Nông dân xuất sắc năm 2023 ở Hậu Giang sở hữu 6ha lúa, 7ha ao nuôi cá nước ngọt
Hiện nay, vào đợt thu hoạch cá thát lát, nên từ tờ mờ sáng, ông Lê Hoàng Duyên (SN 1956 ngụ xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã tất bật chuẩn bị lưới cùng các ngư cụ đi thu hoạch.
CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ Hậu Giang-ông Lê Hoàng Duyên ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ chia sẻ về mô hình trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, trong đó có con cá thát lát. Video: Mai Anh
Vừa kéo mẻ lưới nặng tay, ông Duyên phấn khởi trao đổi với phóng viên Dân Việt: "Tôi gắn liền với con cá cũng 20 năm nay rồi, mình không rời nó được vì mình quá đam mê nó".
Theo ông Duyên, chỉ sau 8 tháng nuôi, ao cá thát lát rộng 1.500m2 cho năng suất khoảng 15 tấn cá thương phẩm. Với giá bán hiện nay 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 100 triệu/đồng.
Ông Duyên kể, cách nay 30 năm, lúc mới ra riêng, ông được cha mẹ cho 2.000m2 đất lúa để lập nghiệp, với tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, lợi nhuận cây lúa ngày càng tăng qua từng năm.
Dần về sau, vợ chồng ông tích lũy vốn, mua thêm đất và phát triển thêm nghề thu mua lúa, chăn nuôi thêm các loại cá nước ngọt đặc hữu của vùng đất Hậu Giang.
Ông Duyên kể: "Tôi làm rất nhiều nghề, từ làm lúa, lập vườn cho đến nuôi cá. Trong đó, đồng lời từ con cá mang về là lớn nhất. Cũng từ chỗ đó mà vào năm 2000, tôi quyết định chuyển qua nuôi cá rô đồng đầu tiên".
Thuở bén duyên với con cá rô đồng, từ 3-4 vụ nuôi liên tiếp, ông Duyên toàn gặp thất bại, thua lỗ gần 100 triệu đồng nhưng ông vẫn không nản lòng. Mãi đến khi phong trào nuôi con cá rô đầu vuông rộ lên, ông bắt theo làn sóng đó mà mạnh dạn nuôi theo. Lần đầu tiên nuôi, chỉ 1 ao, ông Duyên đã trúng đậm thu về lợi nhuận hơn 330 triệu đồng. Từ cột mốc đó, lão nông này quyết chí duy trì và phát triển mạnh ngành nghề này cho đến nay.
Ông Duyên bật mí: "Nuôi cá vốn không khó, trong quá trình nuôi chỉ cần lưu ý về nguồn nước và con giống. Để thu lợi nhuận chắc ăn, mình phải luân phiên thời điểm nuôi cũng như nuôi kết hợp nhiều loại cá khác nhau, cá này rớt giá cũng còn cá khác gỡ lại".
Sau 30 năm cần cù chịu khó, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, hiện ông Duyên đã sở hữu 6ha lúa và 2 kho lúa với quy mô 700 tấn. Đặc biệt có đến đến 17 ao nuôi cá thát lát kết hợp cá sặc rằn, cá rô đầu vuông, cá trê vàng và cá lóc với tổng diện tích mặt nước hơn 7 ha.
Chỉ tính riêng lợi nhuận từ con cá nước ngọt giúp ông bỏ túi lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm.
Sở hữu gia tài đáng mơ ước, thế nhưng ông Duyên rất giản dị, vẫn duy trì thói quen đi làm khi trời chưa hửng sáng, về đến nhà trăng đã mọc khỏi đầu.
Lão nông này vẫn luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị hơn nữa của con cá thát lát (một loại cá đặc sản vùng đất Hậu Giang). Dù đã 67 tuổi nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao kinh nghiệm cho bản thân.
Ông Duyên nói: "Cái khó của con cá chính là đầu ra, hiện nay thị trường bấp bênh quá. Thời gian tới, tôi dự định nghiên cứu để chế biến thành phẩm con cá thát lát, tham gia OCOP. Đồng thời, tìm hiểu mở rộng thị trường".
Để thực hiện chặng đường ấy, hiện nay vùng nuôi cá nước ngọt của ông Duyên đều được đầu tư 1 cách bài bản và hiện đại.
Với quy mô 7,5ha diện tích ao, ông Duyên chia làm 17 ao nuôi (ao nhỏ nhất rộng 1.500m2, ao lớn nhất rộng 3.000m2 ). Ông cũng chuyển dần sang phương pháp lót bạt dưới ao nuôi, nhằm giảm chi phí vệ sinh ao nuôi, giảm nhân công lao động và tạo điều kiện cho việc thu hoạch dễ dàng, ít hao hụt.
Đồng thời, đầu tư cải thiện việc vận hành hệ thống thay nước bán tự động để giảm thời gian, nhẹ công thay nước ao nuôi, đầu tư hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời.
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu, mới đây, ông Lê Hoàng Duyên ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.