Nhật Bản, Hàn Quốc mua đến 97%, thứ viên nén làm từ mùn cưa, gỗ vụn của Việt Nam vẫn đắt hàng
Nhật Bản, Hàn Quốc mua đến 97%, thứ viên nén làm từ mùn cưa, gỗ vụn của Việt Nam vẫn đắt hàng
K.Nguyên
Thứ hai, ngày 06/03/2023 19:19 PM (GMT+7)
Viên nén gỗ là mặt hàng duy nhất trong số các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong 2 tháng đầu năm 2023. Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu của viên nén Việt Nam.
Trong khi nhiều mặt hàng trong nhóm ngành gỗ và lâm sản đều giảm về kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 với mức giảm từ 48 - 64% thì chỉ riêng mặt hàng viên nén gỗ vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu 8%.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 800 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 1/2023 và giảm 10,9% so với tháng 2/2022.
Hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2023 vẫn giảm là do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Dây chuyền sản xuất viên nén tại Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: K.N
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, tình trạng thiếu đơn hàng và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài trong tháng 1/2023 là yếu tố chính khiến trị giá xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh trong tháng 1/2023. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất và có tốc độ giảm mạnh.
Đáng chú ý, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 1/2023, chỉ có mặt hàng viên nén gỗ có trị giá tăng và mặt hàng dăm gỗ có trị giá giảm nhẹ so với tháng 1/2022.
Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu dăm gỗ và viên nén gỗ.
Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, lượng xuất khẩu viên nén tăng mạnh trong năm 2022, đạt trên 4,88 triệu tấn, tăng 39,35% so với 2021. Giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt trên 787 triệu USD, tăng hơn 90% so với 2021.
Đáng chú ý, giá viên nén xuất khẩu trung bình năm 2022 ở mức cao kỷ lục so trong 10 năm trở lại đây và đạt mức kỷ lục hơn 189 USD/tấn vào tháng 12/2022.
Hầu như toàn bộ viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2022 lượng viên nén xuất khẩu sang hai thị trường này chiếm lần lượt 97,5% tổng lượng và 96,7% tổng kim ngạch viên nén xuất khẩu của Việt Nam trong năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, một số yếu tố có thể tác động đến tình hình xuất khẩu và sản xuất viên nén trong năm 2023.
Hiện nay, nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn tại các thị trường đặc biệt tại Nhật Bản và Hàn Quốc cao đang tác động trực tiếp tới mức giá xuất khẩu. Mức giá xuất khẩu viên nén từ Việt Nam đang có xu hướng giảm.
Thông tin đánh giá từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy trong thời gian tới mức giá xuất khẩu vào Hàn Quốc có thể giảm xuống còn 11—120 USD/tấn và vào Nhật Bản còn 150-160 USD/tấn. Đây sẽ là mức giá giảm rất mạnh so với mức giá xuất khẩu hiện tại.
Hàng tồn kho lớn, nguồn cung dồi dào cũng cho phép các doanh nghiệp đặc biệt tại Nhật Bản siết lại các tiêu chuẩn về chất lượng và bền vững. Năm 2022, khi lượng cung vào các thị trường này thiếu hụt, nhiều nhà nhập khẩu tại đây dưới sức ép về nguồn cung không có sự lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận sản phẩm có chất lượng thấp hơn so với kỳ vọng.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, cơ hội này cho các nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam không còn nữa. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đang yêu cầu các nhà cung cấp từ Việt Nam chuẩn hóa về tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm cả các sản phẩm bền vững.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu mở rộng vào nửa đầu của năm 2022 tạo ra làn sóng đầu tư vào sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam, đặc biệt là từ nửa cuối của năm 2022. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đã trải qua giai đoạn “sốt” với mức giá xuất khẩu đang giảm nhanh và điều này có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực rất lớn đặc biệt đối với các nhà máy mới hoặc đang được xây dựng.
Theo thống kê không chính thức từ một số doanh nghiệp trong ngành, năm 2022 đã có khoảng 70 nhà máy sản xuất viên nén được được xây dựng. Đến nay, một số nhà máy đã hoàn thành; nhiều nhà máy vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trong số 70 nhà máy này có khoảng 20 nhà máy lớn, sử dụng công nghệ EU; 50 nhà máy sử dụng công nghệ Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, năm 2023 có thể là một năm thanh lọc đối với các doanh nghiệp trong ngành. Ngành viên nén sẽ không còn là một ngành hấp dẫn như trong năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.