13 tuổi đã bám biển mưu sinh
May mắn gặp thuyền trưởng Lê Dũng trước ngày anh chuẩn bị ra khơi, chúng tôi khá bất ngờ với vẻ ngoài phong lưu của một ngư dân dạn dày sóng gió biển khơi.
Trên khoang tàu, anh bắt đầu kể về nghiệp biển đã gắn bó với gia đình qua 3 thế hệ. Năm lên 13 tuổi, anh theo cha bắt đầu những chuyến biển đầu tiên, khi ấy anh vừa học nghề vừa đảm nhận công việc nấu ăn cho các thuyền viên.
Anh Dũng bộc bạch: "Đến năm 18 tuổi, tôi đã rất thành thạo công việc lái tàu, khai thác hải sản. Năm 20 tuổi, tôi đã cầm lái chiếc tàu của cha và trở thành một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, bền bỉ vươn khơi đánh bắt xa bờ, xem tàu là nhà, biển cả là quê hương".
Clip: Hoạt động đi biển đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của gia đình anh Lê Dũng, nông dân phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Sinh ra ở miền biển, hàng chục năm "cưỡi sóng" bạc Hoàng Sa, anh thuộc từng con nước, luồng cá, từng cột mốc biển chủ quyền của Tổ quốc. Nhờ đó, công việc khai thác hải sản của anh gặp nhiều thuận lợi, luôn chở về những khoang tàu đầy ắp cá tôm, giúp anh vươn lên làm giàu.
Từ chiếc tàu 90CV của cha truyền lại, anh Dũng đã vay mượn thêm để cải hoán, nâng cấp tàu cá lên công suất 420-500CV.
Anh Dũng cho hay, nghề đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ ngày càng khó khăn, nhưng đây là nghề truyền thống của gia đình nên anh không thể bỏ. Để giữ nghề và phát huy hiệu quả sản xuất, anh đã mạnh dạn đổi mới hướng khai thác, cụ thể là trang bị lưới vây rút chì ánh sáng và lưới rê hỗn hợp.
Hiện nay, anh là chủ của 2 chiếc tàu công suất lớn gồm: tàu lưới rê hỗn hợp ĐNa 90098TS (840CV) và tàu lưới vây ĐNa 90521TS (880CV) trị giá hàng tỷ đồng.
Nhờ có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà việc đánh bắt hải sản không còn nhiều khó khăn như trước, tình hình thời tiết trên biển luôn được ngư dân chủ động nắm bắt. Đặc biệt là sự hỗ trợ của nhiều máy móc hiện đại như: pin năng lượng mặt trời, máy icom 710, máy thông tin liên lạc VX-1700, máy giám sát hành trình Vifish-18….
Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ tàu anh Dũng sử dụng mô hình máy tầm ngư dò đứng, nhờ đó mà sản lượng khai thác trong các chuyến biển cao hơn, tăng thêm thu nhập.
Anh Dũng chia sẻ: "Tuy hiện nay các tàu thuyền hầu hết đều trang bị máy móc hiện đại, nhưng để đánh bắt được nhiều cá tôm ở vùng biển xa thì vẫn phụ thuộc nhiều vào mắt nhìn và kinh nghiệm của thuyền trưởng, lái tàu đi theo con nước để tìm cá, biết nhìn hướng dòng chảy của biển, luồng cá đi, mùa nào đánh cá nước nổi, mùa nào đánh cá nước sâu".
Vươn khơi, bám biển làm giàu; bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay, anh Dũng tâm sự: "Việc ngư trường đánh bắt ngày càng hạn hẹp đã dẫn đến sản lượng khai thác giảm mạnh, không đạt hiệu quả kinh tế, khiến nhiều chủ tàu lỗ vốn, thuyền viên không có thu nhập và không còn mặn mà với nghề biển.
Mỗi chuyến biển đi khoảng 15 ngày, cần 7-11 thuyền viên tham gia đánh bắt, nhưng hiện nay rất khó để thuê được lao động. Những lúc như vậy tàu đành nằm bờ, kéo theo chi phí bảo dưỡng hằng năm là không nhỏ".
Anh Dũng đi biển quanh năm, chỉ trừ 2 tháng mùa con nước trong (tháng 4-5). Trung bình mỗi năm, tàu lưới rê đi 16 chuyến, sản lượng 2-3 tấn/chuyến; tàu lưới vây đi 8 chuyến, sản lượng 5-10 tấn/chuyến.
Từ đó đem lại cho anh lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/năm, nuôi 4 người con ăn học tử tế, xây nhà cửa khang trang…. Đặc biệt, anh giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Tham gia đánh bắt hải sản trên biển, mỗi một ngư dân như anh Dũng chính là một "cột mốc sống" đánh dấu chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dù nhiều lần bị tàu nước ngoài uy hiếp, bành trướng, tịch thu tài sản nhưng thuyền trưởng Lê Dũng vẫn kiên cường bám trụ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Bên cạnh hoạt động khai thác hải sản, anh còn giữ vai trò là Tiểu đội trưởng Dân quân biển tập trung được cơ quan quân sự các cấp giao nhiệm vụ trao đổi, cung cấp thông tin trên biển và báo cáo về đất liền những tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Với những nỗ lực trên, anh nhiều lần nhận được giấy khen với thành tích tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Gắn bó với biển từ trong hơi thở, nên với anh Dũng và nhiều ngư dân khác, biển là nơi trái tim luôn hướng về. Chính vì thế, dẫu những chuyến đi biển còn nhiều khó khăn, hiểm nguy, nhưng anh vẫn tiếp tục rẽ sóng ra khơi để nghề đi biển không chỉ là mưu sinh nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn có ý nghĩa chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.