Tôi bắt đầu nhập vào đội bơi hàng ngày ngoài Bãi Giữa sông Hồng từ 6 năm nay, nên tôi nhìn thấy chính xác là Thành phố đang quay lưng vào đó. Cụ thể hơn, đó chính là sông Hồng khúc chảy qua nội đô Hà Nội. Từ bao lâu nay quy hoạch thành phố đều quay lưng ra sông Hồng (nhiều bạn bè làm quy hoạch kiến trúc còn dùng hình ảnh nặng hơn: "Thành phố chổng mông vào dòng sông") bỏ qua điểm nhấn quan trọng nhất về văn hóa giải trí về cảnh quan thiên nhiên về tiềm năng du lịch và cả về khai thác kinh tế…
Bởi thế khi Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng được thành phố Hà Nội phê duyệt (2022) ngay lập tức đã được các địa phương nằm trong quy hoạch cụ thể hóa bằng những kế hoạch, đề án dưới danh nghĩa phục vụ cộng đồng trong đó có đề xuất cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa và du lịch của quận Hoàn Kiếm. Một đề xuất hay và đầy tiềm năng . Vấn đề quan trọng là thực thi thế nào?
Khu vực bãi giữa kẹp giữa hai dòng chảy của sông Hồng. Trước đây các dòng chảy này gọi là sông Cái và sông Con.
Hiện tại thì sông Con hầu như là một nơi tù đọng không dòng chảy là nơi chứa rác thải có độ ô nhiễm khủng khiếp. Đi trên cầu Long Biên nhìn cảnh tượng sông Con ở địa phận phường Phúc Tân và phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) thật thê thảm: Phủ đầy bèo và rác, lơ thơ vài con thuyền của một số hộ dân sống nơi này từ xa xưa. Ngày nắng nóng mùi xú uế bốc rất khó chịu. Chỉ khi mùa lũ nước dâng cao thì sông Con mới được giải phóng trở về thành một con sông đúng nghĩa.
Cái công viên văn hóa và du lịch theo đề xuất của quận Hoàn Kiếm theo tôi hiểu nằm bên phải cầu Long Biên theo hướng từ trung tâm Hà Nội sang Long Biên. Có lẽ sẽ được kéo thêm chút ít sang bên trái cầu thuộc địa phận phường Ngọc Thụy.
Chỗ này về địa giới không hiểu sao phường Ngọc Thụy tận bên kia sông Hồng lại được quyền quản lý. Đó là những vấn đề thuộc về lịch sử lẽ ra thành phố phải phân chia lại cấp quản lý từ lâu. Chưa hết: Cũng vấn đề quản lý, nếu ngược về thượng nguồn chút ít thì có thêm cấp quản lý là quận Tây Hồ và Ba Đình.
Một vệt bãi giữa bãi bồi kéo từ mạn Nhật Tân về đến phường Chương Dương thực chất đang thuộc quyền quản lý của 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ. Nói điều này để thấy nếu chỉ cấp quận thì mọi quy hoạch sẽ trở nên manh mún mạnh ai nấy làm. Hoàn Kiếm làm công viên còn các quận khác thì làm gì? Phải là một dự án cấp thành phố mới đủ tầm quyết định.
Nói riêng về bãi giữa thuộc địa phận phường Chương Dương, Phúc Tân quận Hoàn Kiếm hiện nằm tách bạch, cắt rời khỏi bãi bồi trên bờ bằng dòng sông Con. Nó có diện tích khá lớn khoảng 20 hecta. Dạo chiến tranh phá hoại nơi đây từng là trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Long Biên.
Phường Phúc Tân quản lý phần lớn bãi giữa này. Đường duy nhất ra được bãi giữa được dẫn bằng cầu thang nhỏ dắt được xe máy, xe đạp xuống từ cầu Long Biên. Tất nhiên mùa cạn sông Con không có dòng chảy và bị quây lấn từ mạn An Dương có thể đi vào bằng phương tiện cơ giới lớn hơn.
Bãi giữa được một số hộ dân chủ yếu là người Ngọc Thụy canh tác hoa mầu theo thời vụ một cách tự phát và manh mún. Đây là lịch sử để lại, xưa bãi giữa là vùng đất nông nghiệp của dân Ngọc Thụy, thế nên mới có chuyện họ quản lý phần tiếp giáp bãi giữa của quận Hoàn Kiếm. Khúc sông bãi giữa này chủ yếu sôi động là vì nó là bãi bơi bốn mùa của một số công dân Hà Nội trong đó có tôi.
Nói về bơi thì nhiều chuyện lắm. Bãi bơi tự phát cho những người ham mê thể thao bơi sông, nhưng tôi nghĩ nhu cầu quan trọng nhất là vấn đề cải thiện sức khỏe. Tôi gặp ở bãi bơi rất nhiều thành phần người Hà Nội. Thôi thì đủ từ giới văn nghệ sĩ đến các tầng lớp công chức, người lao động, dân tiểu thương…
Sông Hồng giầu năng lượng nên bơi sông rất tốt. Tôi từ khi nghỉ hưu mới lọ mọ mò ra sông và chỉ trong mấy năm sức khỏe được cải thiện một cách thần tốc. Ở bãi bơi sông có những người bị ung thư, bị liệt, bị những bệnh nặng mãn tính do kiên trì tập luyện và bơi đã khỏi bệnh. Có những người thâm niên bơi đến vài chục năm và cá biệt có một lớp các cụ già người cao tuổi nhất là 96 hiện vẫn đang khỏe mạnh và bơi đều đặn hàng ngày bất chấp thời tiết.
Bãi bơi hàng ngày đón cả khách du lịch nước ngoài ra thăm thú và tham gia bơi một cách đầy hứng thú. Cách đây vài năm một đoàn truyền hình của Pháp đã ra quay tại bãi giữa và phát sóng trên kênh truyền hình của họ.
Trở lại với câu hỏi sẽ thực thi thế nào với dự án xây dựng công viên văn hóa du lịch của quận Hoàn Kiếm ở bãi giữa, bãi bồi sông Hồng.
Năm ngoái khi đồ án Quy hoạch và phân khu sông Hồng vừa được phê duyệt, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cưỡng chế, phá dỡ một số lều lán ở bãi giữa. Một việc làm tôi cho là vội vã và thiếu tầm chiến lược.
Với những xây dựng trái phép và lấn chiếm đất đai chính quyền phải thống nhất quản lý và làm thường xuyên chứ không phải khi chủ trương mới hình thành đã ra tay một cách quyết liệt bất chấp thực tế. Mọi công dân phải tuân thủ pháp luật và việc trả lại mặt bằng khi xây dựng công viên là điều không phải bàn cãi,chẳng hề có bất cứ khó khăn nào.
Công viên văn hóa và du lịch bãi giữa với điểm nhấn cây cầu Long Biên nổi tiếng thế giới và một vùng đất có những yếu tố tâm linh cùng lịch sử sẽ là một công trình đẹp và cần thiết cho người dân Thủ đô tận hưởng.
Bởi vậy thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm phải có những bước đi chắc chắn. Bắt đầu từ quy hoạch, thiết kế xây dựng hạ tầng đặc biệt là đường dẫn thông sang bãi giữa bằng cầu hoặc đường hầm. Sẽ rất tốn kém trong khi công viên không phải là nơi mọc lên những công trình dân dụng để sinh lời. Kiên quyết không để xảy chuyện phân lô chia chác đất đai của một số quyền lực có thể. Công viên dù ở hình thức xây dựng thế nào chỉ có thể là nơi giải trí thư giãn của người dân.
Đó có thể là khu ẩm thực ven sông, là bể bơi nhân tạo, khu bơi thiên nhiên, nơi tập luyện thể thao, cây xanh, những khu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi. Không bao giờ là những công trình kiên cố, nhà ở. Để việc này thành hiện thực dự án công viên phải công khai minh bạch lấy ý kiến người dân và có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Tôi, như nhiều người dân Hà Nội ủng hộ việc xây dựng công viên nhưng cũng rất lo lắng cho dự án. Với cách làm như hiện nay liệu dự án công viên có bị treo khi đã giải phóng mặt bằng đắp chiếu để đấy nếu như rơi vào tay những nhà thầu thiếu năng lực hoặc sự quản lý yếu kém của người có trách nhiệm? Xin đừng hiểu lầm bởi những lời này không thừa, đã hai đời chủ tịch thành phố và không ít cán bộ cấp Sở bị sa vào vòng lao lý vì thiếu trách nhiệm và tham nhũng.
Khi thành phố không quay lưng ra sông, nơi nói một cách vui vẻ "bị thành phố chổng mông" là sông Hồng với khúc bãi giữa trời phú này sẽ trở thành một công viên văn hóa du lịch một khu sinh thái thiên nhiên tuyệt đẹp và hữu ích cho người Hà Nội. Hy vọng hiện thực này ở một tương lai gần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.