CLIP: Chị Đàm Thu Hoài (thôn Phai Làng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nói về việc giúp đỡ cộng đồng về vốn mà không bao giờ lấy lãi. Chị Đàm Thu Hoài là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Vợ chồng trẻ lập nghiệp với 1 sào ruộng
Tiếp phóng viên trong ngôi nhà 3 tầng, to và đẹp nhất thôn Phai Làng (xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), chị Đàm Thu Hoài kể cho chúng tôi về câu chuyện lập nghiệp ở vùng cao với vô vàn khó khăn của vợ chồng chị.
"Vợ chồng mình khởi nghiệp từ 1 sào ruộng" - chị Hoài bắt đầu kể về câu chuyện lập nghiệp.
Chị Hoài kể, năm 18 tuổi, chị và anh Triệu Văn Nghị cùng nhau xây dựng gia đình. Hai bên gia đình đều đông con, bố mẹ đôi bên làm nông, kinh tế khó khăn. Khi ra ở riêng, bố mẹ chỉ chia được cho đôi vợ chồng trẻ một sào ruộng.
Lúc đó, đến nhà ở cũng chưa có, còn anh Nghị đi làm thợ xây thuê, ở trong làng, trong xã, cứ ai có công việc gì thuê thì làm, mọi thứ bấp bênh, không ổn định. Bởi vậy, chị Hoài vẫn nghĩ phải làm cái gì đó để cuộc sống bớt khó khăn.
Chị Hoài suy nghĩ, khi đó ở Tràng Phái chưa có nhà ai làm nghề thịt lợn, người dân nuôi được con lợn, muốn bán đều phải gọi thương lái từ ngoài chợ cách đó 10km, đường xá xa xôi nên bị ép giá. Người trong xã muốn mua thịt lợn ăn cũng phải đi xa quãng đường 10km mới mua được cân thịt về cải thiện đời sống.
Thế là chị Hoài bàn với chồng việc đi mua lợn của dân bản rồi đem về nhà thịt để bán. Từ đó, vợ chồng chị Hoài ngày ngày thức dậy từ 2 giờ sáng để thịt lợn, trưa nghỉ ngơi, chiều lại đi khắp vùng mua lợn bản. Guồng quay công việc ấy cả chục năm qua diễn ra đều như vắt tranh, không có ngày nghỉ.
Đúng là "đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn", nhờ bán thịt lợn bản mà cuộc sống của vợ chồng trẻ cũng dễ chịu hơn. Năm 2000, chị Hoài quyết định vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để lấy vốn làm ăn, và cũng cất được ngôi nhà mái bằng đầu tiên làm mái ấm của gia đình. Sau đó đến năm 2010, chị đã xây căn nhà gác lớn nhất xã với giá trị khoảng 3 tỷ đồng.
Chị Hoài lại chia sẻ thêm: "Khi làm thịt lợn rồi có vốn, mình lại thấy bà con trong xã thu hoạch hoa hồi, mang hoa hồi đi bán xa quá. Thế là mình lại gom vốn để đứng ra thu mua hồi, rồi tìm nguồn khách hàng tiêu thụ".
Từ khi đứng ra thu mua hoa hồi, chị Hoài nhanh chóng có được lòng tin của khách hàng, nên công việc khá ổn định. Khách hàng cho giá hoa hồi hằng ngày, rồi chị lại thu mua của bà con. Nhờ làm ăn uy tín nên hầu như khách hàng mua hoa hồi không bao giờ phải lặn lội lên tận nơi để xem hàng bao giờ. Chị Hoài chỉ cần gửi hình ảnh và số lượng hoa hồi qua zalo cho khách hàng, sau đó khách hàng sẽ chuyển tiền trả qua tài khoản.
Những giao dịch giữa chị và khách hàng có giá hàng chục triệu đồng hay thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng gần như khách hàng không cần phải đến tận nơi xe hoa hồi. Nguyên nhân bởi chị Hoài không bao giờ cân sai hay báo thiếu cho khách. Đó chính là bí kíp kinh doanh của người nông dân dân tộc Nùng này.
Cũng trong quá trình kinh doanh, vợ chồng chị Hoài nhận thấy nhu cầu đi lại của bà con trong xã xuống Hà Nội khá lớn. Bởi vậy, chị lại bàn với chồng đầu tư 2 xe ô tô loại 16 chỗ để phục vụ việc đi lại của bà con ở địa phương.
"Mình không đi theo xe được nên quản lý bằng cách lắp cửa tự động và camera giám sát. Hơn nữa, lái xe, phụ xe cũng là người thân họ hàng, mình tạo công ăn việc làm cho họ nên việc kinh doanh xe khách cũng tương đối thuận lợi. Lái xe lương 10 triệu đồng/tháng, phụ xe lương 7 triệu/tháng, nhưng xe nào doanh thu cao thì mình thưởng thêm cho họ phấn khởi" - chi Hoài cho biết.
Ngoài buôn bán thịt lợn, thu mua hoa hồi và dịch vụ xe khách, chị gia đình chị Hoài còn làm thêm cả dịch vụ nấu cỗ, kinh doanh loa đài, phông bạt để phục vụ nhu cầu cho bàn con trong vùng. Nhiều gia đình có cưới xin hay ma chay đều được chị giúp đỡ trong khi còn khó khăn.
Một ngày bận rộn là thế, nhưng ít ai ngờ tới chị Đàm Thu Hoài còn nhiều năm làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phai Làng. Những ngày này, chị Hoài còn đang tham gia thi Hòa giải viên giỏi cấp xã.
"Làm thịt lợn, mình tính lãi 200 triệu đồng/năm, thu mua hoa hồi cũng lãi hơn 200 triệu đồng/năm, còn dịch vụ vận tải xe khách cũng lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Cộng thêm các khoản thu nhập khác từ nấu cỗ, cho thuê loa đài... tổng thu mỗi năm gia đình lãi khoảng 600-900 triệu đồng" - chị Hoài chia sẻ.
Sau nhiều năm kinh doanh, tích góp, chị Hoài đã tự mua được cho gia đình được 1,6ha ruộng, 4ha rừng hồi đang cho thu hoạch, 2 xe ô tô chở khách, 1 xe ô tô chở hàng và một xe ô tô dùng đi...
Không chỉ biết làm kinh tế giỏi, chị Hoài còn sẵn lòng giúp đỡ bà con làng xóm khi cần vốn làm ăn. Chị Hoài kể: "Có nhà mua rừng hỏi vay 200 triệu đồng, nhà mua trâu hỏi vay 50 triệu đồng, nhà con ốm đi viện hỏi vay 10 triệu đồng, mình đều cho vay hết mà không bao giờ lấy lãi của ai đồng nào. Mình nghĩ đều là bà con cả, ai khó khăn gì mà mình có thì mình giúp thôi".
Nhận xét về chị Đàm Thu Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Phái Đàm Văn Phúc Cho biết: "Chị Hoài không chỉ là người vượt khó vươn lên, làm kinh tế giỏi, giúp đỡ cộng đồng, nhiệt tình hoạt động xã hội, mà còn là người có uy tín cao trong khu dân cư, khiến ai cũng tôn trọng và quý mến. Nhờ có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế và hoạt động công tác xã hội, chị Hoài đã nhận hàng chục giấy khen, Bằng khen của các cấp từ trung ương đến địa phương".