Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lai Châu là người trồng nấm bổ dưỡng mà xây nhà lầu, sắm xe hơi

Thanh Ngân - Tuấn Hùng Thứ hai, ngày 07/08/2023 12:43 PM (GMT+7)
Xây nhà lầu trồng nấm đông trùng hạ thảo, ông Đào Huy Cương, ở tổ 6 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Ông được bình chọn là một trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".
Bình luận 0

Bỏ ra nửa tỷ đồng để học nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo

Nhà ông Cương nằm ngay bên lề quốc lộ 4D, thuộc tổ 6 (phường Quyết Tiến, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Đó là ngôi nhà 4 tầng rộng rãi, khang trang. Ít ai nghĩ, ngôi nhà nhìn như khách sạn ấy lại được ông Cương dành phần lớn diện tích để nuôi nấm đông trùng hạ thảo.

Clip: Cận cảnh cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Đào Huy Cương, Nông dân Việt nam xuất sắc đến từ tỉnh Lai Châu.

Thấy chúng tôi đến, ông Cương hồ hởi bắt tay, rồi mời vào bàn uống nước. Rót thứ nước sóng sánh như mật ong ra cốc mời khách, ông Cương bật mí: "Đây là nước nấm đông trùng hạ thảo tươi, pha như chè, dễ uống lại tốt cho sức khỏe". Đúng như lời ông Cương nói, nước pha nấm đông trùng hạ thảo không chỉ dễ uống, mà còn có vị ngậy và thanh mát.

Ngược dòng thời gian, ông Cương chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên cũng như những khó khăn của ông khi đến với nghề nuôi nấm đông trùng hạ thảo.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lai Châu là người giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo - Ảnh 2.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Cương được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO: 22000 - 2018. (Ảnh: Tuấn Hùng)

"Tôi đến với nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo cũng rất tình cờ. Năm 2012, anh rể tôi mắc bệnh ung thư. Lần mò tìm hiểu trên mạng internet, xem có loại thuốc nam nào hỗ trợ điều trị căn bệnh quái ác này không, tôi tình cờ đọc được bài báo viết về công dụng của nấm đông trùng hạ thảo. Nấm đông trùng hạ thảo rất tốt cho những người bị bệnh ung thư và mắc bệnh hiểm nghèo. Nhận thấy tác dụng của nấm đông trùng hạ thảo, tôi mới nảy ra ý định học nghề trồng nấm này" – ông Cương nhớ lại.

Nói là làm, ông Cương dành thời gian theo học kĩ thuật trồng nấm ở dưới xuôi. Tuy nhiên, khi trở về Lai Châu trồng thử nghiệm nấm đông trùng hạ thảo, ông Cương liên tiếp gặp thất bại. Không nản lòng, ông Cương tiếp tục kết nối với một số bạn bè cùng theo học.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lai Châu là người giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo - Ảnh 3.

Năm 2014, ông Cương nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Từ chỗ anh bạn ở Vĩnh Phúc, tôi biết được có ông thầy người Thái Lan đang đi du lịch ở Việt Nam. Ông thầy này giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Thế là tôi bàn với mấy anh em thuê ông thầy Thái Lan hướng dẫn kĩ thuật trồng nấm. Chi phí thuê thầy khá đắt đỏ. Tôi cùng với mấy anh em đó, mỗi người phải bỏ ra 500 triệu đồng mới được ông thầy Thái Lan chuyển giao kĩ thuật đấy" – ông Cương tiết lộ.

Năm 2014, sau khi được ông thầy Thái Lan chuyển giao kĩ thuật, ông Cương tự tin áp dụng vào trồng nấm đông trùng hạ thảo. Và ông đã thành công. Lúc này, ông Cương mới tìm ra nguyên nhân khiến những lần trồng thử nghiệm nấm đông trùng hạ thảo thất bại trước đây.

Thành tỷ phú từ nuôi nấm bổ dưỡng

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lai Châu là người giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo - Ảnh 4.

Phòng nuôi nấm đông trùng hạ thảo được ông Cương thiết kế bài bản, khoa học. (Ảnh: Thanh Ngân)

Sau khi nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, ông lại gặp phải khó khăn về đầu ra. Từ năm 2014 – 2019, ông Cương chỉ sản xuất cầm chừng, quy mô nhỏ, chứ không hoành tráng như bây giờ.

"Mất gần 2 năm tìm hiểu, học hỏi và trải qua nhiều thất bại, cuối cùng tôi mới thành công nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Đến khi thành công thì tôi lại gặp phải khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. 

Vì thương hiệu chưa có lại chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra không bán được, năm nào gia đình cũng phải bù lỗ. Cũng may, tôi còn có thu nhập từ bán sơn xe máy, ô tô nên mới cầm cự được đấy" – ông Cương kể lại.

Theo ông Cương, năm 2020, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông mới được cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo do gia đình ông sản xuất dần được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến. Lúc này, ông Cương mới tính đến chuyện mở rộng quy mô sản xuất.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lai Châu là người giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo - Ảnh 5.

Hiện cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Cương tạo việc làm, thu nhập cho hơn 70 lao động. (Ảnh: Thanh Ngân)

Từ 1 phòng nuôi chưa đầy 100m2, đến nay, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Cương có tổng cộng 6 phòng nuôi, trong đó có 5 phòng nuôi rộng từ 150-200m2.

Dẫn chúng tôi đi thăm phòng nuôi nấm đông trùng hạ thảo trên tầng 2, ông Cương vui vẻ cho biết: "Từ tầng 1 cho đến tầng 4, tầng nào tôi cũng thiết kế phòng nuôi nấm đông trùng hạ thảo. Các phòng nuôi đều được lắp đặt đầy đủ hệ thống hút ẩm, tạo ẩm, máy lạnh, bóng điện… đảm bảo môi trường tốt nhất cho nấm sinh trưởng, phát triển".

Phòng nuôi được ông Cương thiết kế khá bài bản, khoa học. Trong phòng là hệ thống giàn nuôi được kê ngay ngắn, mỗi giàn có 6 tầng, tầng nào cũng đầy ắp các hộp nấm được bịt kín nilon. Hương thơm từ những hộp nấm đông trùng hạ thảo tỏa khắp phòng nuôi.

Chỉ tay vào những hộp nấm, nằm san sát trên giàn trong phòng nuôi, ông Cương cho hay: "Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo do cơ sở sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Nấm đông trùng hạ thảo được tôi nuôi cấy trên giá thể chủ yếu là nhộng con nhộng say cộng thêm ít gạo tẻ râu. Những giá thể này được cho vào hộp nhựa bịt kín nilon.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lai Châu là người giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo - Ảnh 6.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Cương được nhiều khách hàng tin dùng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trồng nấm đông trùng hạ thảo gồm nhiều công đoạn. Trước tiên phải tạo giống cấp 1 thể thạch, từ 5 – 7 ngày, sau đó tạo giống cấp 2 thể nước cũng từ 5 – 7 ngày. Sau khi cấy giống cấp 2 vào giá thể là nhộng nguyên con hoặc nhộng say bắt buộc phải ủ tối khoảng 7 ngày. Trước đó, giá thể phải được đưa vào lò hấp khử trùng, diệt khuẩn ở nhiệt độ 121 độ C. Hết thời gian ủ tối thì kích sáng để kích thích nấm nảy mầm".

Theo ông Cương, các công đoạn từ tạo tạo phôi đến nuôi trồng phải được thực hiện ở phòng nuôi với nhiệt độ, ánh sáng phù hợp. Độ ẩm phòng nuôi khoảng 85 độ C là phù hợp. Nhiệt độ thích hợp cho nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng và phát triển dao động từ 18 – 20 độ C.

"Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo quan trọng nhất là khâu khử trùng, diệt khuẩn. Khâu chọn giống cũng rất quan trọng. Tôi phải mất khá nhiều thời gian và từ nhiều chủng giống mới chọn được chủng giống tốt như hiện nay. Khi mua nhộng tươi về, tôi cho vào tủ lạnh để bảo quản, khống chế vi khuẩn phát triển. các loại giá thể để tạo giống cấp 1, cấp 2 đều phải hấp khử trùng, diệt trùng trước khi thực hiện. Trước đây, do không chú ý đến khâu khử trùng, diệt khuẩn nên tôi liên tiếp thất bại trong những lần trồng thử nghiệm" – ông Cương chia sẻ.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lai Châu là người giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo - Ảnh 7.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Cương đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Qua câu chuyện với ông Cương, được biết, ông trực tiếp thực hiện các khâu quan trọng như nhân giống, tạo giống, cấy giống vào giá thể. Các công đoạn khác do công nhân thực hiện. Hiện cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông có hơn 70 công nhân. Công nhân được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ thực hiện một công đoạn như: Làm giá thể, thu hái, chăm sóc trong phòng nuôi, đóng hàng, vệ sinh.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của ông Cương cho "ra lò" từ 2500 – 8000 hộp nấm đông trùng hạ thảo tươi. Hiện cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông Cương có 6 sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP, đó là: Đông trùng hạ thảo nguyên con khô, đông trùng hạ thảo bột hòa tan, đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên đế, đông trùng hạ thảo ký chủ nhộng khô, đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi.

Mỗi năm, bán ra thị trường các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo với nhiều mức giá khác nhau, ông Cương thu hơn 10 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, ông Cương lãi từ 1 – 1,5 tỷ đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cương còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 70 lao động ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem