Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Nam Định thông tin, đến ngày 3/8, toàn tỉnh Nam Định đã phun trừ rầy lứa 4 để phòng chống bệnh lùn sọc đen cho 6.555ha lúa (đạt 50% diện tích cần trừ); tuy nhiên thời tiết từ ngày 31/7 - 3/8 liên tục có mưa nên tiến độ phun trừ còn chậm và hiệu quả phòng trừ chưa cao.
Hiện nay, rầy lưng trắng lứa 4 đang nở rộ trong điều kiện thời tiết rất thuận lợi, mật độ rầy nơi cao 400 - 500 con/m2, cục bộ >1.000 con/m2 tập trung ở các huyện phía Nam tỉnh; mật độ rầy cao hơn so với cùng kỳ năm trước nên có nguy cơ rất cao bùng phát bệnh lùn sọc đen trong vụ Mùa 2023.
Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 có mật độ phổ biến 3 - 7 con/m2, cao 15 - 20 con/m2, cục bộ 40 - 50 con/m2, nguồn sâu cao gấp 4 - 5 lần cùng kỳ năm trước; mật độ sâu cao phân bố cục bộ trên diện lúa tốt sớm.
Ngoài ra, trưởng thành sâu đục thân 2 chấm xuất hiện rải rác, cao 0,2 - 0,3 con/m2, mật độ ổ trứng nơi cao 0,2 - 0,3 ổ/m2, cá biệt 1 - 2 ổ/m2, phân bố tập trung ở vùng có lúa chét, ruộng bỏ hoang; nơi có nguồn cao như: xã Trung Đông, Trực Tuấn, Liêm Hải (huyện Trực Ninh); mật độ cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.
Để chủ động hạn chế thấp nhất nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen và các đối tượng sâu bệnh hại lúa trong vụ Mùa 2023, ông Trần Ngọc Chính - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định đề nghị các địa phương, đơn vị có liên quan tuyên truyền, đôn đốc các hộ nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, lách thời tiết để kịp thời phun thuốc phòng trừ dịch hại.
Khẩn trương phun thuốc trừ rầy lứa 4 kết hợp với sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 tập trung đến hết ngày 7/8. Theo dõi và phun trừ sâu đục thân 2 chấm cho những diện tích có mật độ ổ trứng ≥ 0,3 ổ/m2…