Dân Việt

Vì sao đình một làng cổ ở Hưng Yên lại thờ pháp sư phong thủy Trung Quốc Cao Biền? (Bài 1)

Hải Đăng 19/08/2023 18:27 GMT+7
Đình Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đang thờ phụng các vị Thượng đẳng phúc thần Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia, thánh địa lý phương Bắc Cao Biền.

CLIP: Hiện, đình Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đang thờ phụng các vị Thượng đẳng phúc thần Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia, thánh địa lý phương Bắc Cao Biền.

Lời giao ước của Cao Biền với thần linh ở Nam Trì

Ông Vũ Văn Sơn, thủ từ đình- đền Nam Trì cho biết, trước kia đình Nam Trì được xây dựng cách đình mới khoảng gần 100m nhưng do bom đạn chiến tranh tàn phá (năm 1953) nên đến năm 2007 nhân dân làng Nam Trì phát tâm xây dựng lại đình và đền mới để thờ  phụng các vị Bảo Công tức Lữ Gia, Lang Công tức tướng Nguyễn Danh Lang, thánh địa lý phương Bắc Cao Biền.

Khi chúng tôi thắc mắc về dấu tích và công lao của thánh địa lý phương Bắc Cao Biền đối với làng Nam Trì, ông Sơn đã lấy cuốn Thần Tích - Thần Sắc (Bảo tàng tỉnh Hưng Yên) đang được lưu giữ tại đình để cung cấp thêm thông tin cho phóng viên.

Theo sách sử ghi chép và dịch lại, năm 31 tuổi Cao Biền đã làm Tướng Quốc nhà Đường và được Đường vương sai làm quan đô hộ nước Nam ta. Cao Vương húy Biền từ khi phụng mệnh Đường vương đến nước Nam làm đô hộ bèn xây dựng thành Đại La (sau đổi gọi là Thăng Long, từ triều Lý bắt đầu đổi như thế) hiệu gọi là phủ Tĩnh Hải. 

Cao Vương từ khi đến ở đất nước Nam nhàn du thiên hạ, xem khắp núi sông thấy nơi nào có đất tốt đều lập hành cung làm nơi dừng chân tổ chức yến ẩm (sau những nơi này đều lập đền thờ phụng ngài). Lúc đó ở đất Nam Trực có giặc Nam Chiếu (tức quân Ai Lao) hơn trăm vạn hùng binh gây loạn.

Lúc ấy Cao Vương cất binh thảo phạt, một ngày đi qua đền thờ hai ngài (Lang Công, Bảo Công) ở trang Nam Trì, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam thấy nhân dân và địa thế của đền thờ huy hoàng có nhiều cuộc đất quý (nơi nhân dân ở đều bằng phẳng vả lại có chân long tú khí, voi ngựa ẩn trong, rồng mây gặp gỡ, sao ra khỏi núi "Phượng Hoàng hàm thư" ở giữa cõi đất (Thư: là đất Bảo Tàng vậy) hai bên lớp lớp chầu về đền thờ).

Vì sao một ngôi đình làng ở Hưng Yên lại thờ pháp sư phong thủy Trung Quốc Cao Biền? - Ảnh 2.

Cổng đình - đền Nam Trì. Ảnh: HĐ

Cao Vương biết đất ở đây ắt có thần linh bèn dừng chân ở đền thờ hai ngài trú ở đó một đêm. Lúc đó (ngày mồng 10 tháng 3), nhân dân (tức các giáp ở khu bốn trang Nam Tri) đều làm lễ bái mừng.
Đêm đó, Cao Vương nằm trong đền bèn khấn thầm rằng: "Nay ta dẫn binh thảo phạt giặc Nam Chiếu, thần có anh linh xin giúp đỡ nước nhà, thảo phạt quân giặc thành công ắt có phong tặng mĩ tự, nguyện sau này vua tôi cùng miếu thờ cùng chiếu há chẳng tốt đẹp lắm thay!".

Vì sao một ngôi đình làng ở Hưng Yên lại thờ pháp sư phong thủy Trung Quốc Cao Biền? - Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Sơn, thủ từ đình- đền Nam Trì cho biết, trước kia đình Nam Trì được xây dựng cách đình mới khoảng gần 100m nhưng do bom đạn chiến tranh tàn phá (năm 1953) nên đến năm 2007 nhân dân làng Nam Trì phát tâm xây dựng lại đình và đền mới để thờ phụng các vị Bảo Công tức Lữ Gia, Lang Công tức tướng Nguyễn Danh Lang, thánh địa lý phương Bắc Cao Biền. Ảnh:HĐ

Vương khấn thầm xong đến nửa đêm ngài thiếp đi tựa mơ thấy hai ngài đường đường đầu đội mũ Bách Tinh rực rỡ, long bào ngọc giáp huy hoàng. 

Một người cưỡi ngựa trắng cao hơn bảy thước, tay cầm Kim đao, một người cưỡi hổ vàng tay cầm Phủ việt. Cao Vương hỏi rằng: "Là danh tướng ở đâu đến?".

Một ngài nói rằng: "Thần vốn là Trung thiên Bảo quốc"; một ngài nói rằng: "Thần vốn là Trung lang Tế thế đều là tướng lĩnh đại thần của nhà Triệu. Nay thấy ngài đi dẹp giặc chúng thần dám xin theo ngài đi chinh phạt ngầm phù giúp hai bên của ngài, chỉ xin ngài làm đúng như lời giao ước". 

