Theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 2 ngày 29 và 30/7 là thời điểm diễn ra hai đêm nhạc của BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng hơn 170.000 lượt. Trong đó, có hơn 30.000 lượt khách du lịch quốc tế và hơn 140.000 lượt khách du lịch nội địa. Các thị trường khách quốc tế hàng đầu bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ... Tổng thu nhập từ du lịch đạt khoảng 630 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian này, một số khách sạn, đặc biệt là những khách sạn nằm quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình như: JW Marriott, Western Skyline, Marina, Reyna… ghi nhận tăng 20% công suất sử dụng phòng so với các ngày cuối tuần thông thường. Công suất trung bình của các khách sạn tại Hà Nội trong tháng 7/2023 đạt 60,8%, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các điểm đến du lịch tại Hà Nội cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ khoảng 15 - 20% so với các dịp cuối tuần trước đó. Cụ thể, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 9.600 lượt khách, Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 8.000 lượt khách và Thiên đường Bảo Sơn đón hơn 7.000 lượt khách... Sự kiện này đã thúc đẩy lượng khách đặt các dịch vụ trực tuyến trong khoảng thời gian từ 29 - 31/7 tăng 15% so với các ngày trước đó, chưa kể khách mua vé trực tiếp.
Theo các chuyên gia du lịch, thời gian qua, xu hướng Music tourism (du lịch âm nhạc) trở nên khá phổ biến với giới trẻ. Dự đoán đến năm 2033 thị trường du lịch âm nhạc trên toàn cầu đạt 11,3 tỷ USD, tạo cơ hội cho quốc gia tổ chức thu bộn tiền nhờ dịch vụ ăn uống, lưu trú.
Nhìn ra thế giới, show diễn của BlackPink tại Thái Lan vào đầu năm 2023 đã giúp đất nước này về khoảng 20 - 30 triệu USD từ lưu trú, vé máy bay, tiêu dùng trong 5 ngày trước và sau buổi diễn. Còn Singapore thu hơn 35 triệu USD, Indonesia cũng thu được con số tương đương và giúp điểm đến tạo nên hiệu ứng truyền thông lớn. Hàng loạt tờ báo, mạng xã hội đồng loạt đưa các thông tin về đêm diễn tại các quốc gia này khiến cho cho việc quảng bá văn hóa và định vị thương hiệu quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy - Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, Asia Festival - Lễ hội Hip-hop lớn nhất châu Á tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/2023 ở Thái Lan đã giúp quốc gia này tăng tính hấp dẫn cho du lịch trong nước chỉ với giá vé tầm 328 đô la Mỹ. Ở Singapore, Coldplay và Taylor Swift là những nghệ sĩ quốc tế giúp quốc gia này thu hút lượng lớn khán giả khu vực trong những tháng tới. Vé tham dự các buổi biểu diễn này đều bán rất chạy và hàng chục nghìn du khách dự kiến sẽ đổ về Singapore, đem đến hàng triệu đô la Mỹ cho nền kinh tế nước này.
Ở góc độ du lịch, bà Vũ Quỳnh Anh - Giám đốc điều hành Công ty du lịch Hoàng Minh Travel cho rằng, việc nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu BlackPink chọn Hà Nội làm điểm biểu diễn đã thu hút du khách, qua đó giúp ngành du lịch tăng doanh thu. Đồng thời tạo ra hình ảnh tích cực về sự sống động văn hóa, định vị Hà Nội như một điểm đến hấp dẫn cho du lịch âm nhạc. Nếu biết nắm lấy cơ hội này và có các chiến lược bền vững thì Hà Nội sẽ sớm phát triển dòng sản phẩm du lịch âm nhạc để quảng bá văn hóa, tăng trưởng du lịch.
Bản thân bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, bà đặt nhiều kỳ vọng vào hàng loạt các sự kiện văn hóa nửa cuối năm 2023 sẽ diễn ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, kỳ vọng nhiều nhất là Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa 2023 (Monsoon Music Festival) kéo dài từ ngày 14-22/10 với sự tham dự của hơn 40 nghệ sỹ/ban nhạc trong nước và quốc tế, hơn 70 buổi biểu diễn và gần 4.000 phút công chúng được đắm chìm trong âm nhạc, lan tỏa không khí lễ hội khắp thành phố. Đây sẽ là "thời cơ" vàng để Hà Nội thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch.
Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy phân tích rằng, Hà Nội nên tận dụng triệt để cơ hội mà các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc quốc tế mang lại để thúc đẩy du lịch âm nhạc Việt Nam.
