Xã Hải An, huyện Hậu, tỉnh Nam Định đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với chuyển đổi số. Video: Mai Chiến.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết, năm 2020, Hải An được công nhận là xã nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2018 - 2020.
Kế thừa thành quả, kinh nghiệm trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã Hải An đã đẩy mạnh xây dựng NTM kiểu mẫu. Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM kiểu mẫu; tổ chức họp dân nhằm tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cùng tham gia.
"Cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, có chất lượng giữa các xóm trên địa bàn xã, là nền tảng và điều kiện thuận lợi để xã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu", ông Thịnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thịnh, thời gian qua, được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Hải Hậu; sự chung sức, đồng lòng của người dân địa phương nên xã Hải An đã nhanh chóng về đích NTM kiểu mẫu.
Tháng 5/2023, xã Hải An chính thức được UBND tỉnh Nam Định công nhận là xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực văn hóa năm 2022. Hải An là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hải Hậu.
Chủ tịch UBND xã Hải An thổ lộ, trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, địa phương đã đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số, chính quyền số. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt 36,04%.
100% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản đạt 75,03%...
Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số trong xây dựng NTM mà chính quyền địa phương nhàn hơn, người dân cũng nhàn hơn; tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại của mọi người. Bên cạnh đó, giảm thiểu được các thủ tục rườm rà.
"Hiện nay, địa phương đã tạo các nhóm chát chung trên không gian mạng như Zalo, Facebook để chia sẻ thông tin. Các thành viên trong nhóm là cán bộ, công chức xã; lãnh đạo thôn, xóm trên địa bàn.
Chỉ cần click chuột là công văn chỉ đạo, văn bản hướng dẫn sẽ được gửi vào trong nhóm chát chung, do đó mọi thành viên trong nhóm có thể nắm bắt được thông tin cùng lúc. Hằng ngày, cán bộ văn phòng xã có nhiệm vụ cập nhật thông tin trong các nhóm chát 2 lần, vào cuối buổi sáng và chiều tối để nắm bắt thông tin", ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch UBND xã Hải An vui mừng kể.
Đó là chia sẻ của ông Trần Thái Phong - Bí thư xóm 5 (xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt.
Ông Phong bảo, nhờ có "mắt thần" trên cao mà tình hình an ninh trật tự tại cơ sở được đảm bảo, tình trạng trộm cắp vặt giảm đáng kể, trẻ em không phá hoại cây cảnh ven đường…
"Trước đây có 1 cháu học sinh đi qua xóm đã nhổ cây hoa đơn trồng ở ven đường, sau khi xem lại camera thì chúng tôi xác định cháu học sinh đó là người địa phương nên đã mời phụ huynh và cháu học sinh đó lên nhắc nhở; đồng thời chúng tôi cũng có ý kiến với nhà trường nhằm tuyên truyền và nhắc nhở các cháu học sinh không phá hoại cây cảnh…", ông Phong tâm sự.
Theo ông Phong, năm 2022, cơ sở bắt đầu triển khai xây dựng xóm thông minh. Trong quá trình triển khai xây dựng, cơ sở đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương. Mọi người cùng nhau kêu gọi, đóng góp kinh phí để lắp đặt hệ thống camera an ninh.
Hiện nay, trên địa bàn xóm 5 (xã Hải An) đã lắp đặt 6 camera an ninh tại các điểm đen, ngã 3, ngã 4, nơi đông người qua lại… Tổng kinh phí lắp đặt trên 21 triệu đồng, toàn bộ số tiền này từ nguồn xã hội hóa.
"Chúng tôi công khai mật khẩu truy cập camera an ninh để mọi người cùng truy cập, theo dõi, giám sát an ninh trên địa bàn cơ sở", ông Trần Thái Phong - Bí thư xóm 5 cho hay.
Chỉ tay vào hệ thống phát wifi của xóm, ông Phong tâm sự, cơ sở đã lắp đặt wifi phát miễn phí tại Nhà văn hóa để phục vụ người dân truy cập internet, nâng cao kiến thức. Mạng wifi có đường truyền kết nối internet băng thông rộng tốc độ từ 50 Mbps trở lên, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác thông tin.
Hiện nay, "Tổ công nghệ số cộng đồng" của xóm 5 đang hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên trong Tổ và người dân địa phương đều được tập huấn, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số.
"Có khoảng trên 70% người dân trong xóm đã được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp", ông Trần Thái Phong - Bí thư xóm 5 thông tin.
Theo ông Phong, thời gian qua, thực hiện chuyển đổi số, các sản phẩm tiêu biểu của người dân trong xóm 5 như nấm rơm, tranh vẽ sơn mài, tranh vẽ dát vàng… đều được giới thiệu trên trang thông tin điện tử của xã, mạng xã hội (Zalo, Facebook) và sàn thương mại điện tử Posmat.