Tại tỉnh Bình Phước, nhiều nhà vườn đã đầu tư công nghệ, áp dụng khoa học - kỹ thuật trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc. Đây là cơ hội để phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững, nâng tầm giá trị thương hiệu sầu riêng Việt.
Sở hữu vườn sầu riêng có mã vùng trồng được Trung Quốc chấp thuận, ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ khu phố Tân Hưng, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho hay, gia đình ông hiện có 78 ha sầu riêng, trong đó 58 ha đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu về hơn 700 tấn sầu riêng.
Những năm qua, người nông dân như ông luôn nơm nớp lo lắng về đầu ra cũng như giá sầu riêng mỗi khi vào vụ.
Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và cấp mã vùng trồng thì đầu ra đã được doanh nghiệp thu mua ổn định, với giá khá cao từ 60-75 ngàn đồng/kg.
Khi những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch từ Bình Phước lên đường, ông rất phấn khởi và đặt kỳ vọng nhiều vào thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn này.
Theo ông Hùng, nếu các khâu đều làm tốt thì chắc chắn giá sầu riêng bán ổn định, thu nhập người nông dân sẽ tăng cao.
“Hiện nay, có mã vùng trồng rồi, sản phẩm mình xuất khẩu được chính ngạch, không lo bị ép giá như trước nữa. Vườn nhà tôi đã có mã vùng trồng và chứng chỉ GlobalGAP nên sầu riêng Thái thương lái vào trả 75 ngàn đồng/kg, tôi chưa bán” - ông Hùng cho biết.
Sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân trồng sầu riêng thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng (Bình Phước) được thương lái vào tận vườn thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để xuất khẩu sầu riêng lâu dài, bền vững, tránh rủi ro, theo ông Hùng, sầu riêng phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nghiêm ngặt, tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu và các điều kiện kiểm dịch…
Khi thu hái, độ chín của trái sầu riêng ở mức 80-85% để thuận tiện cho vận chuyển, gia công.
Vườn sầu riêng nhà ông Hùng đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến như tưới tự động, camera quan sát vườn cây và sổ sách ghi chú đầy đủ.
Việc ứng dụng công nghệ này đã giúp giảm bớt sức lao động, hiệu quả kinh tế lại rất cao. Hiện ông Hùng đang thuê 80 công nhân chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.
Anh Nghiêm Văn Nam, thành viên Hợp tác xã (HTX) sầu riêng Long Bình, xã Long Bình, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) chia sẻ, gia đình anh hiện có 8 ha sầu riêng, trong đó 2 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 30 tấn.
Đây cũng là một trong những vườn sầu riêng của HTX đã hoàn tất các thủ tục chờ được cấp mã vùng trồng.
Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 5.300 ha sầu riêng. Tính đến tháng 7 năm 2023, đã cấp được 17 mã số vùng trồng, với diện tích 1.015 ha. |
Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị ký kết thì gia đình anh đã được HTX hướng dẫn chuyển sang canh tác theo quy trình VietGAP.
Chuyển đổi quy trình sản xuất, lúc đầu nông dân có nhiều lúng túng khi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, mọi công đoạn của từng thời kỳ đều phải ghi nhật ký nông hộ đầy đủ.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện được vài năm thì mọi thứ đi vào ổn định, nông dân trở nên chuyên nghiệp hơn khi hoạt động canh tác không còn mang tính “ngẫu hứng” mà đều làm theo đúng quy trình kỹ thuật. “Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào vườn cây giúp chúng tôi giảm chi phí nhân công và tăng giá bán nông sản. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm mã QR trên từng cây, từng trái để minh bạch quy trình sản xuất, giúp người tiêu dùng an tâm” - anh Nam cho biết.
Cũng là thành viên HTX sầu riêng Long Bình, gia đình anh Trịnh Thế Hào trồng 2 ha sầu riêng Ri6 và Dona. Hiện chỉ có 1 ha cho thu hoạch nên sản lượng 1 năm đạt khoảng 15 tấn trái.
Để sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, anh chăm sóc vườn theo hướng hữu cơ sinh học. Toàn bộ cỏ trong vườn được cắt bằng máy rồi ủ thành phân, chăm sóc lại cây trồng.
Theo anh Hào, từ khi trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP, việc tưới nước, xịt thuốc, bón phân nhàn hơn hẳn. Chi phí đầu tư giảm mà năng suất tăng, trái sầu riêng cho cơm dày và ngọt hơn. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên 90% cây sầu riêng cho hoa bói chỉ sau 18 tháng trồng. Cây khỏe, tán nhiều, ít sâu bệnh.
Anh Nghiêm Văn Giang, Giám đốc HTX sầu riêng Long Bình cho biết, HTX hiện có 19 thành viên với 90 ha sầu riêng, trong đó hơn 30 ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 650 tấn/năm.
Trung bình 1 ha sầu riêng như năm nay sẽ cho thu từ 1-1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 600-800 triệu đồng.
Từ nhiều năm nay, HTX đã theo đuổi mô hình sản xuất sạch, áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất, đồng thời hoàn tất các thủ tục cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch. Được cấp mã số vùng trồng sẽ đem lại cơ hội lớn cho nông dân lẫn HTX.
Để chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, HTX vận động thành viên tuân thủ quy định, mở rộng vùng sản xuất sạch, đầu tư cơ sở vật chất cho đóng gói, bảo quản theo yêu cầu của đối tác.
“Từ khi Trung Quốc ký Nghị định thư với Việt Nam, năm 2022 giá sầu riêng tăng rõ rệt, chênh lệch từ 10-20 ngàn đồng/kg so với mọi năm” - anh Giang cho biết.
Hiện sầu riêng của các thành viên HTX đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Điều này giúp đầu ra ổn định, nâng cao giá trị trái sầu riêng.
Rõ ràng, trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đã mở ra cơ hội lớn cho nông dân nhưng thách thức cũng không nhỏ.
Thách thức ở đây là phải duy trì và tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc đối với vùng trồng đã được cấp mã số trong suốt quá trình sản xuất.
Do vậy, để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, đòi hỏi mỗi nông dân phải tuân thủ tuyệt đối và coi mã vùng trồng được cấp như tài sản quý nhằm tránh trường hợp phía nước bạn kiểm tra không bảo đảm yêu cầu và trả hàng ngược lại. Nếu sầu riêng bị trả về không chỉ là mất mát của nông dân mà đây là uy tín, thương hiệu sầu riêng Bình Phước và của quốc gia.