Những năm gần đây, Quảng Ninh đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.

Trong đó, bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng tiếp tục được cơ cấu lại, phát triển toàn diện, bền vững, theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị và đạt được những kết quả quan trọng.

Diện mạo nông thôn tỉnh Quảng Ninh thay đổi rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện, nhất là tại các khu vực miền núi, biên giới, biển đảo, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%, số hộ khá và giàu tăng nhanh.

Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, lần thứ XV.

Trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhìn lại những dấu ấn trong nhiệm kỳ 2018-2023 - Ảnh 1.

Tiến tới Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, PV Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Nam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - về những kết quả mà các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như những giải pháp cho hướng phát triển trong nhiệm kỳ sắp tới.

Nhiệm kỳ 2018-2023, công tác Hội và phong trào nông dân đã hoàn thành cơ bản với hầu hết chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội IX đề ra. Xin ông cho biết các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đồng hành cùng nông dân, nông nghiệp, nông thôn như thế nào?

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 99.000 hội viên nông dân, chiếm khoảng 81,2% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh.

Thời gian qua, các cấp hội Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã liên tục triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ mang ý nghĩa thiết thực, bám sát đặc điểm địa bàn và nhu cầu thực tế. Qua đó, vừa khẳng định được vai trò vị thế của tổ chức Hội Nông dân, vừa là điểm tựa vững chắc, cổ vũ tinh thần đoàn kết, thi đua sôi nổi của hội viên trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng.

Trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhìn lại những dấu ấn trong nhiệm kỳ 2018-2023 - Ảnh 2.

Cụ thể, xác định công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, nông dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng vùng miền, đối tượng.

Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, đã tổ chức tuyên truyền cho trên 684.223 lượt người về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các cấp hội cũng thường xuyên bám nắm địa bàn cơ sở, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ hội viên khắc phục khó khăn trong phát triển sản xuất, nhất là những khó khăn về vốn đầu tư.

Theo đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp tăng hơn hai lần so với đầu nhiệm kỳ với 38,450 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh đạt 71,828 tỷ đồng. Đây là nguồn lực thuận lợi để Hội Nông dân các cấp hỗ trợ trực tiếp cho 1.092 hộ hội viên nông dân vay vốn xây dựng, đầu tư phát triển 193 dự án sản xuất kinh doanh.

img
img
img
img

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thường xuyên xuống cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, để đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Bùi My

Để tạo điều kiện giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân đã phối hợp với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hỗ trợ cho hội viên, nông dân tiếp cận đa dạng các nguồn vốn tín dụng thuận lợi phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, hạn chế tín dụng đen ở nông thôn. 

Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ các ngân hàng qua tổ chức Hội Nông dân đạt 2.252 tỷ đồng.

Trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhìn lại những dấu ấn trong nhiệm kỳ 2018-2023 - Ảnh 4.

Bên cạnh phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng hỗ trợ nông dân, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ hỗ trợ việc làm cho nông dân.

Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho 172 hội viên; phối hợp đào tạo nghề cho 10.590 lao động, 70% hội viên được giới thiệu việc làm sau đào tạo. Thông qua đó góp phần thúc đẩy hình thành và liên kết giữa các hộ dân và giữa nông dân với doanh nghiệp. Nhiều nông hộ đã chủ động thành lập các nhóm, câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau làm giàu.

Hội Nông dân các cấp cũng hỗ trợ nông dân về thông tin, xây dựng thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản; vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế.

Đồng thời, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đang có 643 hợp tác xã, 210 tổ hợp tác; trong đó, các cấp Hội Nông dân đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập và bảo trợ hoạt động 99 hợp tác xã, 48 chi hội, 87 tổ hội nghề nghiệp, 42 câu lạc bộ nông dân theo ngành nghề quy mô cấp huyện, cấp xã, cụm xã với gần 2.000 thành viên tham gia.

img
img
img
img

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cho hội viên, nông dân về chuyển đổi số nông nghiệp, giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng môi trường sống trong lành... Ảnh: Bùi My

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào thi đua của Hội, các cuộc vận động như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc"… và đặc biệt là phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi".

Với vai trò là cơ quan thường trực phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã có những sáng kiến nào trong tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện phong trào, thưa ông?

- Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động thi đua, chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các cấp phối hợp với chính quyền cùng cấp phát động, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào.

Định kỳ hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh ban hành các nghị quyết, kế hoạch, quyết định giao chỉ tiêu cụ thể; Hội Nông dân cơ sở tổ chức cho 100% hội viên nông dân đăng ký tham gia phong trào thi đua.

Trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhìn lại những dấu ấn trong nhiệm kỳ 2018-2023 - Ảnh 6.

Với sự quan tâm từ cấp tỉnh đến cơ sở, phong trào ngày càng phát triển rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, nông dân. Trong nhiệm kỳ, đã có 37 hộ đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp Trung ương; công nhận 5.883 "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp tỉnh theo 2 giai đoạn.

Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu nâng cao, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình OCOP, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bình quân hằng năm, có hơn 90% hộ hội viên nông dân đăng ký và 66% số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hình thành các mô hình kinh tế tập thể, các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img
img
img

Từ phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế tập thể... Ảnh: Bùi My

Trong giai đoạn 2018 - 2023, số hộ nông dân có hội viên nông dân chỉ đạt 85,47%, chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội IX đề ra. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Việc tổ chức lại một số đơn vị hành chính dẫn đến sáp nhập các chi hội (sáp nhập 180 thôn, bản thành 90 thôn, bản, khu; sáp nhập 74 chi hội trong toàn tỉnh) một số chi hội số lượng hội viên đông, địa bàn rộng nên khó khăn trong tổ chức hoạt động.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy, tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nhiều diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh; phần lớn lao động chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp khiến cho việc phát triển hội viên và tổ chức các hoạt động của hội gặp nhiều khó khăn.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc 01 chỉ tiêu chưa đạt trong nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh là gì và chúng ta sẽ có giải pháp nào để triển khai hiệu quả, thưa ông?

- Một trong những mục tiêu lớn mà Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai trong giai đoạn 2023-2028 đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống cho nông dân; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế xanh, an toàn, phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo nghề, giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2018-2023 - Ảnh 7.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định công nhận 2.618 hộ đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp tỉnh trong giai đoạn 2020-2022. Ảnh: Bùi My

Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đặt ra một số chỉ tiêu trong giai đoạn 2023-2028 như: Trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 3.000 hội viên trở lên; hằng năm có trên 60% số hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu và có trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi;

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu tư vấn, hỗ trợ thành lập mới trên 100 hợp tác xã, tổ hợp tác; 100% Hội Nông dân các cấp tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ trên từ 200 hội viên nông dân trở lên có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

Trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhìn lại những dấu ấn trong nhiệm kỳ 2018-2023 - Ảnh 9.

Do đó, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn theo chuỗi giá trị liên kết; sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ...; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân được tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân;

Đồng thời, tập trung tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động, tạo việc làm cho nông dân và cư dân nông thôn để thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trong tỉnh…

Trong đó, Hội Nông dân sẽ tập trung vào một đề án, chuyên đề trọng tâm như: Đề án "Phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân"; chuyên đề "Nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên nông dân"…

Một nhiệm kỳ mới lại bắt đầu với nhiều thời cơ mới, nhưng cũng có nhiều thách thức, song với tinh thần "Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển", tin tưởng rằng các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

Bùi My (thực hiện)

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem