TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Người phụ nữ xâm hại tình dục nhiều trẻ em; xét xử ông Lê Thanh Thản

A.Đ (T/H) Thứ năm, ngày 10/08/2023 19:44 PM (GMT+7)
Người phụ nữ xâm hại tình dục nhiều trẻ em; xét xử ông Lê Thanh Thản; Giám đốc chi nhánh "đút túi" hơn 2 tỷ đồng của công ty để đánh bạc... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Người phụ nữ xâm hại tình dục nhiều trẻ em

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 10/8, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên án sơ thẩm đối với Trần Thị Bé Tư (62 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) 23 năm tù về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" và "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Người phụ nữ xâm hại tình dục nhiều trẻ em  - Ảnh 1.

Trần Thị Bé Tư bị tuyên án tù vì hành vi đê hèn của mình. Ảnh: An An

Theo cáo trạng, ngày 1/5/2022, Bé Tư cùng "chồng hờ" là ông Đ.V.D. đến nhà người quen tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu chơi. Tại đây, có 2 bé trai 7 và 12 tuổi là con riêng của ông D., và bé gái 11 tuổi.

Sau đó, Bé Tư đã dùng dụng cụ tình dục xâm hại vào bộ phận sinh dục của bé gái và thực hiện hành vi xâm hại tình dục, tác động lên bộ phận sinh dục của hai bé trai, gây ra một số tổn thương ở bộ phận sinh dục cho các bị hại.

Xét xử ông Lê Thanh Thản

Như Dân Việt đã thông tin: Lời khai của bị cáo Lê Thanh Thản sáng 10/8 tại TAND TP.Hà Nội. Vị "đại gia điếu cày" hầu tòa với cáo buộc lừa dối khách hàng khi quảng cáo căn hộ tại chung cư CT6 Kiến Hưng được cấp sổ đỏ. Qua đây, ông bán được các căn hộ, thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Thản đề nghị mua lại căn hộ của người dân - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Thản tại toà sáng 10/8.

Khai tại tòa, ông Thản đề nghị các phương án. Một là nếu không được cấp sổ đỏ thì chuyển đổi đất căn hộ thành diện tích đất ở; sau đó, căn hộ sai phạm chuyển thành khách sạn theo đúng quy hoạch ban đầu. Hai là phía Công ty Bemes mua lại các căn hộ của cư dân. Thời gian qua, Công ty Bemes cũng đã thỏa thuận và mua lại 13 căn hộ.

Cũng theo bị cáo, Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2010 và đến năm 2012 thì hoàn thiện. Về mặt quy hoạch, khu tổ hợp Bemes có 3 lốc. Theo đúng quy hoạch, lốc 1 và 3 là nhà ở còn lốc 2 nằm ở giữa là khách sạn và văn phòng cho thuê.

"Lúc bấy giờ công ty nghĩ xây dựng khách sạn, văn phòng ở giữa các căn hộ là không hợp lý nên đã xin chính quyền chuyển đổi lốc giữa thành căn hộ. Khi được sự đồng ý, Công ty Bemes bắt tay vào xây dựng ngay và không làm các thủ tục tiếp theo dẫn đến sai phạm bây giờ. Ở đây không phải sai quy hoạch mà sai công năng, còn kết cấu của tòa nhà, diện tích không thay đổi", ông Thản khai.

Sau khi xét hỏi bị cáo Lê Thanh Thản và một số bị hại, tòa án cho rằng có những chi tiết không thể làm rõ trong quá trình tranh tụng nên quyết định trả hồ sơ.

Theo cáo trạng, công ty Bemes được UBND Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng ông Thản với cương vị là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bemes đã chỉ đạo thi công vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng.

Ông Thản tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với khối nhà cao tầng, ông đã chỉ đạo tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng. Bemes còn xây dựng tăng căn hộ và xây thêm một tòa CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt.

Ông Thản bị cáo buộc từ tháng 3/2011 đã chỉ đạo cấp dưới quảng cáo "thông tin gian dối về tính pháp lý" của dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật. Cụ thể, vị này quảng cáo dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất...

Nhiều khách hàng tin tưởng nên đã ký hợp đồng mua bán nhà với công ty Bemes. Tại các hợp đồng này, ông Thản với vai trò Tổng giám đốc đã trực tiếp ký với khách hàng, cam kết các điều khoản với mục đích để họ tin tưởng nộp tiền mua căn hộ theo tiến độ thi công. Việc kinh doanh, ấn định giá bán căn hộ tại dự án đều do ông quyết định.

Tổng cộng, ông Thản đã bán 488 căn hộ khi không được công nhận quyền sử dụng đất và qua đây thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng, theo phía công tố.

Để xảy ra sai phạm, cơ quan tố tụng cho rằng còn có sự thiếu trách nhiệm của nhóm cựu cán bộ phường Kiến Hưng và thanh tra xây dựng quận Hà Đông. Suốt quá trình dự án CT6 Kiến Hưng xây dựng, nhóm này không thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn.

Giám đốc chi nhánh "đút túi" hơn 2 tỷ đồng của công ty để đánh bạc

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 10/8, Phòng Cảnh sát kiinh tế (Công an TP.Đà Nẵng) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lâm Học (SN 1982, tạm trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để điều tra về hành vi "Tham ô tài sản".

Theo điều tra ban đầu, tháng 7/2022, Công ty CP Carpla (ngành nghề kinh doanh chính là mua bán ô tô) thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng và bổ nhiệm ông Học làm Phó Giám đốc kinh doanh khu vực miền Trung.

Đến tháng 9/2022, ông Học được giao nhiệm vụ phụ trách chi nhánh và chịu trách nhiệm trước công ty về việc tổ chức tất cả các hoạt động mua bán, ký gửi ô tô và quản lý tài sản của công ty tại chi nhánh Đà Nẵng (văn phòng đặt tại đường Phạm Hùng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Giám đốc chi nhánh "đút túi" hơn 2 tỷ đồng của công ty để đánh bạc - Ảnh 1.

Đối tượng Lâm Học tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Trong thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2022, ông Học đã trực tiếp tìm kiếm thông tin, điều hành việc mua, bán xe ô tô qua sử dụng từ nguồn tiền tạm ứng của công ty.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong việc mua, bán xe và nhận tiền tạm ứng, ông Học chỉ hoàn trả cho công ty nhỏ giọt với tổng số tiền 560 triệu đồng, còn lại người này sử dụng để tiêu xài cá nhân và đánh bạc qua mạng hết.

Quá trình điều tra, công xác định ông Học đã chiếm đoạt của Công ty CP Carpla số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Hiện vụ việc đang đượ tiếp tục điều tra, làm rõ.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Luật sư nói bị cáo vô tội, đề nghị trả tự do ngay tại tòa

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 10/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ngày làm việc thứ 3, xét xử 5 bị cáo ở Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chiều qua, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án với các bị cáo, trong đó bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà bị đề nghị mức án cao nhất từ 13 đến 14 năm tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị mức án như sau: Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ) 9 – 10 năm tù; Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc) 9 – 10 năm tù; Phan Việt Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc) 6 – 7 năm tù; Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh) 4 – 5 năm tù.

Tại tòa hôm nay, luật sư Phan Quốc Thắng -  người bào chữa cho bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà đã có một số đề nghị đáng chú ý.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Luật sư nói bị cáo vô tội, đề nghị trả tự do ngay tại tòa - Ảnh 1.

Luật sư Phan Quốc Thắng (áo đen) - người bào chữa cho bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà. Ảnh: HC

Bắt đầu bào chữa, luật sư Phan Quốc Thắng đề cập đến tội danh mà các bị cáo bị truy tố theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015. Luật sư này dẫn chứng, Điều 219 Bộ luật Hình sự quy định, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí thì phạm tội.

Trong vụ án này, theo vị luật sư, cần phải chứng minh bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải có phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Khoản 1, Điều 219 Bộ luật Hình sự; có tài sản nào thuộc sở hữu nhà nước ở Công ty Tây Hồ…

Theo phân tích của luật sư Phan Quốc Thắng, người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty Tây Hồ nếu có phải là người được Bộ Xây dựng ủy quyền giao vốn bằng văn bản.

Bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải không phải là người được Bộ Xây dựng ủy quyền giao vốn tại Công ty Tây Hồ; người giao vốn là HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Vị luật sư bào chữa, 2 bị cáo trên không phải là người đại diện vốn Nhà nước, tại Công ty Tây Hồ cũng không có ai đại diện vốn Nhà nước, được hiểu không có người nào được giao quản lý tài sản, sử dụng tài sản Nhà nước như quy định tại khoản 1, Điều 219, Bộ luật Hình sự mà cáo trạng Viện Kiểm sát đã truy tố.

