xuân Phương, tuy khoảng đất trống khá rộng nhưng không thể đảm bảo diều sẽ không rơi xuống, va chạm với người tham gia giao thông. Hơn nữa, nhiều người chơi thừa nhận sử dụng loại dây amiang, dây cước để chơi diều.
Những loại dây này đều có độ bền cao, cộng thêm sức gió, hoàn toàn có thể "xé toạc" vỏ một chiếc xe khi đi qua. Trường hợp này cũng đã xảy ra với chị Ngọc Hà (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) khi di chuyển qua đoạn đường này. Nhớ lại về những "kí ức kinh hoàng", chị Hà chia sẻ: "Đến giờ cứ thấy diều là tôi sợ. Ngày ấy, tôi đi xe máy qua và bị một dây diều vụt ngang xe, may mắn chỉ đứt phần yếm, người không có thương tích gì".
Trên các mặt báo, không ít vụ việc có mức độ nghiêm trọng hơn được đề tên. Nếu may mắn, nạn nhân chỉ bị xước xát phương tiện đi lại, còn không sẽ phải chịu hậu quả kinh khủng hơn nếu dây diều vô tình cứa vào tay, chân hay thậm chí là cổ.
Trên đường Trịnh Văn Bô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng thường xuyên ghi nhận tình trạng này. Những người thả diều hầu hết là người dân xung quanh khu vực. Tại các khu đất trống, vị trí đẹp, đôi khi sẽ được các nhóm "đam mê chơi diều" tìm đến để thi đấu.
Anh Nguyễn Hoài Nam (31 tuổi, Nam Từ Liêm) vừa chỉ vào vết xước ở tay, nói: "Đây, sẹo trên tay tôi vẫn còn. Đợt đó đi ngang đường này, dây diều mất phương hướng nó cứa vào. May chỉ trầy xước chứ không quá sâu. Nó mà vắt ngang qua bụng, mắt hay cổ thì giờ này chắc không còn ở đây".
Được biết, chủ nhân những con diều gây ra tai nạn hầu như không bao giờ chủ động thừa nhận diều là của mình hoặc đưa ra phương án đền bù cho người tổn thất. Trong vụ việc mới nhất của nam tài xế tại Long Biên cũng vậy. Anh Quân cho biết: "Không biết diều là của ai, cũng không thấy ai ra hỏi thăm bởi chủ diều đã bỏ của chạy lấy người".
Anh Nguyễn Hoài Nam cũng bức xúc về vấn đề này: "Tôi chỉ biết là dây diều cứa vào tay tôi. Còn chủ diều là ai thì không biết, hỏi cũng không ai dám nhận. Chắc họ sợ bị bắt đền hay kiện tụng".
Tại nội thành, còn rất nhiều điểm thả diều tự phát như khu vực gần sân vận động Mỹ Đình hay khoảng trống nơi "cây cô đơn" ở Hồ Tây. Buổi chiều gió lộng, người dân lại tụ tập về đây, người mua diều, người đem diều tự chế, tạo thành khung cảnh "tuổi thơ" nhưng cũng là nỗi ám ảnh của những người điều khiển xe máy.
Chị Lê Thị Dung (23 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào chiều muộn ngày 20/7/2023, chị cùng bạn đi dạo qua đoạn cây cô đơn ở Hồ Tây và bị một con diều liệng xuống trúng mặt. "Tôi phải phanh gấp vì tầm nhìn bị hạn chế. Sau đó, có một bạn trẻ chạy ra thu diều vào và xin lỗi tôi rồi vội chạy mất", chị Dung chia sẻ thêm.
Tình trạng này không phải hiếm gặp tại nội thành Hà Nội. Việc thả diều tại những khu dân cư, khu vực gần đường giao thông khiến không ít người đi đường bất an, lo lắng. Thậm chí, nhiều người dân bất chấp thả diều gần đường dây điện, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.
Theo điểm d, khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021 thì người có một trong các hành vi thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Ðiều 4, Nghị định 14/2014 (đã được sửa đổi bởi Nghị định 51/2020) cũng có quy định cấm thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện. Nếu thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 134/2013, sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022 quy định về xử phạt vi phạm quy định về an toàn điện).