Dẫn phóng viên đi tham quan cánh đồng lúa xanh mướt ở thôn An Cúc, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc (huyện Ninh Giang, Hải Dương) chia sẻ những năm trước đây, nhiều hộ dân trong xã, đặc biệt ở thôn Cúc Thị bỏ hoang ruộng do thu nhập từ cây lúa rất thấp.
Trước thực trạng này, với sự vận động của chính quyền cùng nhiều đoàn thể địa phương, một số nông dân đã mạnh dạn gom ruộng hoang để sản xuất lúa hàng hóa tập trung.
Gia đình ông Bùi Văn Đợt ở thôn Cúc Bồ là một trong những hộ đi đầu trong tích tụ ruộng đất tại xã. Từ 3 sào của gia đình, đến nay ông Đợt đang gieo cấy 12,8 ha lúa B6, Q5, nếp cái hoa vàng… cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Đợt cho biết: “Sản xuất manh mún không cho hiệu quả kinh tế so với đi làm công ty là nguyên nhân sâu xa khiến người dân chán ruộng. Vì vậy tôi đã xin thuê lại ruộng, đầu tư máy móc, quyết tâm làm giàu từ cây lúa".
Còn gia đình ông Nguyễn Trọng Thơm ở thôn An Cúc lại chọn cho mình hướng sản xuất gắn con cá với cây lúa.
Năm 2015, sau khi thuê được ruộng, gia đình ông Thơm đầu tư cả bạc tỷ kéo đường điện, làm đường đến diện tích 15 mẫu để trồng lúa, nuôi cá tại ao nổi. Cơ sở sản xuất được đầu tư bài bản, xanh sạch khiến nhiều người không thể hình dung toàn bộ diện tích này trước đây là ruộng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
“Diện tích ruộng bỏ hoang hầu hết là vùng trũng, rất khó canh tác, nếu chỉ cấy lúa thì thu nhập rất bấp bênh. Nuôi cá kết hợp cấy lúa giúp cải tạo đất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa truyền thống. Ưu điểm khi triển khai mô hình này là tận dụng được thức ăn sẵn có trong tự nhiên để nuôi cá, tiết kiệm được chi phí thức ăn... Năng suất lúa đạt cao, cá sạch. Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và các thành viên phải nắm vững kỹ thuật, nhất là điều tiết nước hợp lý", ông Thơm cho hay.
Trước thực trạng ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều, ngoài hộ ông Đợt, ông Thơm, xã Kiến Quốc còn có 10 hộ dân khác nhận ruộng bỏ hoang để sản xuất với những cách làm hiệu quả. Toàn xã Kiến Quốc hiện có 354,7 ha đất nông nghiệp, chỉ tính riêng 12 hộ dân có “đại điền” được tích tụ từ ruộng hoang đã có tổng diện tích hơn 100 ha, chiếm 28,2%.
Thực tế ở xã vẫn còn vài mẫu ruộng bị bỏ hoang vì khó khăn trong canh tác nằm rải rác ở các thôn. Nhìn chung, việc nhận ruộng bỏ hoang của các hộ dân tích tụ đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
Theo ông Nguyễn Trọng Sản, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Kiến Quốc, nhờ chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực vận động, hỗ trợ, một số hộ đã tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, xóa tình trạng ruộng bỏ hoang nhiều năm tại địa phương.
Xã cũng tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền cho phép để giúp những hộ có nguyện vọng mượn đất, thuê đất sản xuất. Vì vậy mà từ địa phương có diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang lớn của huyện Ninh Giang, hiện xã Kiến Quốc có diện tích tích tụ ruộng đất đứng tốp đầu của huyện
Bà Hà Thị Lan Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ninh Giang đánh giá, biện pháp xóa ruộng hoang ở xã Kiến Quốc với những mô hình sản xuất tập trung mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trước đây, giúp người dân gắn bó hơn với đồng ruộng. Các mô hình hiệu quả ở xã Kiến Quốc cần được nhân rộng ra toàn huyện.