Tiếp tục bào chữa, luật sư Phan Quốc Thắng cho biết, tháng 6/2017, thời điểm mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xác định hành vi phạm tội xảy ra, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP sở hữu 50,09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ mà không phải Bộ Xây dựng - cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Theo quy định, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cũng không phải doanh nghiệp nhà nước như quy định, do lúc này doanh nghiệp Nhà nước phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (được quy định tại khoản 8, Điều 4 và Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Trong khi Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Nhà nước (tức Bộ Xây dựng) chỉ chiếm 98,83% vốn điều lệ, số vốn còn lại của hàng trăm người lao động trong tổng công ty.

"Từ những quy định pháp luật đã viện dẫn, đủ cơ sở để xác định 50,09% vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP tại Công ty Tây Hồ không phải vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Do Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài Nhà nước nên quyền sở hữu tài sản tại công ty, trong đó có 50,09% vốn góp của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thuộc sở hữu của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tức không có tài sản nào thuộc sở hữu Nhà nước tại Công ty Tây Hồ" – luật sư Thắng nêu quan điểm bào chữa.

Với cáo buộc các bị cáo đã vi phạm quy chế phối hợp làm việc của Đảng ủy, HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ được ban hành tháng 5/2016; quy chế quản lý đầu tư, quy chế hoạt động của người đại diện…, điều lệ Công ty Tây Hồ sửa đổi, bổ sung năm 2017…, viện dẫn quy định của pháp luật, luật sư Thắng cho biết, theo Điều 8, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước số 09/2008/QH12 ngày 3/6/2008, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài sản nhà nước và có trách nhiệm "Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước".

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Luật sư nói bị cáo vô tội, đề nghị trả tự do ngay tại tòa - Ảnh 2.

Nêu quan điểm của mình, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà nhìn nhận cả 5 bị cáo trong vụ án đều vô tội. Ảnh: HC

Theo quy định này, những văn bản nêu trong kết luận điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát cáo buộc các bị cáo vi phạm không phải là chế độ quản lý sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

"Đủ cơ sở chứng minh, Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tại Công ty Tây Hồ: không có tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, không có người đại diện vốn nhà nước, không có chế độ quản lý sử dụng tài sản Nhà nước. Do vậy, quan điểm của luật sư là không có vụ án "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí" nào đã xảy ra tại Công ty Tây Hồ như cáo trạng đã truy tố. 5 bị cáo không phạm tội" – luật sư Thắng nhận định.

Về nội dung gây thất thoát, lãng phí, theo luật sư Thắng, để bảo vệ tài sản Nhà nước, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước số 09, ngày 3/6/2008. Theo luật này, Bộ Tài chính là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và ban hành các chế độ về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Vị luật sư đánh giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là cơ sở tiền đề để xây dựng Điều 219, Bộ luật Hình sự.

"Rất tiếc rằng Công ty Tây Hồ không phải là đối tượng điều chỉnh trong luật. Trong luật này, đối tượng điều chỉnh trong luật là các doanh nghiệp công ích, được hiểu là doanh nghiệp công do Nhà nước thành lập để phục vụ các dịch vụ công.

Công ty Tây Hồ không phải là đối tượng điều chỉnh của luật này nên không phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định tại khoản 1, Điều 219.

Do không phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nên Công ty Tây Hồ và những cá nhân thành viên HĐQT và những nhân viên trong Công ty Tây Hồ không phải chịu trách nhiệm và không bị điều chỉnh bởi điều luật 219 Bộ luật Hình sự" – ông Phan Quốc Thắng phân tích.

Vị luật sư cho rằng, việc Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát áp dụng Điều 219 để quy trách nhiệm cho những người nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty Tây Hồ chịu trách nhiệm về Điều 219 là không đúng với quy định pháp luật và họ không phải đối tượng phạm tội, họ không có tội.

Trình bày quan điểm cuối cùng trong bài bào chữa cho bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà, luật sư Thắng đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo vô tội, trả tự do cho họ tại phiên tòa.

Với bị cáo Ngà, trình bày tại tòa vào ngày 10/8, nguyên Trưởng ban kiểm soát Công ty Tây Hồ nói rất mong muốn được tuyên vô tội, được trả lại công bằng tại phiên tòa.

Đối đáp với các quan điểm bào chữa của luật sư Thắng tại phiên tòa, rằng luật sư Thắng cho rằng Công an tỉnh Bác Ninh điều tra không đúng thẩm quyền, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn tố cáo hành vi vi phạm xảy ra tại khu đô thị mới của Công ty Tây Hồ; có nhiều đơn, trong đơn có nhiều nội dung, đơn được gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, đơn cũng được gửi đến Bộ Công an và các đơn đều đươc chuyển về Công an tỉnh Bắc Ninh xem xét, giải quyết.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Luật sư nói bị cáo vô tội, đề nghị trả tự do ngay tại tòa - Ảnh 3.