"Buổi biểu diễn vừa qua của BlackPink tại Hà Nội đánh dấu một mốc quan trọng đối với cả ngành công nghiệp K-pop và ngành du lịch âm nhạc Việt Nam. Bằng cách tận dụng cơ hội này và triển khai các chiến lược toàn diện, ngành du lịch Việt Nam có thể tạo ra lợi ích lâu dài cho nền kinh tế và cho sự phát triển văn hóa của đất nước.
Niềm phấn khích lan tỏa quanh các buổi diễn của BlackPink vừa qua đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển du lịch âm nhạc. Và bằng cách nuôi dưỡng tài năng Việt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và marketing hiệu quả các sản phẩm du lịch độc đáo, Việt Nam có thể định vị mình là điểm đến được các tín đồ âm nhạc săn đón, đồng thời đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm du lịch và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và sức sống văn hóa", Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy nói
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với Dân Việt rằng, việc thu hút nhiều dự án quốc tế trong lĩnh vực giải trí và văn hóa sẽ giúp Hà Nội thúc đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp văn hoá ở Thủ đô. Đầu tiên, các dự án quốc tế mang đến Hà Nội sẽ tạo cơ hội giao lưu văn hoá giữa người dân Việt Nam và những nghệ sĩ, diễn viên, nhạc sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, giúp tạo ra sự đa dạng và phong phú về văn hoá, nghệ thuật cho người dân Hà Nội và cả nước.
Thứ hai là rút ngắn khoảng cách với công nghiệp văn hoá với các nước. Theo đó, các dự án quốc tế mang đến Hà Nội không chỉ là cơ hội tiếp cận với nghệ thuật và văn hóa của các quốc gia khác mà còn là cơ hội thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hoá của Việt Nam để có thể cạnh tranh trên sân khấu quốc tế.
Thứ ba, với việc thu hút nhiều dự án quốc tế, Hà Nội được đánh giá cao về khả năng tổ chức các sự kiện văn hoá và giải trí, tạo nên một hình ảnh và danh tiếng tích cực với du khách trong và ngoài nước, thu hút thêm lượng khách du lịch và đầu tư vào thành phố.
Thứ tư là kích thích sự phát triển kinh tế. Ngành công nghiệp văn hoá là một nguồn thu lớn và có tiềm năng phát triển kinh tế. Những dự án quốc tế mang đến Hà Nội sẽ tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, bởi vì nó sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng và tạo ra các ngành hỗ trợ liên quan như nhà hàng, khách sạn, du lịch, dịch vụ và thương mại, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của thành phố.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng lưu ý rằng, bên cạnh những lợi thế từ truyền thống, Hà Nội cũng cần có những biểu tượng văn hóa mới cho mình. Những biểu tượng này có thể xuất phát từ những ý tưởng có liên quan đến truyền thống của Thủ đô, cũng có thể là những ý tưởng mới hoàn toàn. Đây là điều mà chúng ta đã nghĩ đến khi lên kế hoạch xây dựng cột mốc số 0, khi xây dựng những công trình mới như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân hay một số công trình mới gần đây, cũng như những sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa ....
"Điểm quan trọng ở đây là, chúng ta đã có tư duy đổi mới trong việc hình thành nên những biểu tượng mới cho Thủ đô. Giờ đây, việc xây dựng một tòa nhà, một con đường, một cây cầu hay bất kỳ một công trình hay sự kiện văn hóa nghệ thuật nào khác, chúng ta đều hướng suy nghĩ của mình đến điểm nhấn kiến trúc, biểu tượng, phục vụ cho sự hài hòa và cái đẹp của Hà Nội.
Điều đó đáng quý vô cùng để thủ đô phát triển bền vững, xứng đáng là Thủ đô, trung tâm chính trị và văn hóa của một nước Việt Nam chưa bao giờ có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay, của thời đại Hồ Chí Minh.
Từ những biểu tượng mới này, chúng ta thể hiện một Thủ đô giàu bản sắc, kết hợp giữa những giá trị truyền thống và tinh hoa của nhân loại, một thành phố có nét tinh tế, trầm mặc, chậm rãi từ quá khứ nhưng cũng có sự năng động, cởi mở, hòa nhập của hiện đại. Sự hấp dẫn này sẽ biến Hà Nội không chỉ trở thành thành phố đáng sống, mà còn là nơi mơ ước đặt địa điểm của các tổ chức, tập đoàn tài chính quốc tế hay nơi nhất định phải đến thăm của du khách trong và ngoài nước. Đạt được mục đích này, Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói thêm.
Bài 3: Các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, định vị thương hiệu