Anh Trần Văn Thắng, một ngư dân trên đảo, nói rằng: “Hồi còn trẻ, mỗi chuyến ra khơi đánh cá dài ngày, rồi đầu tóc, người ngợm rít rịt vì tắm nước mặn tù tì ngày nọ qua ngày kia. Về đảo, vào sông. Sắp xếp thuyền bè ngư cụ xong xuôi, chúng tôi nhảy xuống sông tắm như trút cơn giận dữ bực tức vì nước mặn. Tắm xong, tóc khô bung từng sợi, da thoáng khí, người khỏe, sảng khoái hẳn luôn”.
Sông Dương Đông là nguồn nước ngọt chính kể từ khi lập làng trên đảo. Dòng chảy cũng là âu thuyền kín gió cho thuyền tránh bão, nghỉ ngơi. Chuyện với những người cao tuổi trên đảo, họ nói đủ thứ về sông như một dòng chảy cứu hộ, độ mạng sau những ngày khát khô trên biển.
Triều xuống, nước trong dòng Dương Đông đưa ngọt ra đến cửa biển. Triều dâng, dòng mặn dần lấn vào bên trong dòng chảy và một khoảng sông ngắn ngủi của dòng là sự hòa quyện ngọt-mặn thành nước lợ.
Mang đặc tính của dòng sông chảy từ núi về biển, trong dòng Dương Đông có hến nước ngọt, có những cồn cát ngầm, có bần, đước, dừa nước... vậy nên, nhiều người từ đất liền ra đảo định cư, đi trong dòng Dương Đông, mọi nỗi nhớ đất liền tan biến vì gặp những điều thân quen.
Dòng sông Dương Đông có độ dài 21,5km. Nếu tính cả chiều dài của các dòng suối len lỏi từ những cánh rừng với tổng độ dài khoảng 63km thì tổng chiều dài sông Dương Đông gần 100km. Sông Dương Đông thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HỮU ĐỊNH
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, sông Dương Đông có chiều dài khoảng 21,5km, cộng với những dòng suối len lỏi từ những cánh rừng với tổng độ dài các con suối khoảng 63km. Như vậy, tổng chiều dài dòng chảy cũng ngót nghét 100km, chứ không phải chuyện sông ngắn, kể dài.
“Người ngoài đảo Phú Quốc xưa có hai nghề: Nghề đánh bắt hải sản và nghề lên rừng hái cây lá làm nước uống, làm thuốc. Bao nhiêu đời gói ghém hai nghề và cùng sống, cùng chết trên đảo”, ông Nguyễn Văn Tình, 73 tuổi, ngụ bên bờ sông Dương Đông nói vậy.
Nghề xuống biển hẳn ai cũng hình dung ra, trong mưu sinh có khi bỏ xác ngoài biển vì thời tiết. Nghề lên rừng thượng nguồn dòng Dương Đông cũng không phải chuyện an toàn, có người đi không về. Nguyên do, rắn rừng, ong rừng châm vào chân, đau, mỏi mệt rồi gục chết. Đó là chuyện quá khứ, mà ở thị trấn Dương Đông, nay là thành phố Phú Quốc, người ta vẫn còn nằm lòng những số phận con người ngoài đảo, ngược sông tìm manh mối lá thuốc, củ rừng.
“Những năm xưa, khốn khổ đủ bề. Phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền nhất tuần nhất chuyến, có khi cả tháng mới có một lần. Người đi bộ ngược sông Dương Đông kiếm măng, kiếm củi, kiếm những thứ của rừng nhưng rồi không có kinh nghiệm mà đành bỏ lại xác thân mình bên triền núi cao, bên bờ vực thẳm”, ông Tình nói.
“Người thạo đi rừng, họ không lo, họ sẽ tìm ra mạch nước chảy li ti, có thể là tán lá ẩm ướt, rồi lần ra con suối. Từ suối tìm ra sông, rồi tìm được về với cộng đồng”, ông Tình cho hay, “Nhiều người không có kinh nghiệm này, rừng âm u, đi hoài đi hoài, đi mãi, rồi bấn loạn, rồi kiệt sức, rồi không về được nữa”.
Lời ông Tình, đó là câu chuyện ngày xưa, đảo vắng. Rừng ngày ấy còn hoang vu, dòng Dương Đông như một dòng sông ân cần, đón những người cập đảo và dẫn lối cho những người lạc rừng về với cộng đồng. Cuộc sống của người dân nhờ vào dòng chảy có nước ngọt cho sinh hoạt hằng ngày, làm mắm, ủ rượu sim. Sông Dương Đông đối với người Phú Quốc khó bề kể xiết.
Dòng Dương Đông hôm nay, dù ở đảo nhưng vẫn không thoát khỏi số phận giống như nhiều dòng sông khác nằm trong đất liền đó là chuyện ô nhiễm nguồn nước từ những cống ngầm thoát nước đô thị đổ thẳng ra sông khiến cá chết, nước đen ngòm.
Nhớ lại thuở đôi mươi, đảo còn ít người, ít khách du lịch, chị Đoàn Thị Diễm, ngụ ấp Cây Thông Ngoài, cho biết: “Ở ấp này xa biển nhưng gần sông Dương Đông. Tụi tui cứ theo bước chân người đi trước đã tìm ra hũm nước trong dòng chảy. Hũm nước đủ rộng, đủ sâu để tắm gội, học bơi”.
Ấp Cây Thông chuyên trồng lúa, trồng điều, trồng tiêu sinh sống bằng nghề nông và lên rừng hái nấm tràm về bán. Những lúc nông nhàn, người đi chặt cây khô bó thành bó củi đưa về biển bán kiếm đồng tiền.
Rồi, hơn 20 năm nay, cuộc sống ở đảo cứ nhộn nhịp dần lên, dân đông, khách du lịch đến đông và nhiều khu vực kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhiều chủ nhật, thanh niên ngoài đảo rủ nhau ngược dòng sông mang theo đồ ăn, than củi nấu nướng cũng nhộn nhịp cánh rừng.
Rồi chị Diễm lại trầm giọng: “Tui đã 47 tuổi rồi, đã lên chức bà rồi, cái chi cũng muốn răn, muốn dạy lớp trẻ rằng, ăn uống, tắm táp, vui chơi không ai cấm. Nhưng cấm xả rác bờ bãi, cồn cát bên dòng sông. Nhìn cảnh rác nylon, lon bia, chai nhựa... ê chề cành cây, bụi rậm ngao ngán lắm. Đem tới thì cũng phải biết dọn dẹp đem về chỗ thùng rác mà bỏ đó mới là ý thức”.
Ông Nguyễn Văn Tình kể, hồi xưa, mỗi lần đi ngược sông lên suối Mơ - một trong những dòng suối cấp nước cho dòng Dương Đông, tôi đem theo can nhựa, lấy đầy hai can nước 40 lít trên đó về trữ trong vại sành làm nước pha trà, sắc thuốc. Ông Tình nói: “Mùa khô, nắng nóng nhưng đến dòng suối, uống ngụm nước suối mát vô cùng”.
“Có lần, đi thấy mệt thì cũng không cần lên tận suối, chỉ qua mấy ấp thượng nguồn là lấy nước được rồi. Còn khỏe mạnh, kỹ tính thì đến suối lấy nước là ngon nhứt. Nước trong long lanh như mưa ngoài tấm kiếng. Ngồi bên suối, nghe tiếng nước chảy cũng thấy nhẹ người”, ông Tình kể lại.
Dòng sông Dương Đông như một món quà tặng thiên nhiên kiến tạo trên nền địa hình, địa chất của đảo, nó như một món quà quý. Nhưng tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến dòng chảy xanh sạch, trong lành đã biến đổi.
Nhiều người trên đảo, có những kỷ niệm với bến tắm, bờ vui bên sông, nay nhìn lại và thầm tiếc và ước mong dòng chảy lại trở về với những điều trong lành, ngọt mát như xưa. Và người Phú Quốc cũng ao ước có một tuyến du lịch trên sông được khỏa nước ngọt tung tóe, nhảy ùm, tắm mát.
Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cách TP Hà Tiên 50km, cách TP Rạch Giá 120km. Ngoài sông Dương Đông, ở đảo Phú Quốc còn có dòng sông Cửa Cạ. Hai dòng sông Dương Đông, sông Cuwart Cạ đều bắt nguồn từ một sườn núi thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc, chảy quanh co về hai hướng khác nhau.
Sông Dương Đông, ngoài việc bị lấn chiếm lòng sông thì việc tàu thuyền đánh cá neo đậu với mật độ dày đặc cũng làm suy giảm nghiêm trọng dòng chảy tự nhiên.
UBND tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc đã hội thảo, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường dòng sông Dương Đông.
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước do hệ thống thoát và xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có hệ thống thu gom nước thải đồng bộ, hoàn chỉnh.
Giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước sông Dương Đông giai đoạn 2025-2030 là rà soát quy hoạch sử dụng đất, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ, bên cạnh đó tăng cường kiểm soát các nguồn nước thải phát sinh trên khu vực dòng sông, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về xả chất thải không đúng quy định.
Để hồi sinh dòng sông Dương Đông, theo kế hoạch của UBND tỉnh Kiên Giang, phải cần ít nhất là 10 năm với nguồn kinh phí khá lớn. Trong đó, tính riêng thời gian dự kiến khoảng 2 năm đầu, việc xây dựng cống thoát nước, trạm thu gom xử lý nước thải đã tốn hơn 1.000 tỷ đồng.