Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Vì sao nhiều dự án âm nhạc quốc tế lựa chọn Hà Nội? (Bài 1)

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 02/08/2023 14:13 PM (GMT+7)
Báo điện tử Dân Việt thực hiện loạt bài “Hà Nội – Điểm hẹn văn hóa quốc tế” để cung cấp cho độc giả cái nhìn rõ nét hơn về những cơ hội và tiềm năng “vàng” của Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghiệp văn hóa.
Bình luận 0

Với một địa thế mang tính "thắng địa", trong hơn 1.000 năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ và lan tỏa của nhiều dòng chảy văn hóa. Từ ngàn xưa, nơi đây đã là đất Kẻ Chợ - điểm hẹn giao thương của kẻ buôn, người bán tấp nập vào ra, tạo nên cảnh "phồn hoa thứ nhất Long Thành" không nơi nào có được.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, mảnh đất Thăng Long trở thành nơi hội tụ của các hiền tài, kẻ sĩ, thợ giỏi, người hay từ khắp trăm miền đến bung nở tài năng, sinh cơ lập nghiệp, hun đúc nên một dòng chảy văn hóa Thăng Long Kinh Kì xuyên suốt. Thời Lê – Mạc, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh khi soạn phú "Phụng thành xuân sắc" đã ca ngợi đây là một nơi "văn vật thành danh".

Và vùng đất văn vật ấy đã như một dòng sông Cái không ngừng cuộn chảy, tiếp biến bao dòng chảy văn hóa để chắt lọc lấy những tinh hoa, biến Thăng Long – Hà Nội thành "nơi hội tụ quan trọng của bốn phương"… "nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời" như đức vua Lý Thái Tổ hơn nghìn năm trước đã nhìn nhận khi quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La.

img

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao, phía tả ngạn sông Hồng. Ảnh: Zing.

Ngày nay, Hà Nội không chỉ là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", "Thành phố vì hòa bình" (1999) mà còn được ghi danh là "Thành phố sáng tạo" (2019). Với vai trò là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang không chỉ đột phát với rất nhiều chiến lược phát triển kinh tế - chính trị - xã hội mà còn quyết liệt với rất nhiều kế hoạch hành động để đẩy nhanh công nghiệp văn hóa, biến văn hóa thành nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm để làm động lực phát triển. Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP; năm 2030 sẽ đóng góp 8% GRDP.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn là điểm hẹn văn hóa của rất nhiều sự kiện âm nhạc – điện ảnh mang tầm quốc gia và quốc tế. Có thể kể đến như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Lễ hội Âm nhạc Gió mùa (Monsoon Festival), Airlines Classic - Hanoi Concert (hòa nhạc giao hưởng), Music Bank in Hanoi 2015, Lễ hội hoa anh đào, Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022… Hàng loạt nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc nổi tiếng quốc tế cũng đã chọn Hà Nội để thực hiện chương trình nghệ thuật quy mô: Backstreet Boys, Westlife (2011); Boney M, Modern Talking (2016); BlackPink (2023)…

Ở lĩnh vực điện ảnh, Hà Nội cũng là bối cảnh của nhiều bộ phim "bom tấn" do các nhà sản xuất phim quốc tế thực hiện như: "Người Mỹ trầm lặng", "Thi Mai, Rumbo a Vietnam", "A Tourist's Guide to Love"…

Việc Hà Nội trở thành điểm hẹn văn hóa của các chương trình âm nhạc và dự án điện ảnh quốc tế không chỉ cho thấy thành phố này là "điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn" mà chứng tỏ năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa tầm cỡ. Đây cũng là những cơ hội để Hà Nội thúc đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp văn hóa và sớm đạt được mục tiêu như đã đề ra.

Vì những lí do đó mà Báo điện tử Dân Việt đã thực hiện loạt bài "Hà Nội – Điểm hẹn văn hóa quốc tế" để cung cấp cho độc giả cái nhìn rõ nét hơn về những cơ hội, tiềm năng, lợi thế và cả những điểm nghẽn cần tháo gỡ của Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghiệp văn hóa.