Nói xong, Biền Công bỗng nhiên tỉnh lại biết đó là mộng báo bèn cho mời phụ lão và nhân dân (tức trang Nam Trì) đến nói rằng: "Nay ta phụng mệnh vua Đường sai đến nước Nam làm quan đô hộ, nay giặc Nam Chiếu dấy binh ta dẫn quân thảo phạt dẫn binh đi qua đất của nhân dân xem xét thế đất cũng có quý địa, đền thờ lập ở đúng huyệt "Phượng Hoàng hàm thư" (tức đền thờ hai ngài và quán công đồng. nơi đất tốt ắt nhân dân giàu có và nhiều người làm công hầu" (sau thành đất cấm). 

Vì sao một ngôi đình làng ở Hưng Yên lại thờ pháp sư phong thủy Trung Quốc Cao Biền? - Ảnh 4.

Bia minh đình Nam Trì do Thượng tọa Thích Thanh Quyết phụng soạn được khắc vào đá, có những đoạn nói rõ chuyện Thành hoàng làng hiển linh ứng báo: Thiện duyên đã hội, quả phúc tạo nhanh. Đình thờ các vị Thượng đẳng phúc thần Đại tướng Nguyễn Danh Lang, Tể tướng Lữ Gia, hai thánh địa lý Cao Biền, Tả Ao (được phong Thành hoàng làng vào triều Nguyễn). Ảnh: HĐ

Xong việc, Vương bèn cất quân đến thẳng nơi quân giặc đóng để thảo phạt, khi Vương cầm quân luôn thấy quân tướng của Bảo Công và Lang Công đi theo phù giúp ở hai bên mắt luôn thấy họ. 

Đến nơi giặc đóng thì đánh một trận lớn trời đất bỗng tối sầm, sấm chớp dữ dội quân giặc thua chạy kẻ bị chém không đếm xuể. Một trận bình được giặc Vương bèn đưa quân về Ngọc Khê cung ngày hôm đó (ngày mồng 10 tháng 7), nhân dân làm lễ bái tạ, Vương bèn làm lễ bái tạ hai ngài tại công đồng quán. 

Thiên hạ thanh bình, nhân dân no đủ giàu có

Xong việc, Vương bèn bảo nhân dân rằng: "Quán cộng đồng này lấy làm đường chính, ở đền này ta cùng hai ngài tổ chức tiệc mừng, ta là người mở đầu muôn thuở không thay đổi. Ta từ khi phụng mệnh xuống đất Nam làm đô hộ vì có giặc Nam Chiếu nổi lên thành đại loạn, nhân dân lầm than do đó phải đích thân di dẹp yên chúng. 

Duy chỉ đến đây xem xét thế đất và dân tình có nhiều điềm lành chung đúc thấy đất lập đền thờ biết có thần linh bèn vào trú binh một đêm. 

Quả nhiên thấy hai vị xin theo giúp nước, xin làm tướng phù giúp hai bên có giao ước phối hưởng cùng chiếu tình cảm như huynh đệ, dẫu âm dương hai đường nhưng cùng chung một khí, tuy Nam - Bắc phân kỳ cũng là từ một trời mà ra. Nay ta kết làm vua tôi, huynh đệ cùng hưởng hương hỏa ngàn năm để tỏ rõ tiếng thơm muôn thuở chẳng mất của nước Nam".

Vì sao một ngôi đình làng ở Hưng Yên lại thờ pháp sư phong thủy Trung Quốc Cao Biền? - Ảnh 5.

Trong hậu cung đình Nam Trì thờ các vị thánh Bảo Công tức Lữ Gia, Lang Công tức tướng Nguyễn Danh Lang, thánh địa lý phương Bắc Cao Biền. Ảnh: HĐ

Nhân dân (tức khu hai Nam Trì) vâng mệnh, Vương bèn ban cho nhân dân vàng bạc để sau này sửa sang đền miếu và xây thêm các cung vọng và nơi tế tự để thờ riêng ngài ở đó (đền đó ở khu hai của Nam Trì và khu hai của Bảo Tàng và Đới Khê, Nam Trì và Bảo Tàng thờ hai vị, Đới Khê thờ Quốc vương Thiên tử). 

Nói xong, Vương trở về đô phủ lại phá núi mở cảng biển để thông thương các nước. Từ đó thiên hạ thanh bình nhân dân no đủ giàu có đều đội ơn của Vương lớn tựa trời đất. Sau vua Đường lại triệu Vương về sai đi nhậm chức Thái thú ở nước Bình Châu, trải được mười năm đến ngày mồng 10 tháng 8 năm Quý Tị ngài hóa ở đất ấy. 

Vì sao một ngôi đình làng ở Hưng Yên lại thờ pháp sư phong thủy Trung Quốc Cao Biền? - Ảnh 6.

Bên phải gian hậu cung có ban thờ thánh địa lý phương Bắc Cao Biền. Ảnh: HĐ

Nước Nam đội ơn của Vương đều lập đền thờ phụng ngài đều tuân theo chữ ở tước hiệu là: Đô hộ mà thờ ngài (lúc ấy trang Nam Trì thờ hiệu ấy). Sau nhà Tống phong làm: Quốc vương Thiên tử Đại vương; thứ hai là: Trung thiên Bảo quốc Đại vương; thứ ba là Trung lang Tế thế Đại vương (lúc đó khu ba trang Nam Trì cùng thờ phụng ở đền chính là hội đồng quán, được thờ ở giữa và hai ngài hai bên ba khu cùng tế sau mới tách riêng).