Dân Việt

Chính phủ giải trình về "chiết khấu giá sách giáo khoa hiện nay quá cao"

Tào Nga 05/08/2023 13:23 GMT+7
Mức chiết khấu phát hành cho sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 kê khai từ năm 2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao nhất 23% cho SGK lớp 1.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông.

Trước đó, Đoàn giám sát đã đề nghị "Đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của mức chiết khấu trong chi phí phát hành SGK lên giá SGK hiện nay". Đoàn giám sát cho rằng, mức chiết khấu đối với SGK, sách tham khảo hiện nay là quá cao.

Chính phủ cho biết: Theo quy định của Luật Giá 2012 và Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật, giá quy định Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK và rà soát nội văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nuớc về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Các Nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm truớc pháp luật về tính đúng đắn, phù họp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.

Theo văn bản kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành cho SGK theo CTGDPT 2018 kê khai từ năm 2020 của NXBGDVN cụ thể như sau: 23% cho SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 21% cho SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá SGK.

Chính phủ giải trình về "chiết khấu giá sách giáo khoa hiện nay quá cao, lên tới 23%" - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội trong buổi ra mắt sách giáo khoa mới. Ảnh: Tào Nga

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá SGK. Đây là giải pháp quản lý giá SGK, giảm mức chiết khấu phát hành SGK.

Nhà nước cũng đã ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh tại các vùng khó khăn, trong đó học sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo hoàn toàn được dùng tiền hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo có đủ SGK cho học sinh. 

Cụ thể, nâng mức hỗ trợ chi phí học tập từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng (tương đương 1,350 triệu đồng/năm).

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án mua SGK trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.

Bên cạnh đó, đối với đề nghị "Đánh giá về việc triển khai thực hiện chủ trương: Một chương trình, nhiều SGK; có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không, Chính phủ cho rằng: Sau 4 năm thực hiện, cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Việc Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây sự tốn kém cho xã hội.

Đối với mỗi môn học, giáo viên và các học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong CTGDPT 2018, các SGK có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau, để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở GDPT chưa đáp ứng được điều kiện này.

Việc trao quyền lựa chọn SGK cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GDĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về lựa chọn SGK theo hướng tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn SGK của nhà trường.