Chùa Bà Đanh ở Hà Nam thờ một trong 4 vị thần Tứ Pháp, giờ có còn vắng như lời đồn?
Chùa Bà Đanh ở Hà Nam thờ một trong 4 vị thần Tứ Pháp, giờ có còn vắng như lời đồn?
Mai Chiến
Thứ tư, ngày 09/08/2023 13:30 PM (GMT+7)
Chùa Bà Đanh (thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) được biết đến là ngôi chùa chứa đựng truyền thuyết linh thiêng, huyền bí, gắn liền với câu nói "Vắng như chùa Bà Đanh". Vậy thực hư ra sao, ngày nay ngôi chùa còn vắng như lời đồn thổi?
CLIP: Chùa Bà Đanh (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) từ lâu đã gắn liền với câu nói "Vắng như chùa Bà Đanh". Chùa Bà Đanh thờ Pháp Vũ, tức Bà Đanh-một trong Tứ pháp trong tâm linh của người Việt. Video: Mai Chiến.
Giải mã tên gọi chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn Tự. Trước đây, chùa Bà Đanh vốn là ngôi đền nhỏ nằm trong khu rừng đầu làng ven sông Đáy, do người dân địa phương lập thờ Pháp Vũ - 1 trong 4 Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đây là 4 vị thần được tôn phong là Phật, gồm thần Mưa, thần Mây, thần Sấm, thần Chớp.
Đến năm Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông (1676 - 1680) thì ngôi chùa được nâng cấp và xây dựng rộng rãi hơn.
Ngày nay, người dân địa phương đang truyền tai nhau 2 cách lý giải tên gọi chùa Bà Đanh. Có người cho rằng, trước đây, chùa Bà Đanh nằm ở 1 vùng đất bãi rộng, xung quanh là sông, cây cối rậm rạp, ít người qua lại nên chùa lúc nào cũng vắng bóng người.
Có người thì nói rằng, trong chùa thờ nữ thần linh thiêng (đức thánh bà Pháp Vũ), lại nằm trên địa bàn thôn Đanh Xá, nên gọi tắt là chùa Bà Đanh.
Hơn chục năm về trước, nếu so với nhiều ngôi chùa cổ kính khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam thì lượng du khách đến chùa Bà Đanh tham quan rất ít. Tuy nhiên, những năm gần đây, do được đầu tư, nâng cấp 1 số hạng mục, nên chùa Bà Đanh không còn vắng bóng như lời đồn thổi, lượng du khách đến chiêm ngưỡng, vãn cảnh chùa ngày một tăng lên, nhất là vào dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần…
Để đi vào chùa Bà Đanh, du khách phải đi qua cây cầu treo Cấm Sơn bề thế, bắc qua con sông Đáy hiền hòa. Đi trên cầu, du khách có thể nhìn thấy nóc chùa Bà Đanh lấp ló dưới những tán cây cổ thụ ngút ngát màu xanh.
Hiện tại, lối vào chùa Bà Đanh không còn cỏ dại um tùm như trước đây, mà thay vào đó là hệ thống sân vườn rộng, sạch sẽ, đẹp và thoáng mát. Trên tấm biển bằng đá có khắc chữ "Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh - núi Ngọc".
Con đường dẫn vào chùa Bà Đanh và núi Ngọc được lát đá sạch sẽ, rộng khoảng 2,5m; hai bên đường là vườn vải, vườn nhãn cổ có tuổi đời hàng chục năm, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh, khiến du khách bị hút hồn khi có dịp ghé thăm.
Chùa Bà Đanh mặt hướng ra con sông Đáy. Trước chùa là Cổng Tam quan được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng. Cổng có 3 gian, 2 tầng, 4 mái lợp ngói nam, ngăn cách giữa 2 mái là hàng lan can gỗ với những trấn song con tiện, ở dưới là hệ thống cửa gỗ lim đơn giản, không chạm khắc hoa văn. Đặc biệt, trên nóc cổng Tam quan có đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Hai bên cổng Tam quan là hai cổng nhỏ có tám mái, cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt. Hằng ngày, hệ thống cửa ở cổng Tam quan luôn "cửa đóng, then cài", chỉ khi nào nhà chùa có sự kiện lớn thì mới mở, du khách ra - vào chùa bằng cổng phụ.
Kiến trúc độc đáo của chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ, tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn với Tam quan, nhà Bái đường, nhà Trung đường, nhà Thượng đường, nhà Tổ, Phủ mẫu, nhà khách… Trải qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp, tôn tạo, chùa Bà Đanh mới rộng rãi, sạch sẽ và uy nghiêm như ngày nay.
Qua quan sát, nhà Bái đường có 5 gian, hai đầu bít đốc, lợp ngói nam, trên bờ nóc có đồi rồng chầu mặt nguyệt. Trước nhà Bái đường có lư hương đá và đôi đèn đá. Hai bên nhà Bái đường là dãy hành lang.
Toàn bộ vì kèo nhà Bái đường được làm bằng gỗ lim, trên các vì kèo có chạm khắc ở 2 mặt với các đề tài như tứ linh (long, lân, quy, phượng), ngũ phúc (năm con dơi), lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trời), tứ quý (tùng, mai, trúc, cúc). Hay các đề tài động thực vật được kết hợp với nhau như đề tài mai điểu (chim điểu và hoa mai), tùng mã (cây tùng và con ngựa).
Ngoài ra, trong các đề tài trang trí ở đây còn có nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn nhụy, phách, sáo; các đồ vật như quạt, ống tiêu, quả bầu đựng rượu...
Các mảng chạm khắc được kết hợp cả hai phương pháp là nhấn chìm và chạm nổi, với đường nét chạm thoáng, uyển chuyển, bố cục cân đối và hợp lý đã làm cho các mảng chạm khắc trở nên linh hoạt, có hồn và rất sinh động…
Sau nhà Bái đường là nhà Trung đường, gồm 5 gian, hai đầu bít đốc, lợp ngói nam. Tiếp sau nữa là nhà Thượng điện (cung cấm), có nhiều tượng thờ như tượng Tam thế, tượng Ngọc Hoàng, tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng đức thánh bà Pháp Vũ.
Trong đó, tượng đức thánh bà Pháp Vũ (hay còn gọi tượng Bà Đanh) được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng, với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai đã tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.
Cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bà Đanh cũng thờ Phật. Bên cạnh đó, còn thờ Mẫu, Đức thánh Trần…
Nằm trong khuôn viên chùa Bà Đanh còn có núi Ngọc, nằm cạnh con sông Đáy. Xung quanh sườn núi và trên đỉnh núi cây cối mọc vươn cao, cành lá xum xuê. Du khách có thể trải nghiệm leo lên đỉnh núi Ngọc.
Đứng trên ngọn núi Ngọc, du khách như được hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây. Ngay dưới chân núi Ngọc có một ngôi đền cổ, thờ một ông nghè có công với dân làng.
Hiện nay, trong chùa Bà Đanh còn lưu giữ nhiều bia đá cổ; khánh đá; đôi rồng đá ngậm viên ngọc và đôi hổ đá được chạm khắc tinh xảo, đặt phía mặt sau cổng Tam quan. Trong đó, đôi rồng đá được bố trí dọc theo hai bên bậc lên xuống, theo thế đối xứng, chầu vào nhà Bái đường.
Năm 1994, chùa Bà Đanh và núi Ngọc (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) được Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.