Đây là hoạt động thuộc Dự án Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU-JULE) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, tiếp nối 2 khóa tập huấn về kỹ năng tranh tụng cơ bản dành cho sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã được tổ chức vào tháng 3/2023.
Tập huấn lần này trang bị kiến thức và kỹ năng tranh tụng chuyên sâu đã được các chuyên gia nghiên cứu và biên soạn thành tài liệu, từ đó trang bị và nâng cao kỹ năng tranh tụng.
Dự Tập huấn, ngày đầu về phía Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có TS. Hoàng Anh Tuyên – Phó Hiệu trưởng; TS. Bùi Thị Hạnh – Trưởng khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự, TS. Nguyễn Thị Lộc – Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế cùng cán bộ, giảng viên.
Phía UNDP có bà Diana Torres - Quyền Phó Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia UNDP Việt Nam; bà Đỗ Thùy Vân, Cán bộ UNDP tại Việt Nam.
Tập huấn có sự tham dự của cán bộ, Kiểm sát viên VKSND và Viện kiểm sát quân sự Trung ương và học viên cao học khóa 4 về hình sự và tố tụng hình sự của trường.
Khai mạc khóa Tập huấn, TS. Hoàng Anh Tuyên nhấn mạnh: "Tranh tụng là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, đảm bảo tính công bằng, dân chủ giữa người tham gia tố tụng với viện kiểm sát, là căn cứ để xác định sự thật vụ án và là cơ sở để Hội đồng xét xử ra bản án đúng đắn, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc nghiên cứu, học tập và tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng về tranh tụng là rất cần thiết. Với sự hỗ trợ của Dự án EU-JULE, trường đã phối hợp với Chương trình UNDP tại Việt Nam biên soạn 2 bộ tài liệu tập huấn về kỹ năng tranh tụng cơ bản và nâng cao, đã tập huấn cho đối tượng sinh viên của Trường.
Tập huấn lần này ngoài nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu về tranh tụng còn là cơ hội để Nhà trường đánh giá chất lượng tài liệu đã được xây dựng.
Bà Diana Torres, Quyền Phó Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia UNDP Việt Nam chia sẻ: "Một trong những kết quả cốt lõi của Chương trình EU JULE là cải thiện tính minh bạch và liêm chính trong lĩnh vực tư pháp, bao gồm việc nâng cao năng lực, kỹ năng áp dụng đúng pháp luật của cán bộ tư pháp. Đó là lý do UNDP và EU đang hỗ trợ cải thiện thủ tục tranh tụng tại Việt Nam.
Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1968, có hiệu lực từ năm 1976. Công ước cam kết các bên tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của các cá nhân, bao gồm cả quyền được xét xử công bằng. Việt Nam đã tham gia Công ước năm 1982 và từ đó đến nay, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã có nhiều quy định để bảo đảm quyền được xét xử công bằng, bảo đảm tranh tụng trong xét xử.
Thực tế, trong 2 ngày tập huấn diễn ra tập trung, sôi nổi, nhiều vấn đề được đưa ra phân tích, truyền tải như lý luận chung về tranh tụng trong tố tụng hình sự và việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng thuộc nhóm yếu thế; Nâng cao kỹ năng thu thập chứng cứ của Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự; Kỹ năng xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự có sự tham gia của nhóm yếu thế; Kỹ năng tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm hình sự...
Một số hình ảnh tập huấn:
Trước đó, trường có tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng công bố nghiên cứu khoa học.
Mục đích của hội thảo là nhằm nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Kiếm sát Hà Nội.
Đặc biệt là định hướng phát triển tạp chí đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng trong tình hình mới.
Bên cạnh đó là lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về vấn đề thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.
Cụ thể, trong ngày 7/8, GS. TS. Võ Khánh Vinh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, chuyên gia nổi tiếng về Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và Tội phạm học chia sẻ kỹ lưỡng về kinh nghiệm phát triển Tạp chí Khoa học Kiểm sát của Nhà trường đặc biệt là khi Tạp chí Khoa học Kiểm sát được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt nâng điểm từ 0,5 lên 0,75 điểm; các giải pháp nâng cao chất lượng các bài viết khoa học, tìm hiểu cách thức, thủ tục, kinh nghiệm liên quan đến việc công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
Nhiều vấn đề, câu hỏi được đặt ra và được diễn giả trả lời thấu đáo.
Được biết, đây cũng là một trong số những hoạt động thiết thực kỷ niệm 10 năm hoạt động của Tạp chí Khoa học Kiểm sát, 10 năm thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2013 - 2023).