Đối đáp với quan điểm của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho rằng bị cáo Tuấn (ngoài cùng bên trái), bị cáo Hải (giữa) đã vi phạm, không đúng trình tự thủ tục, trái thẩm quyền khi bán 118 lô đất. Ảnh: HC

Quá trình giải quyết có nhiều nội dung khác nhau, trong đó có hành vi liên quan đến lừa đảo đất tại khu đô thị Quế Võ. Viện Kiểm sát đánh giá Công an tỉnh Bắc Ninh thụ lý, điều tra là có căn cứ.

Về đề nghị xem lại hồ sơ vụ án liên quan biên bản hỏi cung với bị cáo Ngà ngày 227/2022, cho rằng bị mớm cung, phía đại diện Viện Kiểm sát cho biết, qua xem xét bản cung này, không đủ căn cứ xác định bị cáo bị mớm cung.

Về việc tách vụ án, quá trình điều tra, theo đại diện Viện Kiểm sát, đơn của người dân tố cáo nhiều hành vi, tuy nhiên do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan điều tra chỉ chứng minh được hành vi vi phạm của các bị cáo liên quan hành vi bán 118 lô đất, một số hành vi khác thì quan điểm của Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát thì không có dấu hiệu tội phạm; một số hành vi hết thời hạn điều tra,… tiếp tục điều tra xác minh làm rõ.

Đối đáp quan điểm của luật sư Thắng về nội dung liên quan Điều 219 Bộ luật Hình sự, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng không quy định giao tài sản ở doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đây chỉ quy định là giao tài sản Nhà nước.

Về tài sản, theo quan điểm của Viện Kiểm sát gồm trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất, tiền, vật, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và các tài sản khác theo…

Trong điều luật không quy định cụ thể về vi phạm quy định quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nhà nước mà quy định chung về tài sản, trong đó Viện Kiểm sát cho rằng vốn chỉ là một dạng tài sản.

Về quan điểm bị cáo Tuấn, Hải vô tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh phân tích, bị cáo Tuấn là Chủ tịch HĐQT, bị cáo Hải là Tổng Giám đốc được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cử đại diện quản lý vốn của tổng công ty tại Công ty Tây Hồ, vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đa phần là vốn nhà nước, do vậy bị cáo Tuấn và bị cáo Hải phải có nghĩa vụ tuân theo điều lệ của Công ty Tây Hồ, các quy chế và sự chỉ đạo của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Tiếp tục phân tích, Viện Kiểm sát cho biết, khi bán 118 lô đất, bị cáo Tuấn và Hải không báo cáo, không được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và đại hội cổ đông quyết định, chưa có kết quả thẩm định giá là vi phạm, không đúng trình tự thủ tục, trái thẩm quyền.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thể hiện, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50/09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ.

Cơ quan truy tố cáo buộc, Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc đại diện vốn của Tổng công ty Xây dựng tại Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh, Chu Thị Ngọc Ngà, Nguyễn Tấn Hoàng thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh) không đúng trình tự quy định, không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước.

Một người đàn ông rơi từ chung cư cao tầng xuống đất, tử vong tại chỗ

Xác nhận với phóng viên Dân Việt, ông Cao Thiện Cường - Chủ tịch UBND phường Trường Thi, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa - cho biết, trên địa bàn phường vừa xảy ra một vụ tử vong do rơi từ trên cao xuống.

Thanh Hoá: Một người rơi từ chung cư xuống đất tử vong tại chỗ - Ảnh 1.

Sau khi rơi từ chung cư cao tầng xuống đất, người đàn ông tử vong tại chỗ. Ảnh: Người dân cung cấp

"Khoảng 11 giờ ngày 10/8, tại chung cư Đông Bắc, phường Trường Thi, người dân phát hiện một người đàn ông rơi từ trên cao xuống và tử vong tại chỗ. Hiện Công an phường đang phối hợp với lực lượng chức năng để điều tra, tìm hiểu vụ việc trên" - ông Cương thông tin thêm.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 11 giờ ngày 10/8, một số cư dân sống tại chung cư Đông Bắc, phường Trường Thi, TP.Thanh Hoá nghe tiếng động mạnh, khi kiểm tra thì phát hiện một nạn nhân nam đã tử vong dưới khuôn viên tòa nhà.

Được biết, tòa nhà chung cư nơi xảy ra sự việc cao 13 tầng.

Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt bảo vệ hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc trên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem