Vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, ông Nguyễn Ngọc Út ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã hối hả chuẩn bị đất gieo cấy hơn 20ha lúa thu đông để tận dụng cơ hội giá lúa đang tăng cao.
"Chưa năm nào vụ hè thu giá lúa cao như năm nay, với giá lúa trên 8.000 đồng/kg, gia đình tôi thu lãi 16 - 17 triệu đồng/ha", ông Út cho biết.
Cũng theo ông Út, ông chọn xuống giống lúa IR50404 vì nhu cầu mua loại lúa này cho chế biến, làm bánh, bún đang rất cao.
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Hoàng Nên, thương lái thu mua lúa ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cho biết, trong hơn 20 năm theo nghề xáo gạo, chưa bao giờ anh thấy giá lúa hè thu cao như năm nay, cao hơn cả thời điểm khủng hoảng năm 2008.
"Giá lúa cao nên thương lái khó thu mua, bị bể cọc nhiều. Chúng tôi đặt cọc khi lúa chưa đến ngày cắt, thời điểm đó giá lúa còn thấp, giờ giá lúa lên đến 8.000 đồng/kg, bà con sẵn sàng đền tiền cọc gấp đôi để bán chỗ khác", anh Nên cho biết.
Cũng theo anh Nên, với mức giá lúa như hiện nay, bà con có lãi khá, khoảng 20 triệu đồng/ha.
Giá lúa cao, nông dân có lời nhưng thời điểm này doanh nghiệp thu mua lúa rất dè dặt. "Khoảng 4 ngày nay, giá lúa ổn định hơn chứ tuần trước có ngày lên 2 - 3 giá. Thực ra, với người làm hàng gạo chúng tôi, giá cao đột ngột quá cũng rất sợ, không dám mua nhiều, còn doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước mà mua lúa thời điểm này thì chắc chắn lỗ", anh Nên cho biết thêm.
Anh Nên cho biết thêm, do giá lúa hè thu đang lên cao nên bà con nông dân xuống giống lúa thu đông nhiều hơn. "Những năm trước, giá lúa thấp, giá vật tư tăng, ít người làm lắm nhưng năm nay, diện tích lúa vụ 3 tăng đáng kể", anh Nên nói.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 10/8 tiếp tục xác lập mức giá mới.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 638 USD/tấn, gạo 25% tấm là 618 USD/tấn, trong khi trước đó 1 ngày, ngày 9/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo 25% tấm là 598 USD/tấn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Dương Vũ (trụ sở ở ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho rằng, đây là thời điểm gạo Việt Nam thiết lập mặt bằng giá mới, khẳng định vị thế của gạo Việt trên thị trường thế giới.
"Giá gạo thiết lập mặt bằng mới cao hơn, nông dân trồng lúa bán được giá cao, lời nhiều hơn, họ cũng sẽ yên tâm trồng và gắn bó với cây lúa", ông Hòa nói.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo ở TP.Hồ Chí Minh mong muốn giá lúa gạo bớt "nhảy múa", ổn định hơn để dễ thực hiện các kế hoạch kinh doanh.
"Thời điểm này doanh nghiệp rất khó thu mua lúa nên ai cũng dè dặt, doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng trước mà giờ mới mua lúa là lỗ", đại diện doanh nghiệp này nói.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, nếu Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo trở lại có thể làm dịu lại đà tăng quá mức của giá lúa gạo trong nước để doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ ký bán giá cao trong lúc này.
"Theo tôi quan trọng nhất là giữ vững mặt bằng giá bán để nông dân có lợi, doanh nghiệp cũng dễ mua, còn nếu để giá lúa giảm thì chắc chắn nông dân lại chịu thiệt thòi vì doanh nghiệp không dám ôm tồn kho giá cao, còn "cò" thì cùng lắm là họ bỏ cọc", đại diện doanh nghiệp này thông tin thêm.
Về việc một số doanh nghiệp nói khó thu mua, ông Nguyễn Quang Hòa lại nói rằng, tất cả đều theo quy luật thị trường, giá lúa đang cao mà cứ muốn mua thấp hơn thì rất khó. Theo ông Hòa, điều quan trọng nhất lúc này là giữ ổn định thị trường, thiết lập mặt bằng giá mới cho gạo Việt để đảm bảo nông dân có lãi, khôi phục sản xuất, doanh nghiệp thu mua lúa để chế biến, xuất khẩu dễ dàng.