Cô giáo 19 năm dạy Văn ở Hà Nội đi làm cỏ, bóc tỏi kiếm thêm tiền: Tủi thân vì bị từ chối thăng hạng

Tào Nga Thứ sáu, ngày 04/08/2023 18:01 PM (GMT+7)
Lương 19 năm đi dạy được 8,7 triệu đồng/tháng, cô Hường phải đi làm thêm đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Dù nhiều cống hiến nhưng cô Hường vẫn không đủ điều kiện để thăng hạng giáo viên đợt này.
Bình luận 0

Cô giáo tủi thân không đủ điều kiện thăng hạng giáo viên

Trong mấy ngày qua, đông đảo giáo viên Hà Nội liên tiếp bày tỏ nguyện vọng được thay đổi Thông tư 08 về quy định thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Đặc biệt là những giáo viên có nhiều năm cống hiến, giáo viên vùng sâu, vùng xa và những giáo viên hoàn cảnh khó khăn... có bằng đại học nhưng chưa đủ 9 năm theo quy định mới.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đào Thị Hường, sinh năm 1979, giáo viên môn Văn của một trường THCS ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội tâm sự: "Tôi tốt nghiệp năm 2002 Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, hệ Cao đẳng và nhận bằng năm 2023. Nhiều năm tôi là lao động tiên tiến, phụ trách ôn luyện thi học sinh giỏi và có học sinh giỏi cấp huyện.

Tôi hiện cũng cao tuổi với 19 năm công tác. Tôi chỉ thấy bất công và vô cùng tủi thân là những học trò của mình mới ra trường còn cao lương hơn cả mình. Cùng là thân phận giáo viên, cùng đi dạy 19 tiết, cùng áp lực như nhau nhưng mà lương các cháu, các em lại cao hơn mình", cô Hường nói.

Cô giáo 19 năm dạy Văn ở Hà Nội đi làm cỏ, bóc tỏi kiếm thêm tiền: Tủi thân vì bị từ chối tăng lương - Ảnh 1.

Cô Đào Thị Hường mong muốn giáo viên có nhiều năm cống hiến được ghi nhận công sức. Ảnh: NVCC

Cô chia sẻ, không phải giáo viên nào cũng có cuộc sống trơn tru như bình thường. Như trường hợp của cô, lý do cô không thể đi học lên đại học ngay được vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vất vả. Chồng cô công tác ở vùng biên giới xa nhà. Mình cô Hường xoay xở với 2 con sinh năm 2003 và 2008 bị bệnh tan máu bẩm sinh. Tuần nào cô cũng phải 2 lần đưa con xuống Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để điều trị. Sáng chở con đi học, mẹ đi dạy, trưa tranh thủ đưa con xuống viện tiêm. Chiều cô quay về trường cách 20km để dạy rồi quay lại viện đón con. Tối cô lại lo cơm nước, soạn bài.

Để nuôi 2 con và chữa bệnh cho con, cô Hường làm tất cả mọi việc để cóp nhặt từng đồng. Từ việc đi làm cỏ, bóc tỏi... cứ việc gì có tiền là cô làm, dù mỗi ngày làm công như thế cô chỉ thêm được 120.000-150.000 đồng. Những ngày đi học đại học, cô phải thuê người đưa con đi viện.

"Con sử dụng thuốc biệt dược nên cứ lĩnh lương được 8,7 triệu đồng cũng chỉ đủ tiền cho tôi mua cho con 3 lọ thuốc. Hiện tại viện chưa có thuốc nên tôi phải nhờ mua từ nước ngoài về. Thời gian, kinh tế thực sự khó khăn, eo hẹp. Đợt vừa rồi, ngân hàng có hỗ cho giáo viên khó khăn vay nhưng tôi không đủ điều kiện vì đã vay hơn 200 triệu đồng rồi", cô Hường ngậm ngùi.

Hiện tại cô Hường đang ở bậc III THCS theo quy định mới và mong muốn được lên hạng II THCS. "Tôi đã nộp đơn rất nhiều lần nhưng không thể đi học sớm được. Sau nhiều lần đó, tôi cũng đã thu xếp đi học và có bằng đại học. Tuy nhiên, quy định mới 9 năm tôi lại phải chờ thêm 9 năm nữa. Tôi chỉ mong đạt được mức lương xứng đáng với cống hiến của mình thôi mà sao thực sự khó quá", cô Hường thổ lộ.

Mặc dù bản thân vất vả nhưng cô Hường cho biết còn nhiều giáo viên còn khó khăn hơn mình. "Mọi gian khổ chúng tôi đã vượt qua, chỉ mong các Bộ, Sở xem xét để ghi nhận công sức cho giáo viên", cô Hường nói.

Cô giáo đi bán hàng online mới đủ sống: Òa khóc khi biết tin không được thăng hạng

Cô Ngô Thị Hường, sinh năm 1987, vào biên chế từ năm 2010 và là giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của Trường THCS Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. 

Cô Hường kể, cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, là giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất nên ngoài tiền lương, cô không có thêm khoản thu nhập nào khác. Để có thêm chi phí sinh hoạt, cô Hường phải tranh thủ đi bán hàng online nên cuộc sống khá vất vả. 

Cô giáo 19 năm dạy Văn ở Hà Nội đi làm cỏ, bóc tỏi kiếm thêm tiền: Tủi thân vì bị từ chối tăng lương - Ảnh 2.

Cô Hường luôn nhiệt huyết với nghề song cũng phải bật khóc vì bị từ chối thăng hạng. Ảnh: NVCC

"Nhiều năm liền không có lớp để học lên đại học. Năm 2019, tôi mới tìm được lớp cách nhà 50km, đi đi về về khá vất vả. Năm 2021, tôi nhận được bằng cử nhân của trường đại học chuyên ngành.

Cách đây 6 tháng, tôi hồ hởi lắm, làm thủ tục đầy đủ, chạy ngược chạy xuôi công chứng. Sau đó, kế toán trường mang nộp phòng tài vụ. Hồ sơ vẫn nằm ở đó. Tôi vui mừng lắm vì dù là thi hay xét thì tôi cũng có cơ hội.

Thế nhưng 6 tháng sau khi Thông tư 08 ra đời, cả trường thi nhau nộp. Tôi cũng làm một bộ mới để nộp. Tay cầm bộ hồ sơ chờ hiệu trưởng duyệt và mong ngóng hy vọng sẽ được nộp. Biết là không được nhưng tôi vẫn làm, vẫn mong, vẫn chờ quyết định thay đổi. Và rồi tôi thất vọng, buồn, tối về ôm gối khóc. Cảm xúc cứ tuôn trào đến nghẹn ngào".

Cũng như cả nghìn giáo viên Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước, cô Hường mong Bộ GDĐT xem xét lại điều kiện thăng hạng giáo viên để những thầy cô giáo có nhiều năm gắn bó được ghi nhận công sức và cũng có thêm nguồn thu nhập để yên tâm tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà.

Cần thống nhất, khoa học, có tính ổn định, phù hợp

Liên quan đến vấn đề nóng thăng hạng giáo viên, TS. LS. Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay: "Việc phân loại, đánh giá chất lượng giáo viên để sử dụng phù hợp, là cơ chế để giáo viên phấn đấu hoàn thiện bản thân, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đồng thời cũng là tiêu chí để có những ưu đãi phù hợp với những người có năng lực, có đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá.

Tuy nhiên, phân loại đánh giá, xếp loại, thăng hạng giáo viên cần phải được quy định đồng bộ, thống nhất, khoa học, có tính ổn định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, là động lực để các thầy cô giáo phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội. Bên cạnh đó, phân loại giáo viên cũng sẽ là cơ sở để nhà nước có những đãi ngộ tương xứng, sử dụng phù hợp đối với từng vị trí công tác.

Ở Việt Nam, không phải mọi giáo viên đều phải tham gia thi thăng hạng. Quy định về tiêu chí phân loại, phân hạng giáo viên có thể được thay đổi qua từng thời gian cho phù hợp. Cần phải nghiên cứu kỹ để ban hành văn bản khoa học, có tính khả thi và đặc biệt là cơ sở pháp lý để đánh giá chất lượng giáo viên, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tốt hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn và là cơ sở để có sự đãi ngộ phù hợp.

Nếu những quy định pháp luật mới mà không khoa học, không hợp lý, không đảm bảo tính khả thi thì những quy định đó cũng sẽ khó có thể được áp dụng trên thực tế và cần sớm phải thay đổi, phải sửa đổi cho phù hợp. Các giáo viên, cơ sở giáo dục mà thấy những quy định pháp luật liên quan đến nghề mình, ngành mình không phù hợp thì cũng có quyền có văn bản kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem