Giáo viên, chuyên gia phản hồi vụ thăng hạng giáo viên: "Bộ GDĐT đừng tự trói chân mình"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 05/08/2023 10:02 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, giáo viên đã nỗ lực có bằng đại học trong thời gian ngắn là điều đáng khích lệ và là căn cứ để ghi nhận đóng góp, Bộ GDĐT cần bảo vệ quyền lợi cho họ, đừng làm khó để tự trói chân mình.
Bình luận 0

Giáo viên vui mừng trước phản hồi tích cực của Bộ GDĐT về thăng hạng giáo viên

Mấy ngày qua, đã có 2.500 giáo viên Hà Nội cùng lên tiếng bày tỏ nguyện vọng được bỏ thi thăng hạng và bỏ quy định 9 năm có bằng đại học. Tối 4/8, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT đã chính thức phản hồi giải đáp một số vấn đề liên quan đến việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên gây xôn xao dư luận.

Theo đó, ngày 14/4, Bộ đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023). Có 4 nội dung Bộ GDĐT đã đưa ra là hình thức thi thăng hạng CDNN; Nộp chứng chỉ bồi dưỡng; Yêu cầu 9 năm có trình độ đại học và thời gian giữ CDNN giữ hạng cũ và hạng mới. 

Ngay sau khi có phản hồi của Bộ GDĐT, các giáo viên bày tỏ vui mừng vì tâm tư của mình đã được Bộ quan tâm dù đọc xong văn bản vẫn còn chút lo lắng.

Giáo viên, chuyên gia phản hồi vụ thăng hạng giáo viên: "Bộ GDĐT đừng tự trói chân mình" - Ảnh 1.

Giáo viên Hà Nội tham gia trông thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, là người đại diện cho 2.500 giáo viên các trường THPT, THCS... đang làm hồ sơ dự thăng hạng trên địa bàn thành phố, bày tỏ: "Tâm tư chúng tôi phản ánh những ngày qua chỉ mong muốn Bộ Nội vụ nhất trí phương án bỏ thi để bỏ thủ tục rườm rà, mất thời gian, công sức, tiền bạc, mang nặng tính hình thức và để giảm thiểu thủ tục hành chính giúp giáo viên có điều kiện tập trung vào nâng cao chuyên môn và chất lượng cuộc sống".

Thầy Đường cho hay: "Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ đang có những ý kiến rất hợp với tâm tư nguyện vọng của dân mặc dù trong Thông tư có nói là tùy vào vận dụng của địa phương. Có thể thấy, chỉ riêng một góc ở Hà Nội thôi đã có hàng nghìn giáo viên có tâm tư, nguyện vọng muốn sửa đổi. Nếu chủ trương hợp lòng dân, hợp xu thế thì các Bộ cũng nên cân nhắc để giáo viên vững tin tiếp tục cống hiến".

Cô Ngô Thị Hường, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của Trường THCS Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay: "Tôi đọc phản hồi của Bộ GDĐT vẫn thấy nội dung chưa rõ. Về hình thức thi thăng hạng CDNN, Bộ GDĐT cho biết "nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GDĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này".

Tuy nhiên, phần sau, Bộ cho biết "đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng CDNN trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật". 

Mặc dù nội dung chưa có quyết định chính thức, vẫn còn "nước đôi" nhưng qua phản hồi này, Bộ GDĐT đã thấy một số bất cập chưa phù hợp. Bộ đã có xem xét, cân nhắc, tôi cũng thấy được đây là bước mở, giải quyết vấn đề cho giáo viên thuận lợi nhất, đạt được nguyện vọng nhất định nào đó. Những tâm tư, nguyện vọng của giáo viên cũng có sự lay chuyển, dù nhiều hay ít cũng là cơ hội cho bản thân tôi cũng như anh chị em đồng nghiệp cả nước".

Thăng hạng giáo viên: "Bộ GDĐT đừng tự trói chân mình"

Theo ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm: "Trước đây giáo viên các cấp có yêu cầu về bằng cấp riêng từ trung cấp, cao đẳng đến đại học nhưng sau này được khuyến khích có bằng đại học. Đây là điều cần thiết vì giáo viên đã chấp nhận ngành nghề này thì nên học tập cao hơn để dạy học cho tốt. 

Tương tự, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng vậy. Giáo viên muốn được thăng hạng thì cần phải qua thời gian trong nghề, có kinh nghiệm và cống hiến với nghề.

Tuy nhiên, qua phản ánh của giáo viên thời gian qua, Bộ GDĐT cũng nên xem lại quy định có hợp lý không. Trước đây không có bây giờ tại sao lại có? Những giáo viên lâu năm trong nghề nhưng khi có Thông tư họ mới hoàn chỉnh hồ sơ thì làm sao đủ điều kiện để thăng hạng. Chờ đến khi được thăng hạng họ nghỉ hưu mất rồi. 

Bộ nên có quy định cụ thể kèm theo điều kiện trong nghề bao nhiêu năm. Giáo viên mới vào nghề thì quy định như vậy là hợp lý. Nhiều giáo viên lớn tuổi có 15-20 năm trong nghề vững vàng thì phải có chính sách phù hợp. Họ được sát hạch qua thời gian rồi thì cần được ghi nhận, không bị mất quyền lợi".

Về vấn đề thi thăng hạng, theo vị này "Không nên thi tuyển mà chỉ là thi sát hạch. Chỉ cần đủ điểm là giáo viên được công nhận thăng hạng. Đồng thời có quy định giáo viên có tuổi thì cần được cộng điểm. Người trẻ rõ ràng sẽ học tốt hơn nên người lớn tuổi cần phải có điểm ưu tiên".

Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho hay: "Lương ngành giáo dục hiện nay không đủ sống. Nhất là giáo viên ở Hà Nội mà lương thấp như vậy đời sống rất khó khăn. Chính vì vậy, nếu có điều kiện cho giáo viên có thu nhập tốt hơn thì nên làm. 

Bộ GDĐT cũng nhiều lần muốn nâng lương cho giáo viên tốt hơn và có chính sách quan tâm đến giáo viên. Thế nên theo tôi, giờ họ đã cố gắng có bằng đại học thì Bộ hãy tạo điều kiện, đừng "cứng" quá mà kéo dài thời gian. Việc thăng hạng có 2 mục đích là để tạo động lực cho giáo viên cố gắng học, phấn đấu. Thứ hai là họ có tiền lương khá hơn cho đời sống tốt hơn. Trình độ vừa nâng lên, đời sống cao hơn thì giáo viên sẽ quay lại giảng dạy hay hơn, phục vụ nhiều hơn cho ngành. Đừng buộc lấy mình, làm khó làm khổ giáo viên thì rõ ràng đang làm khó cho mình".

Ông Nhĩ cũng cho rằng, giáo viên đạt được bằng đại học cộng với chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu giáo nâng cao trình độ cao hơn... là căn cứ để xác định tiêu chuẩn. 

"Cả một thời gian không ai chịu học mới nói. Đằng này trong thời gian ngắn giáo viên đã cố gắng học tập thì đó là thước đo phải ghi nhận. Việc thăng hạng phụ thuộc vào Bộ Nội vụ nhưng Bộ GDĐT cần phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên. Bộ GDĐT ban hành Thông tư thì đừng tự mình trói chân mình. Thời gian chỉ là tham khảo, phấn đấu học tập mới là tiêu chí chính", ông Nhĩ nói.

Về việc thi thăng hạng, theo ông Nhĩ, giáo viên có bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cộng với quá trình công tác có nhiều kinh nghiệm rồi thì thi tiếp để làm gì? Hãy đánh giá chất lượng trong quá trình công tác của giáo viên và được cơ sở ghi nhận. Thi thăng hạng không quản lý được chất lượng lại gây tốn kém". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem