Không có một hình mẫu Thủ đô theo diện tích chuẩn trên thế giới, mà vẫn có những kinh thành thật nhỏ mà vẫn xứng đáng là trái tim của đất nước ấy, và hơn thế, là điểm đến của bốn phương.
Hà Nội đã từng nhỏ, và các quận nội thành của trái tim Việt Nam cũng theo đó chẳng thể to lớn. Nhưng không ai nghi ngờ, các quận làm nên khu trung tâm lịch sử Hà Nội tựa như các ngăn của trái tim có ý nghĩa nhiều mặt hơn là xét về cây số vuông.
Trong mấy ngày gần đây, dư luận đột nhiên xôn xao về thông tin chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm với các quận khác do có diện tích nhỏ hơn rất nhiều quy định 35km2 cho một đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Chẳng riêng Hoàn Kiếm với 5,3km2, ba quận nội thành cũ là Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và cả Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân được lập sau năm 1996, đều không đủ tiêu chuẩn khi không rộng được một nửa tiêu chuẩn đề ra.
Thử nhìn ra thế giới chỉ một chút thôi: Có những kinh thành giữ kỷ lục về sự nhỏ về diện tích nhưng là những trung tâm tín ngưỡng, chính trị, văn hóa nhân loại, ví dụ Vatican với diện tích 1km2, hoặc các quận trung tâm của Paris có diện tích thậm chí bé hơn cả quận Hoàn Kiếm của Hà Nội. Chẳng hạn, chúng ta sẽ bất ngờ khi 4 quận I-IV của "kinh đô Ánh Sáng" có tổng diện tích chỉ 5,6km2, gần như xấp xỉ quận Hoàn Kiếm! Hơn nữa, trong 20 quận của Paris, không có quận nào lớn hơn 17km2, tức là chưa bằng 1/2 diện tích tiêu chuẩn mà Việt Nam đang đưa ra.
Những địa danh trên vang lên lần lượt tựa như một cuộc điểm danh các nơi chốn đã đi vào vốn văn hóa, chẳng hạn những bài hát ca ngợi Hà Nội và vẫn được các chương trình của Nhà nước mang ra dùng mỗi khi cần "tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội". Hà Nội ấy là gì, khi luôn bắt đầu bằng các địa danh: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây" (Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi)… ?
Cuộc tranh luận trên mạng xã hội mau chóng dẫn đến những lối diễn đạt hài hước, khi dân gian vận dụng các ca từ có địa danh các quận có diện tích theo mức có thể sáp nhập theo lối ghép từ tố: "Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy" (Nhớ về Hà Nội – Hoàng Hiệp) – hai quận Đống Đa, Cầu Giấy (để thành Đống Cầu?). Người ta cũng cho rằng nhạc sĩ Trần Hoàn đã tiên tri sự sáp nhập từ năm 1983 trong bài hát nổi tiếng Khúc hát người Hà Nội: "Từ Hoàn Kiếm về Hồ Tây Thụy Khuê đến Ba Đình, lời của Bác hòa cùng lời gió vọng vang trên quảng trường"... Ở đây có ba quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, nếu nhập thì sẽ tên gì? Ngày xưa Pháp gọi hồ Hoàn Kiếm (hay Hồ Gươm) là hồ Nhỏ (Petit Lac), hồ Tây là hồ Lớn (Grand Lac). Biết đâu có thể có một cái tên lãng mạn kiểu Nhị Hồ, gợi đến câu thơ Xuân Diệu: "Nhị Hồ để bốc niềm cô tịch, không khóc nhưng lòng buồn hiu hiu".
Đó là nói cho vui, nhưng nghĩ đến một vấn đề khác thì "lòng buồn hiu hiu" bởi một sự thật nghiêm túc. Hôm trước tôi đi cùng nhóm những người bạn về làng gốm Bát Tràng, ăn cơm ở nhà một bác chủ nhà cổ, biết chúng tôi là những người làm nghiên cứu, giảng viên và nhà báo, bác hỏi sắp sửa có đề án Bát Tràng sáp nhập Đông Dư, Giang Cao... thành Bát Tràng, vậy hai làng còn lại có bị mất tên không? Một nỗi lo chính đáng từ phía những người dân, hay hoa mỹ là các chủ thể văn hóa của các không gian văn hóa, về một thực tế ít được cân nhắc kỹ càng và thực tế đã diễn ra từ lâu ở nhiều địa phương.