Khẳng định một Hà Nội thân thiện, an toàn, văn minh

Những ngày cuối tháng 7/2023, thông tin BlackPink – một trong những nhóm nhạc quốc tế có lượng khán giả hâm mộ đông đảo nhất thế giới chọn Hà Nội làm điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến lưu vòng quanh thế giới đã khiến người hâm mộ ở Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung "đứng ngồi không yên". Trên các nền tảng mạng xã hội, từ khóa "BlackPink đến Hà Nội biểu diễn" trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.

img
img

Hai đêm nhạc BlackPink với 67.000 khán giả đã góp phần kích thích du lịch, quảng bá văn hóa Hà Nội. Ảnh: LĐ.

Nhiều tờ báo nước ngoài cũng đã ngay lập tức có những bài viết phân tích lí do Hà Nội được lựa chọn là điểm cuối cùng của tour Born Pink dành cho người hâm mộ Việt Nam và Đông Nam Á. Tờ Asean Daily nhận định, hai đêm diễn của nhóm BlackPink tại Hà Nội không chỉ mang lại lợi ích về du lịch mà còn mang lại nhiều thứ khác về giao lưu – hội nhập văn hóa. Đồng thời, sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế này còn là minh chứng cho thấy địa điểm tổ chức biểu diễn đóng vai trò rất quan trọng tạo nên sự thành công của một đêm diễn có lượng khán giả kỷ lục.

Và đúng như Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh viết trong Thư cảm ơn ban nhạc BlackPink thì sự thành công của hai đêm nhạc với 67.000 khán giả trong nước và quốc tế tham dự tiếp tục khẳng định hình ảnh của Thủ đô Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, đồng thời, khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của Thủ đô. Chỉ riêng việc các thành viên nhóm BlackPink đội nón lá, nhảy điệu "See tình" – một ca khúc của Việt Nam để trình diễn trong đêm nhạc của mình và thành viên Rosé khoe được ăn phở Hà Nội ngon tới mức "húp đến giọt cuối cùng" trên trang cá nhân có hàng chục triệu người theo dõi nhận được sự hưởng mạnh mẽ đã cho thấy vị thế của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng.

Dĩ nhiên, để có được sự thành công của hai đêm nhạc với lượng khán giả kỷ lục của BlackPink, Hà Nội đã phải huy động mọi nguồn lực và hết sức hỗ trợ đơn vị tổ chức. Từ thủ tục cấp phép, an ninh trật tự, phân luồng giao thông, phòng cháy chữa cháy, y tế, lưu trú… Tất cả đều phải có sự quán triệt về mặt chủ trương, sự chung tay của nhiều sở, ban, ngành… thì mới đảm bảo để không có bất kỳ một sự cố nào xảy ra. Đó là điều mà không phải Thủ đô của nước nào khi BlackPink đi qua cũng làm được.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Vì sao nhiều dự án âm nhạc quốc tế lựa chọn Hà Nội? (Bài 1) - Ảnh 4.

Ban nhạc quốc tế chụp ảnh cùng khán giả trong sự kiện Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa. Ảnh: TL.

Thực tế thì BlackPink không phải những nghệ sĩ quốc tế đầu tiên thực hiện đêm nhạc tầm cỡ tại Hà Nội. Năm 2011, nhóm nhạc Backstreet Boys đã có một đêm diễn thành công tại sân vận động Mỹ Đình. Cùng năm này, nhóm nhạc đình đám Westlife chọn Hà Nội là điểm đến trong Gravity tour tại Châu Á. Sự xuất hiện của các ban nhạc nổi tiếng thời điểm đó đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam và Hà Nội trong bản đồ lưu diễn của các ngôi sao đẳng cấp thế giới.

Theo thống kê, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức được hơn 1060 sự kiện văn hóa và thể thao lớn nhỏ, đặc biệt là có nhiều sự kiện mang tính chất chuyên nghiệp, quy mô lớn. Trong đó, có gần 400 sự kiện văn hóa nghệ thuật, du lịch tổ chức trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với 65 sự kiện quốc tế và 21 sự kiện của các tỉnh, thành phố trong nước. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật được đưa vào phục nhân dân, du khách.

Ban nhạc huyền thoại Boney M vào tháng 12/2016 cũng đã đến Hà Nội và có một đêm diễn bùng nổ với hơn 5.000 khán giả tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Năm 2019, Boney M lại tiếp tục đến Hà Nội biểu diễn, tại đêm nhạc này, nữ ca sĩ Liz Mitchell nói rằng, bà vẫn nhớ ký ức lần đầu biểu diễn ở Hà Nội năm 2016: "Khán giả liên tục nhún nhảy, hát theo, khiến tôi vô cùng xúc động. Lần trước, tôi không có thời gian thưởng thức ẩm thực Việt. Tôi muốn ăn nhiều món ngon trong dịp này, ghé thăm quán bún chả Obama ở Hà Nội".

Bắt đầu từ 2014, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) cũng đã trở thành sự kiện văn hóa gắn liền với Hà Nội. Đây là chuỗi chương trình âm nhạc được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, do nhạc sĩ Quốc Trung "cầm trịch" quy tụ được nhiều ban nhạc, nghệ sĩ đẳng cấp của quốc tế và Việt Nam như: Scorpions (Đức), nữ ca sĩ Joss Stone (Anh), nhóm Kodaline (Ireland), nhóm ADOY (Hàn Quốc), Los Frequencies (Bỉ), Hyukoh (Hàn Quốc) hay nhóm Bond (Anh)… Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa hàng năm đặt mục tiêu tạo ra cơ hội cho các ban nhạc trẻ trong nước và quốc tế được biểu diễn và tiếp cận tới công chúng chất lượng, góp phần nâng cao năng lực của nghệ sĩ Việt Nam và từng bước xây dựng nền công nghiệp âm nhạc sáng tạo. Với việc tạo ra sân chơi âm nhạc chất lượng, lành mạnh cũng sẽ kích hoạt sự sáng tạo, quảng bá văn hóa Hà Nội một cách rộng rãi nhất.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Vì sao nhiều dự án âm nhạc quốc tế lựa chọn Hà Nội? (Bài 1) - Ảnh 5.

Các ca sĩ quốc tế đội mưa biểu diễn trong HAY Glamping Music Festival 2022. Ảnh: BTC.

Vào năm ngoái, sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất mùa Hè năm 2022 mang tên "HAY Glamping Music Festival" được tổ chức tại Công viên Yên Sở - Hà Nội thu hút tới 10.000 khán giả tham dự cũng đã tạo nên những cú hích thú vị cho văn hóa Thủ đô. Đây được xem là một trong những sự kiện âm nhạc quốc tế tổ chức tại Hà Nội lớn nhất trong vài năm trở lại đây khi quy tụ tới 4 boyband huyền thoại thế giới: The Moffatts, 911, A1 và BLUE. Cả 4 nhóm nhạc đều là những kỷ niệm của tuổi thanh xuân mà giới trẻ thế hệ 8x - 9x thương nhớ.

Chương trình Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert cũng được xem là một trong những chương trình âm nhạc rất thành công trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội. Trong khoảng 3 năm (2017 - 2029), cứ mỗi độ Hà Nội vào Thu, dàn nhạc giao hưởng LSO với những nhạc công hàng đầu thế giới lại biểu diễn ở không gian phố đi bộ Hồ Gươm. Mỗi buổi hòa nhạc đều thu hút theo dõi của hàng nghìn khán giả, vừa trực tiếp trong khu vực tượng đài, vừa qua màn hình LED 400 inch tại đường Đinh Tiên Hoàng và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Chương trình đã không chỉ dừng lại ở việc nâng cao thưởng thức nghệ thuật cho người Việt Nam, mà còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến theo phong cách rất văn minh.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Vì sao nhiều dự án âm nhạc quốc tế lựa chọn Hà Nội? (Bài 1) - Ảnh 6.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hà Nội là bối cảnh quay của "A Tourist's Guide to Love". Ảnh chụp màn hình.

Không chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc, Hà Nội còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà sản xuất phim quốc tế. Mới đây nhất, bộ phim "A Tourist's Guide to Love" của Mỹ quay tại Việt Nam cũng đã lựa chọn Hà Nội là một trong bốn cảnh quay chính. Bộ phim đứng thứ 3 trong top 10 toàn cầu cho phim tiếng Anh trên nền tảng Netflix. Phim cũng vào top 10 ở 78 thị trường, bao gồm ở châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Phim đạt tổng số 13,4 triệu giờ xem trong tuần này, tính từ 17 đến 23/4. Trong phim, các phân cảnh của Ben Feldman chủ yếu thực hiện ở Hà Nội. Trong quá trình quay phim, Ben Feldman ấn tượng với cảnh được thực hiện ở Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. 

