Dân Việt

Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam: Hội ND tỉnh Quảng Ninh cần coi trọng củng cố cơ sở Hội

Bùi My 08/08/2023 15:37 GMT+7
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đề nghị các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh cần phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh dám thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra ngày 8/8, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân Quảng Ninh đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh

Theo ông Phạm Tiến Nam, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; tích cực tham gia phong trào "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". 

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, giới thiệu, kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tạo nguồn lực đồng hành, hỗ trợ để giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thông qua việc tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào, đã xuất hiện nhiều nhiều hội viên nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh; nhiều cách làm mới, nhất là mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhân rộng.

Nổi bật đó là vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh đạt trên 71,8 tỷ đồng, tăng hơn hai lần so với đầu nhiệm kỳ; dư nợ nguồn vốn tín dụng ủy thác từ các ngân hàng qua tổ chức Hội Nông dân đạt trên 2,2 nghìn tỷ đồng; trên 242.000 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; thành lập mới 48 chi hội nông dân nghề nghiệp, 61 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 99 hợp tác xã, 109 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả…

"Những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ qua đã khẳng định hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả; đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh" - ông Phạm Tiến Nam nhận xét.

Ông Phạm Tiến Nam cũng tuyên dương Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã dám thẳng thắn, nghiêm túc kiểm điểm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Đó là công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ở một số cơ sở hội chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Chất lượng hoạt động Hội ở một số địa phương còn hạn chế, chưa sâu sát cơ sở; nội dung sinh hoạt thiếu hấp dẫn.

Việc nắm tình hình tư tưởng, những khó khăn, bức xúc của hội viên nông dân có lúc, có nơi chưa chủ động; chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời.

Hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, hiệu quả hoạt động của một số câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã còn thấp, chưa gắn kết tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho các thành viên. Việc liên kết giữa các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Công tác sơ, tổng kết, nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu chưa thường xuyên, kịp thời.

Công tác phản biện xã hội về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở một số đơn vị, nhất là cơ sở còn hạn chế. Tổ chức hoạt động của Uỷ ban kiểm tra Hội Nông dân cấp huyện, xã có nơi còn lúng túng.

Một số chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX đề ra còn chung chung, khó định lượng, chưa sát với bối cảnh, tình hình công tác Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh. Còn 1 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX đề ra chưa đạt.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần xem xét 6 vấn đề

Do đó, để đạt được các mục tiêu Đại hội đã đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam đã nhấn mạnh và gợi mở 6 vấn đề để Đại hội xem xét, thảo luận, quyết định.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam (giữa), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh Đỗ Ngọc Nam (phải) tham quan gian hàng trưng bày trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Theo đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh.

Mỗi cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó động viên mọi nguồn lực của giai cấp nông dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh tiếp tục có bước phát triển hơn nữa.

Các cấp Hội Nông dân cần phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân. Tăng cường và tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hóa cũng như những thách thức của sự biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và đời sống nông dân; giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu và xóa nghèo bền vững, có năng lực hiểu biết về thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thời kỳ số hóa mạnh mẽ.

"Chỉ có như vậy, nông dân mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. Chỉ có như vậy, nông dân mới có đủ bản lĩnh chính trị và trình độ để làm chủ nông thôn mới; không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng chính trị, văn hóa, xã hội, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc" – ông Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam (giữa) đang nghe ông Trương Mạnh Hùng - Bí thư Vân Đồn (trái) giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm OCOP của Vân Đồn. Ảnh: Bùi My

Ông Phạm Tiến Nam cũng lưu ý, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, để mở mang nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, biết tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường.

Với trách nhiệm là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức Hội nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới chú trọng xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; đủ sức tham mưu, đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - Ảnh 5.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu, quảng bá các nông sản điển hình của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Mỗi cán bộ Hội Nông dân trong tỉnh cần phát huy cao độ truyền thống và những thành tích đã đạt được, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, công tác dân vận, nắm vững nghị quyết, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của địa phương một cách có hệ thống, làm cơ sở để cụ thể hóa những chủ trương, chính sách đó vào thực tiễn, góp phần thiết thực cùng cấp uỷ, chính quyền và nông dân trong tỉnh tìm ra con đường ngắn nhất để nâng cao đời sống của nông dân, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống.

Muốn vậy, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - Ảnh 6.

Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh như nước mắm sá sùng, ruốc hàu, trà hoa vàng, mực Cô Tô... thu hút sự chú ý của đại biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My

Ngoài ra, các cấp Hội cần bám sát thực tiễn cuộc sống, dựa vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, và những chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, để tìm ra những cách làm phù hợp, có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động; chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đồng thời, tích cực tham gia và nâng cao chất lượng giám sát phản biện xã hội về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội NDVN cũng nhấn mạnh, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Đề cao sự đóng góp của cá nhân các ủy viên chấp hành, nhất là các ủy viên là đại diện các sở, ban, ngành, các doanh nhân, HTX trong việc lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ tới. Để thực hiện được điều đó, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh khóa mới mà Đại hội đã bầu phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn thì chúng ta tin chắc rằng vai trò của Hội nông dân tỉnh sẽ ngày càng được nâng cao.