Quay trở lại với các địa danh đang là tâm điểm tranh luận. Hoàn Kiếm là một địa danh liên quan sự tích gắn với Lê Thái Tổ vào thế kỷ 15 song cũng chỉ được lưu truyền khá muộn, Đống Đa trở thành địa danh gắn với chiến thắng chống quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 của Quang Trung, còn Ba Đình là một địa danh kỷ niệm cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 19. Các địa danh trên nghiễm nhiên đóng vai trò biểu tượng nhiều hơn mức một phạm vi địa lý. Quận Hoàn Kiếm quả thực diện tích nhỏ, nhưng chẳng ai dám nói là một quận tầm thường như lối so đo kích cỡ chiều cao cân nặng.
Ở ven sông Tô Lịch, trên địa phận quận Cầu Giấy từng có làng Hòa Mục, mà sau đó đã nhập với làng Trung Kính thành Trung Hòa, chỉ còn lại cái tên cầu Hòa Mục trên tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương mà ít ai để ý. Hòa Mục chính là tên chữ của Kẻ Mọc, nay cũng chỉ còn cái tên cầu Cống Mọc ở gần đó, một cây cầu quan trọng bậc nhất trên con đường thượng đạo từ Nam ra Thăng Long trước thế kỷ 19 - Quang Trung ra Bắc đánh đồn Khương Thượng - Đống Đa cũng đi qua chính cầu này. Trong khi đó làng Trung Kính còn giữ được bằng tên đường. Hai cộng đồng chỉ còn lại hai ngôi đình nhỏ bé trong ngõ để làm bằng chứng về sự tồn tại trong quá khứ của mình.
Nhiều dẫn chứng từ quá khứ có thể chứng minh rõ ràng các cái tên là di sản ký ức quan trọng về nhiều mặt, mà lịch sử cho thấy thường chỉ có tác dụng tồn tại khi được gắn với các thiết chế định danh hành chính.
Tất nhiên người ta sẽ nói sáp nhập để giảm cồng kềnh cùng nhiều bài toán thích hợp về quản trị kinh tế-xã hội, nhưng họ lại không nói gì đến vấn đề di sản địa danh, vốn là thứ công chúng quan tâm. Và trên thực tế địa danh cũng là áp đặt của các chế độ cai trị, như việc Minh Mạng cho đặt các tên tỉnh từ Bắc chí Nam theo một hệ thống trật tự cũng có tác dụng phản ánh thể chế Đại Nam lúc bấy giờ.
Một địa danh quen thuộc ở đồng bằng sông Cửu Long là Bến Tre, vốn được cho là đọc trại từ Sóc Treay của người Khmer. Sóc nghĩa là khu làng, người Việt khi định cư trên các luồng sông nước lấy Bến làm đơn vị tương đương; Treay là nhiều cá, các loại cá, theo đó Bến Tre nghĩa là vùng nhiều cá. Nhiều tên gọi đã thay đổi theo điều chỉnh cấp độ hành chính, tỉnh Bến Tre được Pháp lập năm 1900, đến thời VNCH, năm 1956 lấy tên là Kiến Hòa, còn tỉnh lỵ Bến Tre đổi sang Hán Việt là Trúc Giang, nghĩa là sông Trúc - mang nghĩa khác hẳn với nghĩa nguyên thủy. Rút cục cái tên Bến Tre vẫn được sử dụng trở lại như cách gọi quen thuộc nhất. Ngay như Hà Nội, mảnh đất của một phức hợp biểu tượng, cho đến trước khi được sáp nhập thêm tỉnh Hà Tây đúng 15 năm trước để thành một trong số "những thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới", chưa bao giờ phải viện dẫn đến yếu tố "quy mô" để xét giá trị. Hà Nội sở dĩ đáng kể vì người ta kỳ vọng ở hào quang của cốt cách, của trữ lượng văn hóa được lưu giữ trong đó theo chiều sâu.
Tất nhiên những địa danh gắn với nhiều chồng lớp di sản đã mang tính biểu tượng thì phức tạp hơn nhiều, nếu mang một cái khung áp chung cho đồng loạt, thì những thứ biểu tượng hay "độc đáo" đương nhiên chẳng bao giờ thuận khung cả. Tiêu chí cho một địa danh hành chính cần một sự tiếp cận tinh tế vượt qua rào cản hành chính và đã đến lúc, địa danh khi hiện diện trong đời sống cũng cần được coi là một loại di sản văn hóa.