Nam diễn viên kinh ngạc khi được tiếp cận môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, chứng kiến những con rối được điều khiển đẹp mắt dưới nước. Ngày cuối cùng, đoàn phim ghi hình trong khuôn viên ở Văn Miếu. Nam diễn viên thú nhận anh đã nhanh chóng phải lòng Thủ đô cổ kính và khen ngợi đây là thành phố đẹp đến khó tin với kiến trúc độc đáo, ẩm thực đáng kinh ngạc cùng nền văn hóa phong phú và sôi động.

Vào năm 2018, Hà Nội cũng được đoàn phim "Thi Mai, Rumbo a Vietnam" của Tây Ban Nha lựa chọn làm bối cảnh quay. Những địa danh thân thuộc của Hà Nội như: Cầu Chương Dương, cầu Thê Húc, chợ Đồng Xuân, đường phố đông đúc xe cộ và các hàng quán vỉa hè... hiện lên trên phim rất sống động. Bằng cách như vậy, hình ảnh đất nước Việt Nam, hình ảnh Hà Nội đã được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thu hút các đoàn làm phim khác đến Hà Nội để quay phim.

Trước đó, năm 2001, "Người Mỹ trầm lặng" là phim Hollywood đầu tiên đưa phố xá Việt Nam thời những năm 1950 lên phim. Đạo diễn Phillip Noyce đã quyết định chọn phố cổ Hà Nội làm bối cảnh ghi hình bởi ông thấy được những hình ảnh xưa cũ phù hợp với yêu cầu của kịch bản. Hầu hết con phố nổi tiếng và mang dấu ấn lịch sử của Hà Nội như: Hàng Mã, Tràng Thi, Hàng Vải, Trần Hưng Đạo đều được sửa sang, treo biển bằng tiếng Pháp để tạo vẻ cổ kính tự nhiên như hồi giữa thế kỷ 20. Năm 2002, khi ra mắt, phim được giới phê bình đánh giá cao. Bối cảnh Hà Nội và Việt Nam trên hình cũng được khen ngợi là chân thực và ấn tượng.

Vì sao Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các dự án nghệ thuật quốc tế?

Chia sẻ với Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang khẳng định rằng, trải qua những biến thiên của thời cuộc, Hà Nội chưa bao giờ bị đứt gãy dòng chảy văn hóa. Đó là điều rất quan trọng để sự tiếp biến văn hóa luôn được diễn ra theo một mạch xuyên suốt và được kế thừa qua các thế hệ có sứ mệnh "bảo tồn và phát triển văn hóa". Vì lẽ đó, Hà Nội không chỉ có hơn 5.000 di tích lịch sử văn hóa thì còn có lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước, với hơn 70 địa điểm, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; kiến trúc, thiết kế, thủ công; không gian làm việc chung, hỗ trợ khởi nghiệp…

Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để thúc đẩy phát triển sáng tạo, công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa tầm nhìn khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Và đó cũng chính là những tiền đề quan trọng để Hà Nội thu hút các dự án âm nhạc quốc tế, các đoàn phim quốc tế… đến biểu diễn/ghi hình đáng tin cậy.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Vì sao nhiều dự án âm nhạc quốc tế lựa chọn Hà Nội? (Bài 1) - Ảnh 7.

Các nghệ sĩ nước ngoài thích thú khi được xem biểu diễn rối nước trong phim"A Tourist's Guide to Love". Ảnh chụp màn hình.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với Dân Việt rằng, Hà Nội đã rất đúng khi lựa chọn thế mạnh của mình là văn hóa để tạo ra đột phá cho sự phát triển Thủ đô. Điều này được cụ thể qua Nghị quyết 09 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa, hay thương hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO. Mảnh đất ngàn năm văn hiến này chứa đựng những giá trị không nơi nào so sánh được, ẩn chứa trong các di tích, lễ hội, làng nghề, món ăn ngon... hay cả trong truyền thuyết, dân ca, thơ phú, và cả ngàn hát hát ca ngợi Thủ đô. Tất cả đều có thể xây dựng cho Hà Nội những thương hiệu, để từ đó tạo ra những lợi ích về chính trị, kinh tế, xã hội cho Thủ đô.

"Hà Nội ngày càng trở thành một địa điểm hấp dẫn cho nhiều dự án quốc tế, bao gồm ban/nhóm nhạc và dự án điện ảnh chứng tỏ sự phát triển và tiềm năng của thành phố trong lĩnh vực giải trí và văn hóa. Việc có nhiều ban nhạc quốc tế và dự án điện ảnh đến Hà Nội là một tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp giải trí và văn hóa của Việt Nam. Đây là cơ hội để người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, tiếp cận với những nghệ sĩ nổi tiếng và trải nghiệm các sự kiện văn hóa đa dạng từ nhiều quốc gia. Đồng thời, việc thu hút các dự án quốc tế cũng tạo điểm nhấn cho văn hóa đặc trưng của Hà Nội và đưa thành phố lên bản đồ thế giới như một điểm đến hấp dẫn", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Trao đổi với Dân Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng bày tỏ: "Việc nhiều show diễn lớn, nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc nổi tiếng khu vực và thế giới chọn Hà Nội - Việt Nam là điểm đến chứng tỏ ngành công nghiệp giải trí quốc tế đã coi đây là một khu vực tiềm năng. Đáng nói ở đây là việc các show diễn quốc tế không phải chương trình giao lưu văn hóa, không phải quà tặng miễn phí của Chính phủ, tổ chức quốc tế nào đó cho Việt Nam mà đơn thuần là chương trình kinh doanh. Trong khi ngay tại Việt Nam thì Hà Nội là ưu tiên hàng đầu cũng không phải ngẫu nhiên. Tôi nghĩ nhà tổ chức đã có những nghiên cứu thị trường rất bài bản để đưa ra những quyết định đảm bảo sự "an toàn" về mọi mặt cho show diễn.

Những show diễn như vậy cho thấy nhà tổ chức quốc tế đã có thêm những sự lựa chọn vốn trước đó chưa phải địa bàn tiềm năng của họ. Đồng thời, cho thấy sự hội nhập của Việt Nam, của Hà Nội ở một khía cạnh giải trí trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Và tôi nghĩ rằng, những show diễn quốc tế này còn là một động lực thúc đẩy thị trường âm nhạc giải trí trong nước phát triển, khơi thông tiềm năng du lịch và quảng bá văn hóa".

Tiến sĩ Ngô Phương Lan – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phân tích rằng, so với âm nhạc, các dự án điện ảnh tầm cỡ quốc tế chọn Hà Nội để làm bối cảnh quay vẫn đang khiêm tốn. Tuy nhiên, với lợi thế Hà Nội là một trong hai trung tâm điện ảnh lớn của cả nước; nơi "đóng đô" của tất cả các cơ quan điện ảnh, từ Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Chiếu phim quốc gia… cho đến các hãng phim nhà nước thuộc Bộ VHTTDL, Điện ảnh Quân đội, Điện ảnh Công an…

Hệ thống rạp chiếu phim ở Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về số phòng, chiếu chỉ sau TP.HCM. Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội được định danh từ năm 2012, đã qua 5 kỳ tổ chức (2012, 2014, 2016, 2018, 2022) đã có thương hiệu. Hà Nội cũng là nơi tập trung của các Đại sứ quán, Trung tâm văn hóa nước ngoài - những cơ quan có trách nhiệm và rất hào hứng tổ chức các Tuần phim giới thiệu điện ảnh và đất nước họ. Đây là những "cánh tay nối dài", góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh của Hà Nội.

"Quan trọng hơn, Hà Nội là thành phố hơn 1010 năm tuổi, có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, truyền thống anh hùng… khó có địa phương nào sánh được. Đây là kho đề tài quý giá cho điện ảnh, nhất là việc thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến để thực hiện các dự án điện ảnh tầm cỡ", Tiến sĩ Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Bài 2: Những tiềm năng và cơ hội “vàng” để Hà Nội phát triển văn hóa 

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem