Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu viên nén có xu hướng giảm, đạt hơn 2 triệu tấn với giá trị gần 325 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 8,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Sau giai đoạn tăng nóng trong nửa cuối năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu viên nén trung bình của Việt Nam đã giảm nhẹ, đạt xấp xỉ 157 USD/tấn.
Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là hai thị trường nhập khẩu phần lớn viên nén của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào hai quốc gia trên luôn chiếm gần 100% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam từ tất cả các thị trường trong suốt giai đoạn 2019 đến nay.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,16 triệu tấn viên nén từ Việt Nam, trị giá hơn 195 triệu USD, tăng 5,65% về lượng và 28,88% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cùng giai đoạn, Hàn Quốc nhập khẩu hơn 840.000 tấn viên nén của Việt Nam, trị giá gần 116 triệu USD, giảm hơn 33% về lượng và gần 43% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thời điểm tháng 6/2023, giá xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc chỉ còn 105 USD/tấn, giảm 43% so với mức đỉnh 185 USD/tấn của tháng 12/2022.
Trái lại, mức giá xuất khẩu viên nén sang Nhật Bản hiện vẫn đạt 153 USD/tấn, chỉ giảm dưới 18% so với mức giá trần ghi nhận nửa năm trước đó.
Tuy nhiên, thống kê của VIFOREST cho thấy, trong giai đoạn tăng trưởng "nóng" của thị trường viên nén, số doanh nghiệp viên nén tham gia thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 nhưng sau đó sụt giảm đáng kể trong sáu tháng đầu năm 2023 do tình hình bất lợi của thị trường xuất khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số doanh nghiệp xuất khẩu viên nén tại Việt Nam đã giảm từ 109 doanh nghiệp năm 2022 xuống 88 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023.
Các chuyên gia của VIFOREST, Forest Trends dự báo, cầu viên nén trên thế giới sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD tới năm 2030. Cầu viên nén tại Nhật Bản tới năm 2030 tăng khoảng 3 lần so với hiện tại.
Hiện, một số công ty Mỹ chuyển hướng xuất khẩu từ EU sang Nhật Bản, do một số công ty Nhật Bản trả giá ưu đãi đối với các hợp đồng có mức giá cố định. Các hợp đồng dài hạn đối với thị trường Nhật Bản ký từ năm 2021 bắt đầu giai đoạn mở rộng, lượng xuất khẩu vào thị trường này tăng.
Tổng xuất khẩu viên nén từ tất cả các thị trường vào Nhật Bản trong 6 tháng đầu 2023 tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, bên cạnh xuất khẩu, cầu viên nén cho tiêu thụ nội địa có thể tăng trong tương lai do cam kết giảm phát thải của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp tự giác chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu phát thải cao sang viên nén. Do đó, cần có đánh giá nhu cầu tiêu thụ viên nén nội địa trong tương lai.
Được biết, Erex, một tập đoàn của Nhật Bản bắt đầu sử dụng dăm gỗ để đồng đốt với than ở nhà máy Na Dương (110 MW), sử dụng 6.000 tấn viên nén, đưa tỉ lệ sử dụng biomass từ 5% tới 20% trong tháng 8-9 tới.
Erex cũng xây dựng nhà máy viên nén tại Yên Bái – dự kiến hoàn tháng vào năm 2024 và bắt đầu thương mại vào tháng 1 năm 2025.
"Việc thay thế (một phần) than sang viên nén tại một số nhà máy điện và lò hơi có thể hình thành cầu sử dụng viên nén tại thị trường nội địa trong tương lai", các chuyê gia của VIFOREST nhận định.