Ký ức Hà Nội: Tuổi 18 trăng tròn và ký ức đẹp khi lần đầu đến Thủ đô
Ký ức Hà Nội: Tuổi 18 trăng tròn và ký ức đẹp khi lần đầu đến Thủ đô
Nguyễn Thị Kim (Sơn La)
Thứ ba, ngày 01/08/2023 09:30 AM (GMT+7)
Thủ đô đã mang đến cho tôi sự thân thuộc, ấm áp như chính tấm lòng của những người mẹ quê qua những gánh hàng rong với cơ man nào là sản vật, thức quà tuổi thơ...
Trong cuộc đời mỗi người, đặc biệt là người dân Việt, chắc có lẽ không ai là không mong muốn được một lần ghé thăm trái tim của cả nước, đó là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Và với tôi, niềm ước ao ấy đã trở thành hiện thực, tôi muốn được thăm Hà Nội không phải chỉ vì muốn biết hình ảnh cây cầu thép hiên ngang bắc qua con sông Hồng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Cũng không phải tôi chỉ muốn ngắm nhìn hồ Gươm hay hồ Tây mà tôi muốn đến Thủ đô để được cảm nhận niềm tự hào của bố tôi, người lính bộ đội cụ Hồ, nhân chứng của những năm tháng đất nước đánh đuổi quân xâm lược. Để tôi được cảm nhận và sống lại những ký ức không bao giờ quên trong bố về trận "Điện Biên Phủ trên không" của quân dân Hà Nội.
Cuối năm 1977, tôi khi ấy vừa tròn 18 tuổi, chưa một lần rời xa quê hương, xa mẹ cùng lũ em thơ. Năm tháng tuổi thơ của mấy chị em tôi đều thiếu vắng hình bóng bố bởi bố tôi là bộ đội. Tôi theo cậu ra Hà Nội vào một chiều mùa đông khi những hạt mưa phùn nhẹ nhàng phả vào da thịt cái lạnh.
Cái lạnh của mùa đông đất Bắc luôn khiến con người phải xuýt xoa. Nhưng cái lạnh ấy không làm vơi đi niềm háo hức của một cô gái vừa bước vào độ tuổi đầy hoài bão, ước mơ. Hà Nội của tôi khi ấy vừa lạ lẫm lại có chút gì đó thân thương. Khung cảnh Thủ đô thật yên bình, không có tiếng bom đạn, không có cái khung cảnh đau thương của những năm tháng kháng chiến như lời bố kể. Hà Nội khi ấy "tỏa ngát hương thơm của một Thủ đô hòa bình tự do" cùng một chút của niềm kiêu hãnh.
Lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm – "Hòn ngọc quý, lẵng hoa đẹp lung linh sắc màu của Thủ đô", niềm tự hào của người dân cả nước. Được tận mắt ngắm nhìn hồ trong truyền thuyết với làn nước trong xanh hiền hòa, được phóng tầm mắt dang tay ôm Đền Ngọc Sơn uy nghi, cầu Thê Húc cong cong như con tôm vào lòng tôi vừa thích thú lại không ngừng reo lên những tiếng khe khẽ với người cậu đi bên cạnh.
Chiều muộn, cậu đưa tôi qua tham quan hồ Tây, chẳng kém cạnh hồ Gươm, hồ Tây với những làn sóng nước lăn tăn trôi nhẹ vào bờ dưới tiết trời mùa đông ảm đạm vẫn không làm mất đi sự trong xanh lãng mạn đầy thi vị của cảnh quan xung quanh. Hồ Tây khi ấy trong tôi như một chiếc gương khổng lồ lớn chiếu soi vạn vật, thu mọi tầm mắt ánh nhìn của bất cứ ai đặt chân đến địa danh này.
Cậu cho tôi đi xem xiếc ở Rạp xiếc Trung ương. Khung cảnh đông đúc nhộn nhịp khác hẳn sự yên bình vốn có của quê tôi. Những nụ cười, tiếng nói chuyện hòa trong tiếng rao quen thuộc của các mẹ bên những gánh hàng rong bán mọi thức quà mà tôi vốn thấy ở chợ quê mình. Tôi không còn cái cảm giác lạ lẫm, sợ hãi kia nữa mà thay vào đó Thủ đô đã mang đến cho tôi sự thân thuộc, ấm áp như chính tấm lòng của những người mẹ quê qua những gánh hàng rong với cơ man nào là sản vật, thức quà tuổi thơ.
Lần đầu tiên trong cuộc đời mình tôi được đặt chân đến mảnh đất oai hùng trong những câu chuyện kháng chiến bố kể. Lần đầu tiên trong đời tôi được sống trong bầu không khí hiền hòa của đất nước những năm đầu sau giải phóng tại chính trái tim nơi lưu giữ biết bao những trận đánh bố cùng đồng đội của mình gìn giữ từng tấc đất của Thủ đô trước kẻ thù xâm lược.
Được đặt chân đến phố Khâm Thiên, phố Hai Bà Trưng trong tôi khi ấy vừa rưng rưng vừa nghèn nghẹn nơi lồng ngức. Là nơi chịu sự tàn phá dữ dội của những đợt oanh tạc bởi máy bay B52 của giặc Mỹ nơi bầu trời Hà Nội.
Tôi như được sống lại những cảm xúc của bố 5 năm về trước trong việc cùng đồng đội, những người dân Thủ đô quyết tâm gìn giữ "hậu phương" làm nhiệm vụ "chia lửa" với miền Nam ruột thịt. Cũng lần đầu tiên trong đời tôi thầm hiểu hơn câu nói bố hay nhắc đi nhắc lại: "Bảo vệ bầu trời Hà Nội là nhiệm vụ hàng đầu trong trận Điện Biên Phủ trên không mười hai ngày đêm" nó quan trọng với quân và dân ta như thế nào?
Để rồi, sau khi lên xe cùng cậu tại bến xe Kim Mã rời xa Thủ đô – Mảnh đất tôi thầm ước mong mình sẽ được trở lại thật nhiều lần. Nhưng phải tới mười hai năm sau, vào năm 1989 tôi mới được trở lại thăm mảnh đất đã đi vào lịch sử, thăm lại trái tim ấm nồng luôn dang tay rộng mở đón những người con của dân tộc Việt vào lòng mà vỗ về yêu thương.
Giờ đấy đã ở cái tuổi gần bảy mươi mùa xuân, Thủ đô trong tôi khi xưa ấy đã bao lần khoác lên mình tấm áo mới, đã trở lên sầm uất, nhộn nhịp nhưng những ký ức đơn sơ mộc mạc về Hà Nội với tôi của gần 50 năm về trước mới như ngày hôm qua. Hà Nội vẫn thật đẹp, thật yên bình và thân thương như những người bạn lớn.
Quả thực, trong cuộc đời mỗi người ai mà không từng có ký ức. Tôi trân quý ký ức lần đầu tiên khi ấy được thấy Hà Nội "bằng xương bằng thịt". Được hít thở, cảm nhận bầu không khí hòa bình đầy tự hào nơi Thủ đô với trận "Điện Biên Phủ trên không".
Và cũng tại chính mảnh đất ăm ắp kỉ niệm bom đạn chiến tranh trong những năm tháng ác liệt ấy, trong ký ức của người cựu chiến binh cả một đời dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc ấy tôi đã hiểu vì sao sau bao biến cố, thăng trầm của cuộc đời, đến khi gần đất xa trời cùng những di chứng do chiến tranh để lại bố tôi có thể quên nhiều ký ức, lúc nhớ lúc quên như một đứa trẻ.
Nhưng chỉ cần ai hỏi ông về Hà Nội về trận đánh 12 ngày đêm của năm 1972 ông vẫn có thể kể vanh vách, khiến con gái lớn của ông là tôi lúc ấy đã gần sáu mươi mùa xuân cũng có thể thuộc từng câu từng chữ ông kể. Ông nhớ bởi tình yêu đất nước, ông nhớ bởi ông yêu Hà Nội nên ký ức ấy làm sao có thể phai mờ? Cũng giống như tôi cùng các con cháu mình bây giờ, trong tâm khảm đều có một nỗi nhớ, niềm thương cùng tình yêu trọn vẹn với Hà Nội.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.