Như Dân Việt đã đưa tin, TAND TP.Hà Nội đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án ông Lê Thanh Thản "Lừa dối khách hàng" do có nhiều tình tiết không thể làm rõ tại tòa.
Một số bị hại phản ứng quyết định này, cho hay cần giải quyết sớm vụ án để quyền lợi của họ được đảm bảo tốt nhất bởi kéo dài khiến cuộc sống cư dân không thể ổn định.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Lê Vĩnh Thụy (Công ty Luật TNHH Sen Vàng) cho hay, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự; cũng theo khoản 2, Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nếu Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng; nếu do tòa án trả yêu cầu điều tra bổ sung, thời hạn không quá 1 tháng.
Trong trường hợp vụ án ông Lê Thanh Thản, tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát và nếu viện kiểm sát tiếp tục trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, tổng thời hạn điều tra bổ sung là 3 tháng.
Điều 174 còn quy định, viện kiểm sát được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
"Theo luật, khi tòa trả hồ sơ, thời hạn điều tra bổ sung không quá 3 tháng nhưng thực tế, có một số vụ án phức tạp, kéo dài quá thời hạn quy định và thậm chí trả đi trả lại hồ sơ. Các bị hại trong vụ án ông Lê Thanh Thản cần biết điều này", luật sư Thụy nói.
Trường hợp khác, quá trình điều tra bổ sung, cơ quan tố tụng phát hiện tình tiết mới thể hiện ông Thản không phạm tội "Lừa dối khách hàng" mà phạm tội khác nghiêm trọng hơn, như lừa đảo, thời hạn điều tra chắc chắn sẽ kéo dài hơn 3 tháng.
Nói thêm về các bị hại trong vụ án của ông Thản, luật sư Lê Vĩnh Thụy cho hay cơ quan tố tụng có thể sẽ phân hóa họ thành các nhóm khác nhau để giải quyết phần dân sự.
Theo dõi diễn biến phiên tòa và đọc cáo trạng, luật sư Thụy cho rằng có thể chia bị hại theo 2 nhóm, dựa trên mong muốn của họ. Nhóm đầu tiên là muốn giữ lại nhà và mong chính quyền tạo điều kiện cho làm sổ đỏ.
Nhóm tiếp theo là muốn nhận lại tiền gồm 2 trường hợp. Có thể lấy lại phần gốc đã nộp mua nhà kèm lãi đến nay hoặc nhận lại tiền theo giá nhà thị trường, như một bị hại nói tại tòa "là 34 triệu/m2".
"Nguyện vọng giữ nhà, được làm sổ đỏ như nhóm đầu tiên chắc chắn khó thực hiện", luật sư Thụy nêu quan điểm. Ông phân tích, nếu để họ giữ lại nhà, sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị cùng các quy định liên quan.
Luật dân sự cũng quy định, khi giao dịch vô hiệu, các bên "trả cho nhau những gì đã nhận" kèm bồi thường thiệt hại nếu có. Do vậy nếu để người dân giữ lại nhà, sẽ không phù hợp luật.
Người dân vẫn có thể giữ lại nhà theo luật sư Thụy nhưng cần sự thống nhất của nhiều cấp chính quyền, bộ ngành nhưng trường hợp này "khó xảy ra". Tòa án hay cơ quan tố tụng chỉ có thể đề nghị chứ không thể quyết định điều này.
Do vậy, phương án người dân trả lại nhà, nhận tiền bồi thường từ ông Thản có tính khả thi hơn. Bồi thường bao nhiêu sẽ do các bên thỏa thuận nhưng sẽ bao gồm tiền mua nhà, lãi kèm theo và các thiệt hại khác nếu có như tổn thất tinh thần, công vận chuyển đồ đạc…